H&M tuyên bố không dùng bông Tân Cương
Theo South China Morning Post, các thương hiệu thời trang quốc tế như H&M, nhà bán lẻ quần áo lớn thứ hai thế giới của Thụy Điển, cũng như hai hãng giày nổi tiếng toàn cầu là Nike và Adidas, cùng các thương hiệu thời trang quốc tế khác đang gặp biến cố tại Trung Quốc ngay sau khi các quốc gia Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và Canada đồng loạt lên tiếng và áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt để phản đối tình trạng bóc lột người dân tộc thiểu số ở Tân Cương.
Trước đó, trong tuyên bố được đưa ra hồi tháng 9/2020, H&M nói rằng họ“quan ngại sâu sắc” trước các báo cáo về vấn đề lao động cưỡng bức trong sản xuất bông vải ở Tân Cương. Nhưng đến sáng ngày 25/3 (theo giờ Việt Nam), cộng đồng mạng Trung Quốc hoảng loạn khi Nike tuyên bố “đóng băng”thị phần Trung Quốc. Nike cũng cấm tất cả ID Trung Quốc truy cập trang website của mình. Đây là động thái cực mạnh mẽ và đầy quyết liệt.
“Chúng tôi không làm việc với bất kỳ nhà máy sản xuất may mặc nào ở khu tự trị Tân Cương, đồng thời cũng không cung cấp các sản phẩm đến từ khu vực này”, tuyên bố của hãng H&M cho biết. Động thái này lại vấp phải làn sóng phản đối dữ dội và phải đối mặt với những lời chỉ trích nặng nềtừ người tiêu dùng tại Trung Quốc.
Được biết, hầu hết các thương hiệu đã đưa ra tuyên bố từ chối mua bông Tân Cương đều là thành viên của tổ chức phi lợi nhuận quốc tế “Hiệp hội phát triển Bông tốt hơn” (The Better Cotton Initiative, BCI). BCI cũng đưa ra các tuyên bố liên quan,quyết định tạm dừng việc cấp Giấy phép sử dụng bông của Tân Cương.
Qua tìm hiểu được biết thành viên của BCI có tới hơn 200 thương hiệu. Trong danh sách đã được đào lên, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đang tìm kiếm các thương hiệu có liên quan trong danh sách từng đưa ra tuyên bố, với ý định lập ra “toàn bộ danh sách tẩy chay”. Nhiều nhãn hàng trong đó có IKEA, PUMA, TOMMY HILFIGER, Walmart... hiện đã bị khóa tên và có thể trở thành mục tiêu của làn sóng tẩy chay tiếp theo.
H&M tuyên bố không dùng bông Tân Cương nên vấp phải làn sóng chỉ trích và tẩy chay dữ dội từ người Trung Quốc. |
BCI là một tổ chức phi chính phủ được thành lập tại Thụy Sĩ vào năm 2009, vận động cho “Bông tốt hơn” và đã mở văn phòng tại Thượng Hải vào năm 2012. BCI đã đưa ra một tuyên bố vào tháng 10 năm 2020 cho biết họ đã quyết định ngừng tất cả các hoạt động thực địa ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương do “các cáo buộc liên tục về lao động cưỡng bức và các vi phạm nhân quyền khác” ở khu vực này.
Thời báo Hoàn cầu cũng chỉ ra rằng vào tháng 3 năm nay, một tài khoản WeChat công khai có tên “BCI Better Cotton” được chứng nhận là “Văn phòng đại diện Thượng Hải của Hiệp hội BCI Thụy Sĩ” đã ra “Tuyên bố quan trọng về các vấn đề Tân Cương” và chỉ ra rằng tại Tân Cương “chưa bao giờ tìm thấy một vụ việc liên quan đến lao động cưỡng bức”, cho rằng không có cái gọi là “lao động cưỡng bức”. Nhưng trang web chính thức của BCI vẫn không gỡ bỏ “tuyên bố đình chỉ sử dụng bông Tân Cương” đưa ra tháng 10 năm ngoái. Điều này khiến mọi người cảm thấy mục đích của họ là tiếp tục đánh lừa mọi người. Cho đến nay BCI vẫn chưa có phản hồi.
H&M là thành viên của BCI, có thể thấy việc H&M đưa ra quyết định “ngừng sử dụng bông Tân Cương” dựa trên nhận định của BCI và một số báo cáo của tổ chức dân sự và báo chí. Đầu tháng 9 năm ngoái, H&M đã thông báo rằng họ sẽ chấm dứt “giao dịch kinh doanh gián tiếp” với Công ty kéo sợi khổng lồ Hoa Phù (Huafu) của Trung Quốc với lý do nhà máy này bị nghi ngờ thuê “lao động cưỡng bức” người dân tộc thiểu số ở Tân Cương.
