Công chúa được sủng ái nhất triều Đường
An Lạc công chúa (684-710) tên thật Lý Khỏa Nhi, công chúa nhà Đường, là Hoàng nữ thứ 8 và nhỏ nhất của Đường Trung Tông Lý Hiển (656-710), vị Hoàng đế thứ 4 và thứ 6 của nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc. Mẫu thân là Vĩ Thị - người phụ nữ được mệnh danh là “Đệ nhất mỹ nhân Đại Đường”. Tuy nhiên, các nhà sử học Trung Quốc sau này đính chính rằng, trong sử sách không có ghi chép nào cho thấy danh hiệu trên được dành cho mẫu thân của Công chúa An Lạc.
Cái tên “Khỏa Nhi” của An Lạc công chúa xuất phát từ lúc bà được sinh ra. Khi đó là năm Tự Thánh nguyên niên (684), cha bà Lư Lăng vương Lý Hiển bị biếm truất đến Quân Châu, sau dời đến Phòng Lăng (nay là huyện Phòng, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Trên đường lưu đày, vợ của Lý Hiển là Vi thị động thai khí, sinh non ra một cô con gái nhỏ nhắn. Lý Hiển thấy vậy liền cởi áo mình để bọc con gái, từ đó gọi là Khỏa Nhi (nghĩa là đứa trẻ được bọc lại).
Lý Khỏa Nhi lớn lên, tư sắc diễm lệ, thông minh lanh lợi, được cha Lý Hiển và mẹ là Vi thị hết lòng yêu thương chiều chuộng. Do vậy, Lý Khỏa Nhi từ nhỏ đã có tính tùy hứng, ngang nhiên bạo ngược, thích gì thì làm.
Vào khoảng những năm 701-704, Lý Khỏa Nhi khi đó với thân phận là Quận chúa đã được gả cho Võ Sùng Huấn, là con trai của Võ Tam Tư (là đại thần, ngoại thích dưới thời nhà Đường và nhà Võ Chu). Truyện kể rằng, An Lạc quận chúa cùng Võ Sùng Huấn đã lén quan hệ tình dục, dẫn đến mang thai, vì vậy nên gấp gáp kết hôn. Sau khi đại hôn, chưa đến 6 tháng sau thì Lý Khỏa Nhi hạ sinh một đứa con trai.
Nhờ sự sủng ái của vua cha mà An Lạc công chúa có một đời sống xa hoa, thác loạn (Ảnh minh họa). |
Năm Thần Long nguyên niên (705), Trương Giản Chi, Lý Đa Tộ phát động chính biến Thần Long, ép buộc Võ Tắc Thiên thoái vị, nhường lại cho Lý Hiển. Do đó, Lý Hiển trở lại ngôi vua, tức Đường Trung Tông, An Lạc quận chúa Lý Khỏa Nhi cũng trở thành An Lạc công chúa.
Do được sủng ái, An Lạc công chúa cậy sủng mà kiêu ngạo, tụ tập vương công đại thần ra vào phủ đệ rất nhiều. Mỗi khi có muốn tấu gì, công chúa đều che lại nội dung, chỉ hỏi xin Trung Tông kí vào, do yêu thương con gái mà Trung Tông cười rồi cứ thế mà chấp nhận.
Theo ý chỉ của Đường Trung Tông, An Lạc công chúa được mở phủ đệ riêng như Thái Bình công chúa. Đáng nói, phủ của An Lạc công chúa đặc biệt nhiều người từ quan lại, đến nhà buôn, hàng thịt thường xuyên lui tới để nộp tiền mua chức quan. Khi được ban chức quan, Công chúa sẽ để chiếu phong được bọc kín một cách rất đặc biệt, như là ám hiệu để Môn hạ tỉnh không cần phải duyệt, do vậy thiên hạ đều gọi họ là “Tà phong quan”.
Ngoài phủ đệ xa hoa, An Lạc công chúa còn cho xây cất một tòa Phật lâu, gọi là An Lạc Phật Lư, tất cả đều bắt chước cung cấm, mà độ tinh xảo còn muốn vượt hơn hẳn. Công chúa từng tấu thỉnh đem Côn Minh trì ban cho nàng làm ao trong tư gia. Tuy nhiên, nguyện vọng này đã bị Trung Tông cự tuyệt.
“Ao Côn Minh từ các đời trước đến nay đều chưa từng được dùng để tặng cho bất cứ ai, trẫm vì thế không thể làm trái ý tổ tông, như thế sẽ tạo tiền lệ không tốt. Hơn nữa ao cá mỗi năm đều đem lại cho cung đình một số lượng tiền lớn, tiền son phấn trong cung đều từ đó mà ra. Nay nếu tặng ao Côn Minh cho con, sẽ khiến các phi tần mất đi nhan sắc”, Đường Trung Tông nói.
