Tàn nhưng không phế
Tới thị trấn Hải Lăng, hỏi ông Hoàng Lãng (55 tuổi, ngụ khóm 4, thị trấn Hải Lăng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), ai cũng biết: “Cái ông cụt hai tay mà bơi giỏi, có trồng rừng à? Chạy vào trong đường Trần Nhật Duật có căn nhà to nhất, sơn màu vàng, chính là nhà ông ấy”.
Ông Lãng xuất thân trong gia đình nông dân. Vào đúng năm ông học lớp 6, trong một lần cùng với cha mẹ dọn cỏ khô, ông bị quả mình phát nổ, nát bươm hai tay.
Ông hồi ức: “Lúc đó tôi ngất xỉu, được đưa đi điều trị tại bệnh viện huyện Hải Lăng. Hôm sau tôi mới tỉnh dậy, thấy mình không còn tay nữa, chán nản vô cùng, nhiều khi muốn chết cho xong.
Điều trị hơn nửa tháng thì được xuất viện về nhà, tôi tự nhốt mình trong nhà suốt một năm trời, không làm việc, không bè bạn, không nói chuyện với một ai”.
Sau đó, cậu bé hòa nhịp lại với cuộc sống nhưng đi chơi thì bị bạn bè xa lánh, “có lúc buồn quá tôi còn dùng hai cánh tay cụt để đánh bậy. Dần dần tôi cũng quen”.
Ban đầu cậu bé chỉ làm những công việc đơn giản như bưng bát cơm, cầm cái muỗng đôi đũa, tự thay áo quần. Mọi việc này phải tập lại từ đầu, thấy rất khó khăn.
Khi đã tự làm thuần thục được việc đơn giản, cậu bé mới làm những việc khó hơn như tập cầm cuốc, cầm cày, cầm bút, bứt cỏ, đạp xe. “Hiện tuy có thiệt thòi, chậm hơn người thường nhưng hầu như việc gì tôi cũng làm được hết. Nhắn tin điện thoại tôi cũng làm được”, ông cười.
Làm cho HTX nông nghiệp, đến năm 22 tuổi ông cưới cô gái ở cạnh nhà hơn mình 2 tuổi. Ông Lãng kể về đường tình duyên: “Vì ở cạnh nhau nên tôi có cơ hội thể hiện mình, làm việc giúp cho nhà em. Nhưng do tôi không có tay, nhà lại nghèo nên yêu người ta cũng không dám ngỏ lời. Nhờ cô ấy “bật đèn xanh” liên tục, tôi mới cảm nhận được tình cảm và thế là yêu nhau”.
Bà Hồ Thị Dưỡng (57 tuổi, vợ ông Lãng) cười: “Cái tay ông ấy bị như vậy nhưng đào hoa ghê lắm. Trước khi cưới tui, ông cũng từng có một mối tình, đã đi hỏi rồi nhưng ông bỏ đó, đến bây giờ già như vậy nhưng vẫn còn nhiều cô mê.
Tui thích ông ấy vì dù tật nguyền nhưng vẫn siêng làm, biết vượt qua khó khăn, yêu vợ thương con hết mình. Bên gia đình tui trước đó phản đối nhưng giờ ai cũng thích ổng hết. Tui chọn ông ấy là không nhầm người, và không hề hối hận về quyết định này”.
Ông Lãng cùng một số huy chương các giải bơi lội |
Vận động viên cự phách
Bơi giỏi từ nhỏ, từ khi bị cụt tay cậu bé không còn đi bơi nữa. Mãi đến năm 2003, khi đang ở trong trang trại và nghe thông tin về một cuộc bơi lội dành cho người khuyết tật, ông lại nhớ những kỷ niệm đi bơi thuở nhỏ.
Mấy ngày sau, Phòng Văn hóa huyện Hải Lăng tổ chức cuộc thi dành cho người khuyết tật. Ông đăng ký tranh tài.
Ông nhớ lại: “Tôi dự thi thì vợ con tôi phản đối vì sợ tôi nguy hiểm, đã lâu không bơi, đi thi cũng thua thôi. Rồi cũng có nhiều người ác miệng dè bỉu: “Cụt tay mà còn bày đặt đòi đi thi bơi, cũng như mấy người mù mà xem vô tuyến vậy, rồi có ngày chết chìm lúc nào không ai biết”.