Vấp phải làn sóng tẩy chay
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Trung Quốc sản xuất 22% lượng bông trên thế giới, trong đó khu vực Tân Cương chiếm đến 84%. Đáp lại các cáo buộc, chính quyền Trung Quốc phủ nhận, khẳng định họ chỉ thành lập ra các trung tâm đào tạo nghề để giúp tộc người thiểu số hòa nhập với cộng đồng và xóa đói giảm nghèo.
Ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đồng loạt lên tiếng về vụ việc này. Theo đó, Bộ Ngoại giao nước này cho rằng, người dân Trung Quốc ngày càng không thể chấp nhận được việc “vừa ăn cơm vừa đập bát” của nước này, đồng thời phủ nhận việc “cưỡng ép lao động” ở Tân Cương và tái khẳng định đây là những lời “dối trá bôi nhọ” nước này của các tổ chức chống Trung Quốc.
Trong khi đó, Bộ Thương mại nước này yêu cầu các doanh nghiệp liên quan tôn trọng quy luật thị trường, sửa chữa các việc làm sai trái, không chính trị hóa các vấn đề thương mại, đồng thời cho rằng các hành động thực tế của người tiêu dùng nước này là nhằm đáp trả những quyết định dựa trên các “thông tin giả mạo” của các doanh nghiệp.
Từ mạng Weibo, có thể thấy rằng ngoài H&M, các tài khoản chính thức của các thương hiệu như Nike và Adidas cũng bị cư dân mạng tấn công và tràn ngập những bình luận chỉ trích khác nhau, ví dụ: “Tôi nghe nói rằng các người tẩy chay bông Tân Cương. Hãy cút khỏi thị trường Trung Quốc!”, “Tôi đã ủng hộ các người vô ích trong nhiều năm, thật thất vọng!”; “Vừa muốn kiếm tiền của Trung Quốc lại vừa đập nồi cơm của Trung Quốc! Thật không biết xấu hổ!”...
Ngày 24/3, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và nhiều cơ quan truyền thông khác đăng tải bài viết phản đối hãng thời trang H&M sau khi thương hiệu này tuyên bố sẽ không làm việc với bất kỳ nhà máy sản xuất hàng may mặc nào ở khu tự trị Tân Cương và không mua bông sản xuất ở Tân Cương. CCTV viết: “Kiếm nhiều tiền ở Trung Quốc nhưng lại cố tình vu khống và bôi nhọ Trung Quốc, những doanh nghiệp như thế này không có đạo đức kinh doanh và đi quá giới hạn...”. Kèm theo đó là hashtag kêu gọi gỡ bỏ sản phẩm của H&M trên diễn đàn thương mại điện tử Taobao.
Đài truyền hình CCTV đã chỉ trích H&M rằng, đó là “một tính toán sai lầm” và cho hay H&M “chắc chắn sẽ phải trả giá đắt cho hành động sai lầm của mình”.Trong khi đó, tờ Nhân dân Nhật báo cũng bày tỏ sự phẫn nộ đối với H&M, khẳng định “bông Tân Cương của Trung Quốc là hoàn mỹ”.
Đại sứ thương hiệu của H&M Trung Quốc là Huang Xuan và Song Qian đã tiết lộ trực tuyến rằng họ không còn làm việc với thương hiệu này nữa, tuyên bố họ “kiên quyết phản đối mọi nỗ lực làm mất uy tín của đất nước”.
Một bài đăng trên mạng xã hội gần đây của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc có vẻ như đã châm ngòi cho cơn thịnh nộ mới nhất. “Vừa tung tin tẩy chay bông Tân Cương, vừa muốn kiếm tiền ở Trung Quốc? Mộng tưởng!” - bài viết được đăng trên Weibo sáng 24/3. Bài đăng đã thu hút nhiều lời chỉ trích nhắm vào H&M từ người dùng ở Trung Quốc, bao gồm hashtag “Tôi ủng hộ bông Tân Cương” trở thành chủ đề thịnh hành nhất trên Weibo với hơn 1,8 tỉ lượt xem. “Quần áo của H&M là đồ giẻ rách, không xứng với bông Tân Cương của chúng ta!” một người dùng Weibo bình luận và nhận được nhiều lượt thích.
Những trang thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc như Alibaba (BABA) và JD.com thậm chí còn loại bỏ tất cả các mặt hàng của H&M ra khỏi nền tảng của mình sau những phản ứng dữ dội.
Tuy nhiên, trong quá trình tẩy chay, đã xuất hiện một số hành vi phi lý tính, khiến thế giới bên ngoài lo ngại tình hình sẽ xấu thêm. Theo đó, không chỉ trên mạng xã hội, nhiều người còn cầm biển hiệu đứng trước cửa hàng H&M và các cửa hàng khác ở Trung Quốc để tẩy chay; một đoạn video cùng thời điểm cho thấy một nhóm thanh niên đã tụ tập ở lối vào của cửa hàng Nike, hét lên “Nike, đồ rác rưởi”.
