Ngã rẽ bất hạnh
Đam mê võ thuật, anh Nguyễn Kim Hoàng (SN 1978, sống tại số nhà 29 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) theo học võ cổ truyền từ năm 7 tuổi. Nhận thấy Hoàng có khả năng nổi trội nên sau vài năm theo học đã được thầy giáo cho đứng lớp huấn luyện võ sinh.
Bên cạnh võ thuật cổ truyền, Hoàng còn có một niềm yêu thích khác là công nghệ thông tin. Hết lớp 12, Hoàng nộp hồ sơ thi đại học và thi đỗ vào Khoa Công nghệ thông tin của Viện Đại học Mở Hà Nội. Sau nhiều năm trên giảng đường đại học, Hoàng ra trường và trở thành một kỹ sư công nghệ với công việc thiết kế website, viết phần mềm, sửa chữa máy tính…
Bất hạnh ập xuống vào một ngày, Hoàng thấy mắt mình cứ mờ dần, mờ dần. Đến bệnh viện kiểm tra anh mới hay mình bị Lupus ban đỏ. Bệnh làm cho anh bị suy thận nặng phải đi lọc máu, đồng thời làm cho đôi mắt mờ dần rồi mù hẳn. Anh bảo: “Lúc ấy mình hi vọng bác sĩ chữa thì mắt sẽ dần hồi phục. Nhưng chữa mãi mà mắt vẫn càng mờ đi. Thôi không chữa được thì đành chấp nhận”.
Ban đầu Hoàng cảm thấy rất hoang mang, anh phải dừng mọi công việc đang làm. Thời điểm ấy, trong nhà anh còn đến năm chiếc máy tính đang chờ anh khôi phục dữ liệu. Rồi ngay cả việc tắm rửa, vệ sinh anh cũng không thể tự làm mà phải nhờ đến vợ. Cả ngày anh cứ ngồi ru rú trong nhà, “ra đường thì sợ ô tô đâm, về nhà thì sợ đâm vào tường”.
Nghị lực sống kiên cường
Vốn là một người ưa hoạt động nên khi đang sống quen trong cảnh bận rộn nay phải ngồi một chỗ không làm gì được nữa, anh Hoàng sinh ra buồn chán. Anh nhớ tới lớp võ đã dạy trước đây ở Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và nảy ra kế hoạch dạy võ miễn phí. Công việc này vừa giúp mọi người nâng cao sức khỏe, cũng giúp anh cảm thấy khuây khỏa. Nhờ những học trò cũ, lớp võ ngay lập tức được mở ra.
Ban đầu, võ sư cũng khá lúng túng khi uốn nắn các tư thế, kỹ thuật cho học trò. Nhưng dần dần cũng quen, anh đã tìm được những cách để hướng dẫn học trò “đấm đá” cho phù hợp. Vì thế mà lúc cao điểm, lớp võ của anh lên đến 50- 60 người.
Quen dần với việc dạy võ khi không còn nhìn thấy gì, anh Hoàng mở thêm hai lớp võ nữa ở Trường THPT Trương Định và ở Công viên Bách Thảo. Lớp võ ở công viên Bách Thảo có thu phí, nhưng mức thu 100 ngàn đồng/tháng/8 buổi chỉ là để động viên tinh thần học võ của mọi người. Mỗi lớp võ, anh chị nhận từ 10-12 học viên để việc học có chất lượng.
Cùng với việc dạy võ, anh Hoàng còn là trưởng đoàn múa lân, vừa đi ký kết hợp đồng vừa dạy múa lân cho các bạn trẻ. Anh cho biết: “Mình đam mê múa lân và nghiên cứu về loại hình này từ rất lâu rồi. Đúng năm 2010 mình mới bắt tay vào làm. Làm được vài tháng thì mắt không nhìn thấy nữa. Giờ thì mọi thứ lại ổn định, mình lại làm các công việc về múa lân như trước”.
Dạy 3 lớp võ, đi ký kết các hợp đồng và dạy múa lân, công việc của anh Hoàng lại bận rộn, thậm chí bận hơn những ngày còn sáng mắt, chỉ khác là giờ đây việc anh làm đa phần là miễn phí.
Được biết, hoàn cảnh của gia đình anh cũng rất khó khăn, hai vợ chồng thu nhập chưa đến 2 triệu đồng, chỉ đủ trang trải học hành cho cô con gái đang học lớp 4. Mọi ăn uống, sinh hoạt trong nhà đều dựa vào tiền lương hưu của người cha già. Cảnh sống “giật áo vá vai” chạy ăn từng bữa lại thêm bệnh tật, nhưng trên tất cả, cuộc sống của anh vẫn đầy tiếng cười.
Lúc phóng viên đến thăm, căn nhà của anh vừa mới bị “bà hỏa” ghé thăm do chập điện, còn khét mùi khói. Một người học trò cũ của anh đang ngồi cạnh để giúp thầy cài đặt lại phần mềm máy tính. Người học trò này đã học trong lớp võ của anh cách đây 5 năm về trước nhưng thỉnh thoảng vẫn tới thăm, qua lại giúp đỡ thầy.
Nhìn cảnh tượng đó, chúng tôi thêm hiểu và trân quý những việc anh đã làm, cảm phục về một tấm gương đầy quả cảm và nghị lực, đáng để nhiều người học tập./.