Tôi nghe những lời đó mà không hề trách họ. Ngược lại tôi lấy đó là động lực để cố gắng. Giải đó tôi đứng nhất khi đã 43 tuổi, một độ tuổi ít người nghĩ sẽ chơi được thể thao thành tích cao”.
Ông Lãng nói tiếp: “Ngay trong năm 2004, tôi được gọi vào tập luyện cho đội tuyển tỉnh Quảng Trị để thi đấu giải quốc gia. Hằng ngày tôi đạp xe hơn 40km đi tập luyện, lên Đông Hà nhờ HLV chỉ bảo, về nhà lại bơi tại sông Nhùng nên thành tích bơi ngày một được cải thiện đáng kể”.
Trong căn nhà của ông có hơn 50 huy chương các loại. Ông Lãng liệt kê: Năm 2004 ông đoạt 4 HCĐ tại giải bơi toàn quốc tổ chức ở TP.HCM. Một năm sau tại Hà Nội ông “rinh” 2 HCV và 1 HCB. Đến năm 2006, tại TP.HCM, ông phá kỉ lục quốc gia cự ly 200m bơi ếch dành cho người khuyết tật. Năm sau tại Huế ông lại phá kỷ lục của chính mình. Năm cuối cùng trong sự nghiệp tại Đà Nẵng, ông giành 2 HCB.
Sau năm 2008, sức khỏe ông lãng giảm sút, lại phải lo làm ăn kinh tế nên đành giải nghệ, dù hằng ngày vẫn ra sông bơi để có sức khỏe.
“Lâm tặc” hóa người trồng rừng
Lại nói về cuộc mưu sinh của người khuyết tật. Sau khi có gia đình, ông trổ nước kiêm bảo vệ đồng sắn cho HTX nông nghiệp Mai Đàn. Song đồng lương quá ít ỏi, đất ruộng thì ít, làm chỉ đủ ăn chứ không dư giả, từ năm 25 tuổi, ông đi rừng làm “lâm tặc”.
Ông Lãng hạnh phúc bên vợ con
|
Ông kể: “Tôi cùng với một số người lên rừng để khai thác gỗ, nhiều lần bị bắt nhưng kiểm lâm đều tha cho tôi vì các anh đó nghĩ rằng: “Cụt tay làm sao cưa được cây”.
Do đó tôi ngày một táo tợn hơn. Dù làm nhiều, nhưng có lẽ đồng tiền bất chính không giữ được. Sau 10 năm làm công việc phạm pháp này, một lần con trai tôi đi học về kể tác hại của việc phá rừng và tội ác của lâm tặc, tôi bỏ nghề này luôn”.
Đến năm 2000, ông được huyện ưu tiên cho làm bảo vệ rừng. Ông Lãng làm tốt nên đến năm 2002 huyện cấp cho ông 5ha rừng trồng tràm, cấp luôn phân bón và giống.
Đất rừng nằm trên đồi Nà Tiên cách nhà hơn 10km, nơi nước độc rừng thiêng, đồi hoang hiểm trở, xung quanh chỉ toàn bụi và lau lách. Dồn tất cả nghị lực, niềm tin, đam mê, ông trụ lại với rừng, ngoài trồng rừng còn trồng dứa, ổi, chuối, sắn, nuôi bò, nuôi gà. Kinh tế gia đình ngày một vững vàng.
Đến nay, sau hơn 10 năm lập nghiệp, ông Lãng đã có một cơ ngơi đáng nể với 20 ha rừng tràm (15 ha ông thuê), 5 năm thu hoạch một lần, tính bình quân thu lãi 150 triệu đồng/năm.
Ngoài rừng ông còn trồng gần 2ha sắn kiếm lời gần 50 triệu đồng/năm. Bò, gà mỗi năm thu nhập cũng được 50 triệu. Hiện ông đang trồng thêm tiêu. Như vậy số tiền ước tính vợ chồng ông kiếm được trong 10 năm qua lên tới cả tỉ đồng. Ông có 3 người con, trong đó có con trai học kỹ sư, con gái học hộ sinh, nhưng cả hai hiện đều theo nghiệp của cha.
Ông Hồ Ngọc Sơn (Trưởng khóm nơi ông Lãng sinh sống) bày tỏ: “Gia đình ông Lãng sống rất hòa thuận, luôn được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu. Bản thân ông là người tàn tật, mỗi tháng được hưởng trợ cấp 270 nghìn, nhưng cụt hai tay mà vẫn làm kinh tế rất giỏi. Đây là một tấm gương sáng tàn mà không phế”./.