Do vậy, phẩm chất đầu tiên mà người thầy cần có là sự mẫu mực, là tấm gương đạo đức và chỉ có thế mới thực hiện được chức năng giáo dục toàn diện, chứ không phải chỉ là sự truyền thụ kiến thức đơn thuần.
Là một dân tộc có truyền thống “tôn sư, trọng đạo” nên từ lâu vị thế, vai trò của người thầy đã được xác định. Chả thế “không thầy đố mày làm nên”, “trọng thầy mới được làm thầy”. Người thầy mặc định được tôn trọng từ danh xưng. Chẳng cứ học sinh gọi bằng thầy, bằng cô, ngay cả phụ huynh, lãnh đạo và mọi người trong xã hội cũng đều gọi như vậy. Vì tôn trọng nghề nghiệp làm thầy mà xã hội có những yêu cầu khắt khe về tư cách người thầy.
Ngày nay, xã hội có nhiều chuyển biến nhưng vị thế người thầy vẫn được coi trọng. Thể hiện sự trân trọng của chế độ khi có một ngày được đặc biệt dành để tôn vinh người thầy “Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Hơn tất cả là thái độ tôn trọng xã hội đối với nghề dạy học cũng như của người học đối với từng thầy, cô cụ thể của mình.
Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là ranh giới nghề nghiệp giữa những người dạy học và những người làm công việc khác giờ đã không còn được phân biệt rõ ràng. Thầy, cô giáo chỉ là viên chức, người làm công tác quản lý giáo dục là công chức; hoặc ngược lại viên chức, công chức vẫn trở thành các thầy, cô giáo mà có thể không cần qua một lớp đào tạo sư phạm nào.
“Xã hội hóa giáo dục” đã làm sự cao quý của người thầy trở nên "phổ thông" và những đòi hỏi khắt khe về tư cách người thầy đã không còn như xưa nữa. “Xã hội hóa giáo dục” với các khoản lạm thu đẩy nhà trường gần lại thương trường hơn bao giờ hết. Và khi đồng tiền lên ngôi, thống trị ở các cơ sở giáo dục, “thương mại hóa học đường” đã làm tổn thương sâu sắc đến vị trí tôn nghiêm của người thầy và nhận lại cái nhìn khinh thị từ phía xã hội.
Nhưng đó chỉ là một góc trái rất nhỏ của xã hội bởi trong mỗi chúng ta đều có hình ảnh của những người thầy đáng kính và đáng để tri ân. Dòng chảy của sự “tôn sư, trọng đạo” vẫn âm thầm chuyển động trong tâm thức nhiều người mà không cần đến những khẩu hiệu treo cao, đập vào mắt từng ngày. Đạo lý dân tộc là ở chỗ đó và để nuôi dưỡng đạo lý này cần đến sự giữ gìn tư cách của mỗi người thầy trong bất cứ hoàn cảnh nào.