Từng hậu đãi công thần
Vào thời điểm mới gây dựng Minh triều, Chu Nguyên Chương không hề bạc đãi mà ngược lại hết mực hậu đãi cho những chiến tướng đã cùng vào sinh ra tử vì mình. Bắt đầu từ năm 1370, Chu Nguyên Chương tiến hành luận công ban thưởng và phong chức tước cho các đại thần. Nếu đánh giá cấp bậc tước vị thời bấy giờ thì tước Công và tước Hầu là cao quý hơn cả.
Trong số những quan lại được ban thưởng khi đó, có 6 người được phong tước Công, bao gồm Lý Thiện Trường, Từ Đạt, Thường Mậu (con trai Thường Ngộ Xuân), Lý Văn Trung, Phùng Thắng, Đặng Dũ. Những người này là các khai quốc công thần có công lớn nhất, có thể được ví như tinh anh trong số tinh anh và đều là bậc anh hùng dũng sĩ có tài năng vô cùng xuất chúng.
Cùng với đó, 28 vị Đại tướng quân cũng được phong tước Hầu, có thể kể tới một số tên tuổi như Thang Hòa, Cảnh Bính Văn, Chu Lượng Tổ... Như vậy ở vào thời điểm lúc bấy giờ, Minh triều có tổng cộng 34 khai quốc công thần được phong tước Công, Hầu và rất được triều đình khoản đãi.
Nếu nói Chu Nguyên Chương là một người không biết tới đạo lý thì quả là thiếu sót, những ngày đầu lập nước, ông không chỉ dừng lại ở việc ban chức tước mà còn tặng cho gia tộc của các vị công thần vô số ruộng vườn. Những chức vụ cao cấp nhất trong triều đình lúc bấy giờ cũng đều về tay các khai quốc công thần. Trong số đó, những người nắm quyền cao hơn cả phải kể tới Lý Thiện Trường (Tả Thừa tướng), Từ Đạt (Hữu Thừa tướng), Lý Văn Trung được phong Đại đô đốc – chức quan đứng đầu trong hàng ngũ quân đội triều đình.
Chu Nguyên Chương còn dành cho những công thần một đặc quyền đặc lợi mà các quan lại trước đó có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới. Bấy giờ, Minh Thái Tổ đã phá lệ ban cho các khai quốc công thần của mình một thứ “thần vật” được gọi là Thiết Khoán. Thứ này thậm chí còn giá trị gấp nhiều lần so với Thượng Phương bảo kiếm hay Kim bài miễn tử, chỉ cần có trong tay Thiết Khoán, bản thân các vị đại thần cùng con cháu của họ dù có phạm tội nặng tới đâu cũng sẽ được miễn tử tới mấy lần.
Tuy nhiên, chính những sự đãi ngộ có một không hai đó cũng đã biến Chu Nguyên Chương từ một vị vua anh minh trở thành kẻ giết công thần không ghê tay.
Chu Nguyên Chương từng rất khoản đãi công thần (Ảnh minh họa). |
Đến thảm sát công thần
Những người bị Chu Nguyên Chương “khai tử” đầu tiên phải kể tới Đức Khánh Hầu Liêu Vĩnh Chung và cha con Vĩnh Hầu Gia Chu Lượng Tổ. Liêu Vĩnh Chung bị xử tử vào năm 1375 vì mặc quần áo có thêu hình long phụng (vốn là họa tiết trang trí dành riêng cho Hoàng đế), từ đó bị khép vào tội có dã tâm soán ngôi đoạt vị.
Cha con Vĩnh Hầu Gia Chu Lượng Tổ cũng bị đánh bằng roi cho tới chết vào năm 1380. Nguyên nhân là bởi Chu Lượng Tổ lạm sát thuộc hạ, nhận hối lộ của phú thương, cả hai bị khép vào tội ngạo mạn, vô lễ.
Tiếp nối cho những màn thanh trừng là vụ án Lâm Xuyên Hầu Hồ Mỹ bị xử tử vào năm 1384. Sau đó là Chu Văn Chinh (cháu ruột nhà vua) cũng bị sát hại vì cưỡng bức phụ nữ và dám dùng họa tiết long phượng trang trí trong phòng ngủ.
Đặc biệt, Minh Thái Tổ còn tạo nên những vụ án lên để càn quét triệt để các văn thần võ tướng bị “cho vào tầm ngắm”. Trong đó nổi bật là vụ đại án của Tể tướng Hồ Duy Dung (năm 1380) và vụ án Lương Quốc Công Lam Ngọc (năm 1393).
Theo Minh sử, năm Hồng Vũ thứ 13 (1380), Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương dùng tội danh “tự quyền xây dựng phe phái” đã giết Thừa tướng Hồ Duy Dung. Sau đó, Chu Nguyên Chương cũng bãi bỏ luôn cơ quan Trung thư tỉnh và đề cao vai trò của 6 bộ. Từ đó công việc chính trị trong nước do 6 bộ phân chia nhau thực hiện và trực tiếp nghe lệnh hoàng đế. Việc làm đó đã thâu tóm quyền lực vào tay một mình hoàng đế và xóa bỏ chế độ tể tướng vốn tồn tại 1.500 năm ở Trung Quốc.
