Đôi bàn tay khéo léo…
Số phận không may mắn nhưng bù lại, chị Ngọc có đôi bàn tay cực kỳ khéo léo. Nhà nghèo, chị phải bỏ học đi bán hàng từ khi mới hơn 10 tuổi. Sau vụ tai nạn khi đang trong một buổi đi chợ sớm khiến chị mất đi đôi chân lành lặn, chị đã từng tuyệt vọng, có ý nghĩ tiêu cực. Sau đó, chị quyết định phải vượt lên số phận, tự tập đi lại bằng ghế, cầm 2 chiếc ghế trên 2 bàn tay và lê lết khắp nhà.
Không chịu trở thành người tàn phế, chị bắt tay vào làm đồ thủ công. Ban đầu chị nhờ mua các lon bia để tập uốn thành các loại đèn lồng. Được các bạn nhỏ mê đắm, thích thú, hàng làm ra đến đâu bán hết đến đấy khiến chị càng ham hơn. Khi đèn lồng đang được đón nhận, chị lại nghĩ cách làm hình 12 con giáp bằng kẹo.
Bọn trẻ con thấy những con vật được ráp lại bằng các loại kẹo thì mê mết, đứa nào cũng đòi bố mẹ phải mua cho. Tiếng chị làm hàng handmade khéo léo đồn khắp Hải Phòng. Mỗi dịp trung thu hoặc hội hè, các trường, các tổ dân phố thi nhau đặt hàng khiến chị quên đi những vất vả, khó khăn của mình. Chị say sưa làm, trả hàng… thu nhập cũng đủ để chị nuôi mình và nuôi mẹ, một người mẹ trái tính vì mất chồng sớm, một tay phải nuôi cả đàn con.
Với đôi bàn tay khéo léo, chị tự tập tỉa hoa quả, bày các đĩa hoa quả dù không tham gia một lớp học nào. Cái tên Ngọc “cụt” khéo tay nhanh chóng lan ra khắp Hải Phòng. Nhắc lại những ký ức này, chị vẫn không thể kìm nén được những giọt nước mắt. Chị tâm sự, mẹ chị khó ở nên cuộc sống của chị càng chật vật hơn sau khi gặp tai nạn.
Sau những nỗ lực kiếm được tiền sinh sống, chị thay mẹ chăm chút cho người em trai. Đến khi người em làm đám cưới, chị quyết tâm làm sao để em bằng bạn bằng bè, dù chỉ làm tiệc ngọt. Chị quyết định bày các mâm hoa quả thật trang trọng và đẹp mắt.
Sáng hôm cưới, những mâm hoa quả được chị bày biện khiến mọi người phải trầm trồ bởi trước đấy, họ luôn thắc mắc: “Không biết Ngọc “cụt” sẽ làm gì trong ngày cưới của em trai”. Sau ngày cưới em, chị lại liên tục nhận được những đơn đặt hàng bày mâm hoa quả vào các ngày cưới xin, lễ hỏi… Sau này phường thấy chị khéo tay nên cho chị đi học một khóa hoa voan để có thể dạy những người đồng cảnh ngộ.
Một sản phẩm chị làm từ các loại kẹo |
Tật nguyền nhưng vẫn nhận con nuôi…
Đến năm 37 tuổi thì chị quyết định nhận nuôi một đứa con vì bố mẹ đứa bé bỏ nhau. Khi biết ý định này, mẹ chị phản đối rất quyết liệt vì nghĩ “ốc không mang nổi mình ốc lại còn đòi mang cọc cho rêu?” Nhưng chị bảo, “chân con tật nguyền như này xác định sống một mình cả đời, nếu có đứa con là nguồn vui thì còn hạnh phúc nào bằng”. Chị phải quả quyết, nhận nuôi con, nếu sau này con chị bạc bẽo, không biết ơn thì coi như mình làm phúc cho nó. Nếu nó hiếu thảo mình sẽ có chỗ dựa lúc tuổi già.
Ban đầu nuôi con vất vả lắm, khó khăn mọi bề. 2 mẹ con chung một giường 1m2 trong căn nhà 14m2. Cứ hàng xóm láng giềng cho gì ăn chị lại phần cho con vì không có tiền mua. Chị tự tay tắm rửa, cơm cháo cho con. Khi thằng bé 5 tuổi, chị vừa bán trà đá đầu ngõ vừa dạy con chữ ở ngoài đường. Các cán bộ phường cảm phục tấm lòng của chị, thấy thương chị quá nên tìm cách làm giấy tờ giúp chị nhận nuôi con hợp pháp.
Chị tâm sự, nhờ có con mà chị mới quyết tâm phấn đấu mua nhà cửa, mua xe bởi đưa đón con đi học cũng vất vả, không thể nhờ mọi người mãi được. Cũng không thể để con chứng kiến mẹ già đối xử với mình cay nghiệt, để nó có ấn tượng không tốt về bà. Chị luôn nghĩ cho mọi người trong gia đình trước khi nghĩ cho mình.
Định mua xe máy cho mình thì chị phải mua cho con trai trước. Nhà có quán trà đá đầu ngõ, chị vừa bán hàng, vừa rảnh rỗi làm hàng trả mọi người, chị tối mặt tối mũi với cuộc mưu sinh. Cũng may đứa con chị ngoan ngoãn, khi học lớp 6, mỗi sáng đều dậy sớm hơn, đẩy xe hàng cho mẹ, che ô kín xong mới đi học, đến tối lại đẩy về.
Mỗi khi buồn tủi, mệt mỏi chị còn làm thơ để tự động viên mình hoặc tặng con để nó hiểu lòng mẹ hơn. Chị quan niệm, muốn con ngoan thì chị phải làm một tấm gương để con soi vào. Thật buồn là mẹ đẻ chị càng già càng trở nên trái tính trái nết và cay nghiệt. Thế nhưng dẫu cho mẹ già có cay nghiệt và luôn hắt hủi mẹ con chị nhưng chị vẫn một tay lo lắng, chăm sóc mẹ chu toàn.
Anh chị em ruột của chị thấu hiểu điều ấy hàng tháng tự nguyện gửi thêm cho chị 200.000 đồng để nuôi mẹ. Nhưng chị không nhận vì nghĩ các bác, các cậu còn khó khăn. Anh chị em càng nghĩ càng thương chị tàn tật nên cứ đến dịp cao điểm làm hàng, mỗi người một tay giúp chị hoàn thành đơn hàng cho đúng kế hoạch…
Và chị, sau những nỗ lực vượt lên đã sống mạnh mẽ và là tấm gương cho những thành viên trong “Hội sống độc lập” do chị thành lập, để mong có thể giúp đỡ nhiều hơn những mảnh đời khuyết tật như chị…