Những “trận chiến” xa nhà với di chứng bại liệt…
Nếu không gặp gỡ và tập luyện cùng Hội thể thao người khuyết tật Hà Nội, có lẽ giờ này Trường vẫn sống thu mình như con ốc nhỏ và không dám mơ đến ngày chạm tay đến tấm Huy chương Vàng…
Xuân Trường sinh ra trong một gia đình viên chức nghèo ở một huyện thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Năm 2 tuổi, sau một trận sốt virut không được cấp cứu kịp thời, di chứng bại liệt đã khiến chân bên trái của Trường bị bại liệt, không thể cử động được.
Trường được bố mẹ đưa đi chữa trị khắp nơi, hễ cứ nghe có ông lang tốt, có thể làm hồi phục chân của con là bố mẹ mang Trường đến. Thậm chí Trường còn ở một mình hàng năm trời ở nhà các ông thầy lang để hy vọng một sự biến chuyển.
Trường cho biết, ký ức ngày còn nhỏ của Trường chỉ là những đợt chữa trị xa nhà, gần thì chục cây số, xa thì hai ba chục cây. Chữa trị ở đâu thì Trường chuyển đến ăn ở cùng gia đình thầy lang và theo học văn hóa tại địa phương luôn. Thường thì mỗi chỗ ở lại kiên trì chữa trị khoảng 1-2 năm.
Chính vì chuyện này mà Trường thường xuyên phải chuyển trường. Mỗi lần chuyển trường là mỗi lần tủi thân vì các bạn mới thường hay bắt nạt, trêu trọc và đẩy ngã. Còn các anh chị lớp trên cứ vào giờ ra chơi lại chạy đến lớp Trường và bảo “cho xem chân”. …
Anh tâm sự, mỗi lần như thế thì là buồn nản, muốn được về nhà ở và vứt bỏ tất cả những nỗ lực chữa trị nhưng cũng may anh gặp những người thầy lang tử tế, họ đối xử với anh như người nhà, xem anh như con cái nên động viên để anh vững chí ở lại, vừa học vừa chữa trị. Mỗi lần chán nản, mỗi đợt xa nhà Trường chỉ biết vùi đầu vào học để tìm nguồn vui. Cậu luôn được động viên và biểu dương mỗi khi kết thúc năm học.
Ròng rã xa nhà vào năm nhưng không thấy biến chuyển gì, khi được 15 tuổi, thì Trường quyết định dừng chữa trị vì không thấy có biến chuyển gì. Cũng đồng thời năm ấy, Trường thi đỗ vào lớp chuyên hóa, trường ĐHKHTN Hà Nội. Xa bố mẹ ra Hà Nội học cũng không phải là bước chuyển lớn lao trong cuộc đời Trường bởi Trường đã quen với việc xa bố mẹ đi học từ nhỏ.
Chia sẻ về việc chọn thi vào lớp chuyên hóa, Trường cho biết, khi còn học cấp 2 Trường đã theo học trường chuyên của huyện, thấy mình học môn hóa là dốt nhất nên cố gắng theo học lớp chuyên hóa để có thể cải thiện tình hình môn hóa. Và sự kiên trì của Trường đã được đền đáp.
Những ngưỡng cửa học tập được Trường chinh phục với sự nỗ lực của bản thân bởi Trường muốn chứng minh, dù thân thể có chút khó khăn trong việc di chuyển nhưng Trường vẫn học tập và cố gắng như một người bình thường. Ra trường với tấm bằng khá của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường vẫn ngơ ngác, hoang mang giữa cuộc đời bởi lo lắng không biết sẽ đi tiếp như thế nào…
Bước ngoặt lớn của cuộc đời
Đúng lúc này Trường đã gặp một người cùng cảnh ngộ và được rủ đến tập luyện tại Trung tâm thể thao dành cho người khuyết tật. Trường tâm sự: “Tôi quyết định theo tập thể thao như một cứu cánh cuộc đời bởi không biết bước đi tiếp theo của đời mình như thế nào. Nhưng không thể ngờ đây lại chính là bước ngoặt của cuộc đời mình”. Và bước ngoặt này đã cho Trường mọi thứ, tiếp cho Trường sức mạnh đứng vững với đôi chân không lành lặn của mình.
