“Bông hoa” của tộc Duy Ngô Nhĩ
Hàm Hương còn được biết đến với tước hiệu Hương Phi. Bà là vị phi tần được Thanh Cao Tông Càn Long hết sức sủng ái và là mối tình đơn phương hiếm có của ông. Ban đầu, Hàm Hương được cho là xây dựng dựa trên nhân vật có thật trong lịch sử Hậu cung nhà Thanh là Dung Phi Hòa Trác thị. Tuy nhiên, sau này, các nhà sử học dựa trên những dữ kiện lịch sử hiếm hoi còn sót lại đã cho rằng Dung Phi chưa một lần được gọi là Hương Phi.
Đáng chú ý, trong “Thanh sử cảo” (bản thảo một bộ tư liệu lịch sử về thời nhà Thanh) có chép rất nhiều về Dung Phi nhưng tuyệt nhiên không dính dáng gì đến chữ “Hương”. Bởi vậy, nhiều nhà khoa học ngày nay của Trung Quốc đã khẳng định chắc chắn Dung Phi không phải Hương Phi. Đây là hai nhân vật hoàn toàn khác nhau.
Trong hàng loạt dị bản mang màu sắc huyền sử của người Hán, Hương Phi vốn là một phi tần người Duy Ngô Nhĩ. Theo nhà nghiên cứu sử học Chung Lâm, Hương Phi có tên thật là Y Mạt Nhĩ Hãn ra đời khoảng năm 1745, trong một gia đình nghèo thuộc dân tộc Hồi, người Duy Ngô Nhĩ ở Khát Thập, khu tự trị Tân Cương. 10 tuổi nàng đã trở thành thiếp của Hoắc Tập Chiêm - thủ lĩnh Tiểu Hòa Trác ở Khách Thập địa khu (nay là Khu tự trị dân tộc Uyghur Tân Cương, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa).
Năm 1758, Hoắc Tập Chiêm làm phản, chống đối triều đình nhà Thanh. Hay tin, Càn Long tức giận cử đại quân đi chinh phạt. Sau khi đánh bại được Hoắc Tập Chiêm, Đại tướng quân Triệu Huệ đã nhận thấy vẻ đẹp mong manh, đầy mê hoặc của Y Mạt Nhĩ Hãn nên liền bắt nàng về làm cống phẩm dâng lên cho Càn Long. Trên đường về kinh để nhập cung, Y Mạt Nhĩ Hãn được hộ tống rất cẩn thận. Thậm chí còn tắm rửa hằng ngày bằng sữa lạc đà để không làm mất đi thứ hương thơm bí ẩn của mình.
Hương Phi được biết đến là vị phi tần được Hoàng đế Càn Long vô cùng sủng ái (Ảnh minh họa). |
Còn trong câu chuyện phiên bản của người Duy Ngô Nhĩ, Hương Phi vốn là hậu duệ của người cầm quyền Diệp Nhĩ Khương Hãn quốc, có tên thật là Y Mạt Nhĩ Hãn nàng còn được gọi với cái tên là “Iparhan” có nghĩa là hương thơm. Theo một đại bộ phận truyền thuyết, Càn Long đã từng can thiệp giúp nội bộ tộc Duy Ngô Nhĩ có được hòa bình nên Thủ lĩnh của họ đã dâng Iparhan lên Hoàng đế, khi đó nàng 22 tuổi. Sở dĩ người Duy Ngô Nhĩ gọi nàng là “Iparhan”, bởi vì trên người nàng tỏa ra hương thơm kì lạ, nguyên do vì từ nhỏ đã rất thích ăn cây táo, do vậy thân thể ám đậm mùi hương.
Sau khi về đến Tử Cấm Thành, nàng liền ra mắt Càn Long. Và không ngoài dự đoán, mùi hương cộng với nhan sắc của nàng liền khiến bậc Thiên tử này phải say mê. Y Mạt Nhĩ Hãn ngay lập tức được phong làm Hương Phi và gần như trở thành vị phi tần độc sủng trong Hậu cung nhà Thanh lúc bấy giờ.
Vây hãm chốn cung cấm
Nàng được yêu chiều tới mức khi trên đường đến Bắc Kinh, Hương Phi đã ra 3 điều kiện với vua Càn Long. Thứ nhất, phải xây kiến trúc phong cách Hồi giáo cho nàng cư trú. Thứ hai, nàng muốn đem anh trai Đồ Địch Công cùng nhau trú ở Bắc Kinh. Thứ ba, sau khi chết thì yêu cầu đưa về quê hương mai táng. Càn Long Đế chấp nhận hết thảy.
Nhưng nàng ở Bắc Kinh ngày đêm tưởng nhớ quê nhà, nàng vẫn lưu luyến nhớ về người chồng Hoắc Tập Chiêm ở quê nhà nên ngày ngày rầu rĩ không vui, nàng như một con chim thảo nguyên bị vây hãm trong chốn cung cấm. Nàng không buồn ăn uống, không buồn giao tiếp nói chuyện với bất kỳ ai, kể cả khi gặp Càn Long nàng cũng chẳng buồn hành lễ.