Nghe vậy, Công chúa An Lạc vô cùng khó chịu, liền tự ý cưỡng đoạt đất của dân, cho đào một cái ao thật lớn và đặt tên là ao Định Côn, ý chỉ sự vượt trội so với ao Côn Minh của triều đình.
Ngoài ra, những tưởng sau khi sinh con, An Lạc công chúa sẽ an phận. Thế nhưng, vị công chúa này lại đi ngược lại tất cả luân thường đạo lý, lén lút qua lại và thân mật với anh họ của chồng là Võ Diên Tú.
Khi Võ Sùng Huấn - chồng An Lạc công chúa mất trong biến loạn, An Lạc đã lập tức tái giá với Võ Diên Tú và sinh thêm được một cậu con trai. Mẹ ruột của An Lạc công chúa - Vi Hoàng hậu cũng đem lòng cảm mến con rể Võ Diên Tú.
Kết thảm cho vị công chúa tàn độc
Theo ghi chép của các tại liệu lịch sử, Công chúa An Lạc từng dưới sự cho phép ngầm của Vĩ hậu mà đòi hỏi vua cha ban cho địa vị “Hoàng thái nữ”, một cách gọi nữ giới hóa của danh vị Hoàng thái tử, với mong muốn được trở thành người thừa kế ngai vàng. Nhưng Tả bộc xạ Ngụy Nguyên Trung hết sức can gián lên Trung Tông và cuối cùng Trung Tông cũng không đáp ứng. An Lạc công chúa tức giận bèn nói: “Nguyên Trung là người Sơn Đông, ngoan cố bần dã, há có thể hỏi hắn chuyện quốc sự? A Võ Tử còn từng lên làm Thiên tử, ta là con gái Thiên tử, có gì mà không thể?”.
Khi đó, Thái tử Lý Trọng Tuấn là con của một cung tì được lập làm Hoàng thái tử, điều này khiến An Lạc công chúa và chồng Võ Sùng Huấn rất không vui, vì cả hai đều khinh thường Lý Trọng Tuấn. Quan trọng hơn việc Lý Trọng Tuấn sẽ trở thành Hoàng đế tương lai sẽ khiến họ gặp nguy cơ. Do vậy, An Lạc công chúa thường xuyên dèm pha, nhằm hạ bệ Thái tử, điều này khiến Thái tử rất bực tức không vui.
An Lạc công chúa lén lút qua lại và thân mật với anh họ của chồng (Ảnh minh họa). |
Để hiện thực hóa giấc mộng này, ái nữ của Trung Tông đã rắp tâm khích bác Thái tử Lý Trọng Tuấn (không phải do Vĩ hậu sinh ra), buộc Thái tử tạo binh biến, sát hại Vũ Tam Tư và anh rể Vũ Tông Huấn. Dưới sự bảo hộ của vua cha, An Lạc bảo toàn được mạng sống trong khi Thái tử vì binh biến thất bại mà bị giết. Tuy nhiên, giấc mộng “Hoàng thái nữ” của Công chúa cũng không được thực hiện.
Chính sử ghi chép lại, Vĩ Hoàng hậu và An Lạc công chúa cùng bày mưu, dùng bánh có tẩm độc để hạ độc Đường Trung Tông Lý Hiển, khiến ông đột ngột băng hà. Không dừng lại ở đó, An Lạc còn khống chế quân đội, âm mưu tạo phản. Tuy nhiên, hành vi này đã uy hiếp đến quyền lợi của Công chúa Thái Bình và những người khác.
Trước tình hình đó, Lý Long Cơ (sau này là Đường Huyền Tông) cùng liên kết với Công chúa Thái Bình phát động Long Cơ chính biến. An Lạc trong đêm xảy ra chính biến đã bị giết khi đang chải tóc, trang điểm. Vào thời điểm đó, cô mới 20 tuổi. Công chúa An Lạc bị giết gần nửa năm, thi thể mới được an táng và bị người đời chỉ trích là “Nghịch tử cung đình”.
Nhà sử học của Trung Quốc Cao Bằng Đào cho hay, trên bia mộ của cô không đề nơi an táng. Điều này cho thấy tội trạng của người con gái này lớn đến mức nào. Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, An Lạc là công chúa duy nhất dám mưu đồ tạo phản, tranh giành quyền lực với vua cha.