Hình ảnh vua Chu Nguyên Trương trong phim dã sử Trung Quốc. |
Trước đó, trong vụ án của Hồ Duy Dung, cái chết của Âu Dương Luân như một quả bom chấn động tinh thần của đám Lam Ngọc, Phí Tụ và anh em Hoài Tây, vì nhà vua chẳng nể nang bất kỳ ai, dù là con rể.
Nhóm này tìm đến Từ Đạt như một cái phao cứu sinh che chở, nhưng Từ Đạt khôn ngoan cáo bệnh không tiếp, và đám này đi đến phủ Hồ Duy Dung. Hồ Duy Dung không đề phòng, mời đám này vào phủ uống rượu ngắm trăng tới mức say bét nhè. Chu Nguyên Chương được Cẩm y vệ mật báo và quyết định lập ra một kế hoạch để Hồ Duy Dung sa vào bẫy.
Chu Nguyên Chương đã lên kế hoạch vờ đi hành cung tránh nóng và giao mọi công việc chính sự cho Hồ Duy Dung xử lý. Hồ Duy Dung ngay lập tức tỏ ra lộng quyền, thăng quan bỏ ngục, xét duyệt tấu chương trước khi trình lên Hoàng đế mà không hay biết những việc làm khi quân đó đều được Cẩm y vệ giám sát, mật báo cho nhà vua. Đỉnh điểm nhất chắc phải kể đến pha tiến thuốc độc giết chết Lưu Bá Ôn. Nhiều người cho rằng việc này là Chu Nguyên Chương đã “bật đèn xanh” cho Hồ Duy Dung làm.
Cho đến nay cái chết của Lưu Bá Ôn vẫn là bí ẩn lịch sử. Cuối cùng, ngày tàn của Hồ Duy Dung cũng đến khi Chu Nguyên Chương nhận được mật báo sứ thần Chiêm Thành đến tiến cống nhà Minh không được bộ Lễ bố trí cho ở Dịch Quán mà phải lang thang trong quán trọ. Chu Nguyên Chương lấy cớ làm việc tắc trách tống giam luôn Thượng thư bộ Lễ Lương Khải Đệ và Tướng quốc Hồ Duy Dung cũng bị liên đới.
Ngay thời khắc Hồ Duy Dung bị tống giam, một loạt các đại thần dâng sớ hạch tội, trong đó có Ngự Sử Trung Thừa Đồ Tiết - con nuôi của Hồ Duy Dung cũng bị lột sạch quần áo, trói vào trong rừng cho ong chích đến chết. Ngay sau cái chết của Hồ Duy Dung, Chu Nguyên Chương đại khai sát giới hàng loạt công thần, lấy lý do câu kết gian đảng.
Trước những sự thật lịch sử đã diễn ra, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định, kể từ khi được ban Thiết Khoán, không ít người trong số các đại thần thời bấy giờ đã trở nên tha hóa, biến chất. Thậm chí ngay tới con cháu của họ cũng ỷ thế mà càng lúc càng trở nên coi thường vương pháp. Từ đó, nhiều người trong giới công thần đã áp bức dân lành, tham ô, phạm pháp, gây ra nhiều oán than.
Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra rằng, ngoài những quan lại nói trên ít nhiều đều có tật xấu nên mới bị trừ khử, thì số ít các công thần có phẩm chất và có lòng tận tâm báo quốc cũng không thoát khỏi “lời nguyền” đoạt mạng. Bằng chứng là một vị quan đức độ và thẳng thắn như Tào Quốc Công Lý Văn Trung cũng khó tránh khỏi kết cục chết chóc.
Lý Văn Trung vốn là cháu ngoại Chu Nguyên Chương, từng nhiều lần chinh chiến và lập không ít chiến công bất hủ. Ông được đánh giá là người văn võ song toàn, lại được giao đảm nhiệm chức Đại đô đốc và nắm quyền lãnh đạo quân đội tối cao.
Thế nhưng chỉ vì phê bình Hoàng đế lệ thuộc vào hoạn quan và đối xử với quan lại quá mức hà khắc, Lý Văn Trung đã bị Chu Nguyên Chương đầu độc, lý do chỉ đơn giản là vì ông “thân cận Nho sinh”, “lễ hiền hạ sĩ”.
Cuối cùng, trong số 34 đại công thần được phong tước Công, Hầu năm xưa, chỉ có 2 người hiếm hoi là Thang Hòa và Quách Anh là may mắn có được kết cục ít bi thảm hơn cả.
Đánh giá về sự nghiệp của Chu Nguyên Chương, sử gia Triệu Dực đời nhà Thanh đã từng nhận định: “Thái Tổ nhờ vào công thần mà có được thiên hạ, sau khi việc đã thành thì lại giết hại những người đã giúp mình, luận về tàn nhẫn thì thiên cổ chẳng ai sánh bằng”.