Càn Long thấy vậy mà cũng thương nàng hơn, tìm mọi cách để chiều lòng mỹ nhân. Ông liền phong nàng thành Hương Phi và cho đến sống ở Tây Uyển. Ban đầu, Càn Long tưởng nàng buồn vì nhớ quê hương nên ra lệnh tì nữ hầu hạ phải phục vụ Hương Phi đúng theo phong cách truyền thống của người Hồi, từ món ăn cho đến trang phục, thậm chí xây cả một lễ đường Hồi giáo trong Tây Uyển. Vậy nhưng Hương Phi vì thương nhớ Hoắc Tập Chiêm mà nhất quyết cự tuyệt Càn Long.
Hương Phi vì thương nhớ người chồng cũ và quê hương mà đã không chịu mở lòng với Hoàng đế Càn Long (Ảnh minh họa). |
Thậm chí, Hương Phi còn lên kế hoạch giết Càn Long Đế để trả thù. Sự kiện này đã được cho là ghi lại trong Thanh bại loại sao, năm Dân quốc thứ 5 (1916): “Mỗi khi Cao Tông đến hỏi chuyện, trăm câu hỏi chẳng được một lần đáp, nên lệnh hầu gái thay mình thuyết phục, thì Phi từ trong ống tay lôi ra con dao trắng, khẳng khái nói: ‘Nước mất nhà tan, ý chết sớm quyết. Dẫu cái chết này vô ích, ta cũng một mực làm vì Cố chúa. Nay ngươi dám nhục mạ ta, thì xem ta chết!’.
Cung hầu cả kinh, thúc giục cả đám người ngăn cản, đoạt dao từ tay Phi. Thế mà Phi thản nhiên cười lạnh: ‘Ở trong áo ta có đến 10 con dao! Nếu như ngươi dám bức ép ta, ta sẽ tự đâm vào mình’. Cung hầu bất đắc dĩ, tấu lại mọi chuyện, Cao Tông đành phải thôi ép buộc. Nhưng mệnh cho người bên cạnh ngày đêm chăm nom, phòng để tự sát, hòng làm Phi vơi đi ý niệm thâm thù, lấy lòng mỹ nhân”.
Nếu một mỹ nhân nào đó dám ra tay với Càn Long Đế như vậy có lẽ ông đã tức giận mà ban cho cái chết, tuy nhiên vì đã bị quyến rũ bởi sắc đẹp của Hương Phi nên không đành trưng phạt. Để rồi cuối cùng, nàng đã bị Sùng Khánh Hoàng Thái hậu ban chết.
Theo “Trung Quốc Hoàng đế toàn truyện” (NXB Giáo Dục tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, 1996), phần Cao Tông Ái Tân Giác La Hoằng Lịch, mục Hương Phi tuẫn tiết có chép: Năm ấy, Càn Long thực hiện chuyến Nam tuần, du ngoạn Tô Châu, Hàng Châu, có đưa Hương Phi đi theo. Tại Hàng Châu, bị Càn Long cố tâm chiếm đoạt, Hương Phi rút dao ngắn trong tay áo đâm Càn Long nhưng không thành. Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị biết được, lập tức truyền giết Hương Phi tội mưu sát Hoàng đế, nhưng Càn Long không nghe. Hoàng hậu vô cùng tức giận dùng kéo cắt đi mái tóc của mình (đây là hành động đại kỵ của dân tộc Mãn Châu).
Mùa đông năm ấy, Càn Long đến Thiên đàn cử hành đại lễ tế cáo trời đất ở Viên Khâu, Thái hậu sai người đưa Hương Phi vào cung Từ Ninh rồi ra lệnh khóa hết cửa lại, dù Hoàng đế cũng không cho vào, hỏi Hương Phi rằng: “Ngươi trước sau không chịu khuất, vậy rốt cục là muốn cái gì?”.
Hương Phi đáp: “Chỉ muốn chết mà thôi”. “Vậy hôm nay ta sẽ cho ngươi toại nguyện, thế nào?”, Thái hậu tức giận nói. Hương Phi lập tức quỳ xuống dập đầu cảm tạ: “Thái hậu cho thần thiếp được tròn chí nguyện, ơn đức lớn như trời đất”. Nói rồi nước mắt như mưa, Thái hậu sai đưa qua gian phòng đã có sẵn dây, Hương Phi treo cổ tự vẫn”.
Khi Càn Long nghe tin, vội sai người đưa mình đến Từ Ninh cung, nhưng gặp cửa cung đã bị đóng chặt, khóc rống ngoài cửa. Lát sau, cửa mở, nhưng Phi đã tắt thở, mà mùi thơm lạ lùng không tiêu tan, mặt hãy còn mỉm cười.
Tang lễ được tổ chức rất long trọng, sau khi chết, thi hài của Hương Phi được Càn Long ra lệnh đem về cố hương của nàng để mai táng. Đoàn diễu hành đưa thi hài Hương Phi lên đến 120 người di chuyển trong suốt 3 năm mới đến nơi. Tuy nhiên, cũng có nhiều tài liệu cho rằng, thực chất quan tài được Càn Long sai người đem về Tân Cương bên trong chỉ là một bức tượng điêu khắc giả, còn xác thật của nàng đã sớm được Càn Long cho đem nhập táng ở viên Phi lăng tẩm của Hậu cung nhà Thanh.