Võ sư một chân

Võ sư Dũng đứng lớp buổi tối
Võ sư Dũng đứng lớp buổi tối
(PLO) - Ở tuổi đôi mươi, chàng trai Tạ Anh Dũng (SN 1961, ngụ Quận 8, TP.HCM) từng tuyệt vọng khi phải cắt cụt chân trái sau một vụ tai nạn. Nhưng với nghị lực hơn người, sự kiên trì không mệt mỏi, người đàn ông tật nguyền này đã luyện tập trở lại thành lão làng trong làng võ Việt.  
“Sống sao để không làm khổ người thân”
Sáu giờ chiều, ông Dũng khoác trên vai túi đồ nghề lỉnh kỉnh, khập khiễng bước vào Trường THCS Lý Phong (Quận 5) chuẩn bị ca dạy võ buổi tối. Người đàn ông dáng nhỏ nhắn, mái tóc điểm hoa râm này là một chuẩn võ sư cấp 17/18 của Hội võ cổ truyền TP.Hồ Chí Minh. 
Khoác lên mình bộ võ phục màu đen, siết chặt chiếc đai màu trắng, võ sư một chân nhảy nhẹ tâng vào lớp học có hơn 10 học viên đang chờ sẵn. Vừa nhiệt tình chỉ dẫn các thế võ cổ truyền Kim Kê Tây Sơn Nhạn, ánh mắt quắc thước dõi theo từng động tác của học trò. Hễ ai tập sai, như điện giật, ông bật dậy, nhảy tới, lúc la hét, khi ngọt ngào uốn nắn.  
Ông Dũng sinh ra trong gia đình nhà võ có hơn 10 anh em tại Sài Gòn. Lên 4 tuổi, cậu bé đã được ba cho làm quen với võ thuật. Càng lớn, chàng trai càng nổi tiếng trên các võ đài. Khi sự nghiệp đang lúc nở rộ thì một biến cố lớn xảy ra làm thay đổi cuộc đời. 
Một ngày hè năm 1980, chàng trai chèo chiếc ghe nhỏ đi đánh cá trên sông, không may bị tai nạn. Tỉnh dậy trên giường bệnh, chàng trai bàng hoàng nhận ra chân trái mình đã bị cắt bỏ lên đến tận đầu gối.  
Võ sư Dũng hồi ức: “Lúc đó, tôi nghĩ mình không thể vượt qua được mất mát này, bởi mất chân có nghĩa sự nghiệp võ thuật cũng chấm dứt. Đang nằm tuyệt vọng trong phòng bệnh, tôi giật mình thấy hai người chung phòng tự vẫn vì căn bệnh hiểm nghèo. 
Chứng kiến cảnh người thân họ khóc lóc đau xót, niềm khao khát được sống trong tôi bỗng trỗi dậy. Suốt một đêm nằm suy nghĩ, tôi rút ra một bài học, giờ có đau xót thì chân cũng không mọc lại được. Phải mạnh mẽ sống sao để không làm khổ người thân”.
Bốn năm sau, cuộc sống tạm ổn định, ông bắt đầu tập xe đạp, học bơi, tập bóng bàn… để rèn luyện thể lực. Sau bao nỗ lực, ông thành thạo bơi, chơi bóng bàn nhanh nhẹn. Đầu năm 1990, ông học võ trở lại.  
“Mình tật nguyền nên học võ rất khó khăn. Cái chân còn lại rất yếu, để đứng vững luyện võ là điều không dễ dàng. Nhiều thế võ học đi học lại không được, không ít lần tôi muốn bỏ cuộc. 
Thiếu một chân, tôi phải tập luyện nhiều gấp đôi, gấp ba người bình thường. Điều đầu tiên phải học cách giữ thăng bằng thật tốt, luyện cái chân còn lại thật khỏe, chắc. Cơ lưng cũng phải khỏe, dẻo dai hơn người bình thường để nhanh chóng bật dậy nếu ngã. 
Bất chấp mọi cơ cực  
Sau gần 5 năm luyện tập, ông Dũng trở thành thành viên Hội võ cổ truyền thành phố. Cũng nhờ những buổi tập võ, ông tìm được người bạn đời. Họ mua căn nhà nhỏ ở mé sông cầu Hiệp Ân (quận 8). 
Võ sư Dũng
Võ sư Dũng  
Khi 4 đứa con lần lượt ra đời, kinh tế gia đình càng khó khăn, thấy tâm huyết của ông với môn võ thuật dân tộc, Trung tâm TDTT quận 5 tạo điều kiện sân bãi để ông đứng lớp giảng dạy, có thêm thu nhập.  
Niềm đam mê võ thuật trong ông quá lớn, cộng với thiếu thốn đủ bề trong cuộc sống khiến tình cảm vợ chồng rạn nứt. 
Khi đứa con út mới được 3 tuổi, hôn nhân đổ vỡ. Một mình ông “gà trống nuôi con”, làm đủ nghề từ bán báo, dạy võ, dạy bơi, luyện kèm bóng bàn… mới đắp đổi qua ngày. 
Nhờ sống cạnh người cha tính cách mạnh mẽ, các con ông tự lập từ rất sớm, giỏi võ như cha. Nay các con đã lập gia đình riêng, ông nhận nuôi 3 đứa cháu ngoại. Mọi chi phí sinh hoạt đến việc đi chợ, nấu cơm, dạy học cho các cháu đều một tay ông lo liệu.  
Ông thường dậy rất sớm, chuẩn bị bữa sáng sẵn cho các cháu. 5h sáng, ông lật đật đi lấy báo về bán. Cả buổi sáng ông luồn lách khắp các ngõ hẻm để bán báo, lời được 20 – 30 ngàn đồng, rồi dành thời gian đến Trung tân TDTT quận 5 tập thể lực. 
Mặt trời vừa đứng bóng, ông chạy ra chợ mua bó rau, con cá về chuẩn bị bữa trưa, nấu sẵn bữa tối cho đàn cháu. Ăn vội chén cơm, không kịp nghỉ ngơi, ông đi dạy võ tại nhà, chiều lại tất bật qua Quận 8 đứng lớp. 
Ngoài ra, ông còn dạy học bơi, chơi bóng bàn... Cứ 22h mỗi tối, ông mới về đến nhà, khi 3 đứa cháu đã ngủ say.   
Vị võ sư chia sẻ: “Tôi mê võ đến nỗi Tết cũng không nghỉ, suốt ngày theo các đoàn lân múa võ. Có lẽ nhờ niềm đam mê võ thuật, tôi mới có động lực sống. Chỉ cần được khoác lên mình bộ võ phục, bao nhiêu khó khăn, vất vả đều tan biến hết. Cân bằng cuộc sống cũng như cân bằng các thế tấn; mình ngã như thế nào, thì phải biết cách để đứng dậy như thế”. 
Người đàn ông nghị lực trăn trở: “Môn võ cổ truyền dân tộc tinh túy lắm, nghiên cứu hai kiếp người chưa chắc đã biết hết. Tôi mong võ cổ truyền không bị mai một. Một ngày nào đó có có điều kiện, tui sẽ mở một trung tâm dạy võ cổ truyền, vừa lưu truyền lại các thế võ dân tộc, vừa giúp học trò có thể lực để sống khỏe, sống tốt”./.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.