Một số nhà phê bình lo lắng rằng một khi cảm xúc dữ dội khó kiểm soát, rất có thể sẽ lại diễn ra một hoạt động đập phá chống Pháp tương tự như năm 2008, hoặc hoạt động đập phá chống Nhật vào năm 2012. Vì vậy, các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc bắt đầu sửa chữa sai lầm, kêu gọi cư dân mạng “không công kích chửi bới những nhân viên cửa hàng nhãn hiệu liên quan, không buộc tội người khác là không yêu nước nếu họ sử dụng nhãn hiệu liên quan, sai trái là nhãn hiệu đó, đừng tấn công cá nhân đồng bào chúng ta”.
Nhiều diễn viên nổi tiếng Trung Quốc là đại sứ thương hiệu cho H&M và các hãng thời trang khác đã công khai chấm dứt làm việc với những công ty này, CNN đưa tin.Cụ thể như Hoàng Hiên, Tống Thiến cũng tuyên bố chấm dứt các hợp đồng hợp tác với hãng thời trang danh tiếng.Phòng làm việc của Tống Thiến trong thông báo phát đi hôm 24/3 khẳng định nữ diễn viên không còn quan hệ với H&M và nhấn mạnh “lợi ích của đất nước là trên hết”.
Ngay sau khi tuyên bố của Nike xuất hiện trên Weibo, nam ca sĩ kiêm diễn viên Trung Quốc Vương Nhất Bác (Wang Yibo) nói rằng anh đã cắt đứt quan hệ với Nike và “kiên quyết phản đối mọi nhận xét và hành động bôi nhọ Trung Quốc”. Công ty Studio Tan Songyun cũng thông báo nữ ca sĩ Đàm Tùng Vận (Tan Songyun) đã chấm dứt mọi hợp tác với Nike, đồng thời trịnh trọng tuyên bố: “Lợi ích của Tổ quốc là trên hết. Chúng tôi kiên quyết phản đối mọi hành vi xấu xa bôi đen và tung tin đồn thất thiệt về Trung Quốc”.
Lúc này, từ khoá “Adidas” vẫn đang nằm ở vị trí cao trên bảng tìm kiếm của MXH Weibo vì có đông đảo nghệ sĩ hạng A đang hợp tác với thương hiệu thời trang này như: Dương Mịch, Lưu Diệc Phi, Địch Lệ Nhiệt Ba, Dịch Dương Thiên Tỉ... Cộng đồng mạng đất nước tỉ dân liên tục đăng tải các bình luận chờ đợi những nghệ sĩ nói trên lên tiếng về vấn đề huỷ hợp đồng.
Leo thang căng thẳng
Trước làn sóng dữ dội này, trong một tuyên bố đăng trên Weibo, H&M khẳng định họ luôn duy trì các tiêu chuẩn sản xuất cao, cũng như tính minh bạch trong chuỗi cung ứng toàn cầu của mình. “Những tuyên bố ấy không thể hiện bất kỳ quan điểm chính trị nào. Tập đoàn H&M luôn tôn trọng người tiêu dùng Trung Quốc. Chúng tôi cam kết đầu tư và phát triển lâu dài tại Trung Quốc” - theo tuyên bố của H&M.
Trong vòng vài giờ tiếp theo đó, những lời chỉ trích nhắm vào H&M đã lan sang Nike. Trước đó gần một năm, công ty này đã nói rằng họ“lo ngại trước các báo cáo về lao động cưỡng bức ở Tân Cương”.“Nike không sử dụng nguồn cung nguyên vật liệu từ Tân Cương và chúng tôi đã xác nhận với các nhà cung cấp theo hợp đồng của mình rằng họ không sử dụng hàng dệt hoặc sợi kéo từ khu vực này” - Nike đưa ra tuyên bố.
Tuy nhiên những lo ngại về vấn đề ở Tân Cương còn làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia phương Tây.Các nhóm nhân quyền đã nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm người thiểu số trong các trại “cải tạo” và sử dụng họ làm nguồn lao động để sản xuất hàng hóa cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Những biện pháp trừng phạt gần đây của Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu về vấn đề Tân Cương đã gây ra làn sóng phản đối mới từ chính phủ Trung Quốc. Nước này phản biện rằng đây chỉ là những “trung tâm đào tạo nghề” nhằm chống lại nạn đói nghèo và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh còn áp đặt các biện pháp trừng phạt của riêng mình đối với các quan chức phương Tây, cáo buộc họ“truyền bá những lời nói dối một cách ác ý”.
Trong khi đó, trước phản ứng dữ dội của ngưởi dân về những thương hiệu lớn của phương Tây, một số công ty ở Trung Quốc đã bắt đầu quảng cáo việc sử dụng bông sản xuất tại Tân Cương, theo CNN.Thương hiệu thời trang thể thao Trung Quốc Anta Sports đã tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục sử dụng mặt hàng bông vải từ Tân Cương, trong khi nhà bán lẻ Nhật Bản Muji bắt đầu quảng cáo các sản phẩm làm bằng “bông Tân Cương”.