Trường kể lại, càng tiếp xúc với nhiều người cùng cảnh ngộ với mình mới nhận ra rằng mình còn nhiều may mắn hơn. “Trước đấy tôi luôn tự ti, sống trong vỏ ốc của mình, thậm chí gặp những người tật nguyền như mình còn cảm thấy ngại nhưng khi hòa nhập, tập luyện cùng họ tôi đã nhận ra mình không nên tiếp tục sống tự ti, không cười, không nói như trước nữa”.
Nhanh chóng hòa nhập với đội tập thể thao, Trường đã kịp nhận một chiếc Huy chương Vàng Quốc gia môn cử tạ ngay sau đấy một năm. Rồi Trường vào đội tuyển, tập luyện để chuẩn bị tham gia Para games (Đại hội thể thao Đông Nam Á dành cho người khuyết tật).
Trường liên tục nhắc đi nhắc lại sự kiện khiến mình thay đổi toàn bộ cuộc đời “Tham gia vào phong trào thể thao khuyết tật là một bước ngoặt lịch sử của cuộc đời tôi. Bởi mỗi lần đi thi đấu và giao lưu, nhìn và thấy nhiều người trong điều kiện và hoàn cảnh khó khăn khắc nghiệt như thế nào mới thấy mình thực sự là người may mắn trong số những người không may mắn”.
Cũng từ những ngày tập luyện thể thao, Trường đã gặp được ông Nghiêm Xuân Tuệ (Giám đốc Văn phòng điều phối, hỗ trợ người tàn tật Việt Nam) và một bước ngoặt nữa lại đến với Trường. Thấy cậu khôi ngô, thông minh, đôi mắt rực sáng đầy nghị lực, ông Tuệ đã động viên, hỏi thăm và nắm được những năng lực của Trường, ông giới thiệu Trường với Viện Dầu khí Việt Nam. Và ngay sau đó Trường được nhận vào làm tại Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Vào làm việc tại Trung tâm, Trường phát huy được năng lực chuyên môn với những gì mình đã học. Các đồng nghiệp làm cùng cũng luôn hỗ trợ Trường mỗi lúc đi công tác. Họ luôn ưu tiên cho Trường tham gia công việc đàm phán, hội nghị… mỗi lần đi công tác hiện trường dù thực lòng Trường cũng mong muốn một lần mình được ra giàn khoan, được đứng trên những giàn khoan để ngắm biển, ngắm những phong cảnh hùng vĩ của đất nước mình để thấy yêu và trân trọng hơn cuộc sống.
Tuy nhiên, điều mà Trường tiếc nuối nhất chính là việc đã không có ai hướng mình đến những mục đích cụ thể phía trước để Trường phấn đấu. Bởi trong những suy nghĩ của mình chỉ là vạch ra những con đường ngay cạnh mình như thi đỗ đại học, đạt giải ở các cuộc thi thể thao khuyết tật, tự đặt ra và nỗ lực hoàn thành.
Trường chia sẻ “Nếu biết đặt mục tiêu cho cuộc đời, có lẽ tôi đã đạt được nhiều kết quả hơn, đã có thể trở thành người có ích, có thể giúp đỡ nhiều hơn những cảnh đời kém may mắn như mình và hơn mình”.
Chính vì vậy, hiện nay, mỗi khi được tham gia, đóng góp bất kỳ một hoạt động gì cho cộng đồng người khuyết tật là Trường tham gia với tất cả tình yêu, sự say mê… Trường bảo, mục đích duy nhất của Trường là mong muốn cải thiện nhận thức của cộng đồng người khuyết tật, giúp người khuyết tật xóa đi rào cản hòa nhập cộng đồng và tự tin hơn vào cuộc sống. Điều quan trọng nhất là mong muốn có thể sẻ chia nhiều hơn về những mục đích, mục tiêu cho những người yếu thế, để họ có thể có những kế hoạch, bước đi vững chắc giữa cuộc đời chứ không thể để họ bơ vơ như mình đã từng trải qua…