Lãnh cung ngày nay không được mở cửa cho khách tham quan bởi nhiều giai thoại ly kỳ, khiến du khách đi qua không khỏi cảm thấy ớn lạnh.
Tử Cấm Thành là cố cung của các triều đình phong kiến Minh, Thanh và có tuổi đời hơn 560 năm. Công trình được xây từ năm 1406, trải qua 24 đời hoàng đế. Đây là nơi tập trung quyền lực, triệu tập quần thần, nơi tiến hành các đại lễ, cũng là nơi sinh sống của hoàng đế và các phi tần. Đồng thời, nơi đây cũng là nhà tù giam lỏng được gọi là lãnh cung, nơi chôn vùi thanh xuân và cả mạng sống của nhiều phi tần, nam nhân.
Lãnh cung thật sự ở đâu?
Trong các bộ phim cổ trang nói về cuộc sống hoàng cung Trung Quốc, lãnh cung được xem là nơi đáng sợ và “xui xẻo” nhất. Những phi tần thất sủng hoặc phạm tội nhưng chưa đến mức phải xử tử thì sẽ bị đày vào lãnh cung. Các học giả Trung Quốc cho rằng, lãnh cung không nằm ở một vị trí cố định. Lãnh cung không phải là tên gọi của một cung điện cụ thể mà chỉ là tên gọi chung nơi giam lỏng các phi tần, cung nữ mắc tội nặng.
Ở trong Tử Cấm Thành, khi đã sa chân vào lãnh cung thì khó có thể làm thay đổi tình thế để được sủng ái thêm lần nữa. Những phi tần bị đày vào lãnh cung sẽ sống phần đời cô quạnh cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Dưới thời Minh Hy Tông, lãnh cung nằm ở gian phòng phía Tây Ngự Hoa Viên. Khách Thị là nhũ mẫu của Hoàng đế Minh Hy Tông. Khách Thị cấu kết với thái giám Ngụy Trung Hiền và nắm nhiều quyền thế trong cung. Tất cả những người không vừa ý Khách Thị đều bị hãm hại.
Như Trương Dụ Phi có lời qua tiếng lại với Khách Thị, ả ôm hận trong lòng và đặt điều nói xấu trước mặt Hoàng đế Hy Tông, nói rằng đứa con mà Trương Dụ Phi mang trong mình không phải là cốt nhục của hoàng đế. Hy Tông nghe xong thì tống Trương Dụ Phi vào lãnh cung ở vị trí sau này là Ngự Hoa Viên của nhà Thanh. Khách Thị cũng không cho người mang đồ ăn đến khiến choTrương Dụ Phi chết đói trong lãnh cung.
Giếng Trân Phi là nơi chứng kiến cái chết của đệ nhất ái phi Thanh triều một thời. |
Lãnh cung không chỉ là nơi dành cho các cung tần, cung nữ mà đàn ông cũng có thể bị đày đọa vào đây. Lãnh cung dành cho đàn ông được gọi với cái tên “Cung Tiêu Diêu” - nghĩa là hạnh phúc. Người tạo ra “Cung Tiêu Diêu” chính là hoàng đế Chu Nguyên Chương nhà Minh.
Sinh ra đã sớm đối mặt với đói nghèo, cơ cực do đó Chu Nguyên Chương cực kỳ ghét người lười nhác. Ông quy định quần thần và dân chúng chỉ được nghỉ 3 ngày một năm là năm mới, đông chí và sinh nhật của ông.Tất cả những người cờ bạc hoặc rỗi rãi dắt chó, cầm lồng chim đi dạo đều phải vào Lầu Tiêu Diêu, biến nơi hạnh phúc trở thành nơi những kẻ lười nhác phải chết đói.
Lầu Tiêu Diêu vốn ở kinh đô cũ của triều Minh. Khi triều này dời về Bắc Kinh thì Cung Tiêu Diêu được xây dựng. Lúc này cung không dùng để giam cầm người dân lười nhác nữa mà trở thành nơi giam giữ phạm nhân và các thái giám.
Ngoài ra, trong Tử Cấm Thành còn có lãnh cung dành cho những “quả phụ”. Thông thường các vị hoàng đế Trung Quốc yểu mệnh do hoang dâm vô độ hoặc sức khỏe vốn yếu ớt lại gánh trọng trách giang sơn. Do đó, sau khi các hoàng đế băng hà các cung tần mỹ nữ của họ vẫn còn rất nhiều, đa phần là các cô gái trẻ.
Theo quy định của hoàng cung, cuộc đời sau này của họ chỉ có thể sống để thờ chồng không được lấy người mới dù mới 18-20 tuổi. Vì vậy, sau khi hoàng đế mất, các phi tần cung nữ thường bị đẩy vào những cung cấm chỉ dành cho gái “quả phụ” như Từ Ninh cung, Thọ Anh cung hoặc Thọ Khang cung.
Cuộc sống nơi lãnh cung
Thông thường, sau khi bị đày vào lãnh cung, những phi tử này sẽ phải sống cuộc sống thê thảm, không chỉ thiếu thốn đủ bề, còn bị hạ nhân như nô tài, thái giám khinh thường vì thất thế.
Thế nhưng, luôn có những ngoại lệ, có những phi tử bị đày vào lãnh cung nhưng không hề bị nô tài, thái giám ghét bỏ, hành hạ, ngược lại, những phi tử này còn được các thái giám tranh nhau hầu hạ, giúp đỡ.
Bởi lẽ, những phi tử bị hoàng đế đày vào lãnh cung thế nhưng bình thường họ cũng đã từng được hoàng đế sủng ái, sống cuộc sống xa hoa, hào nhoáng.Hoàng đế sau khi ân sủng sẽ ban cho các những phi tử này nhiều vàng bạc, châu báu. Tất cả những của cải này khi tới lãnh cung, các phi tử được phép mang theo.
Bên trong Tử Cấm Thành còn có những lãnh cung ai oán đến rợn người. |
Tới lãnh cung ở, các phi tử quen ăn ngon mặc đẹp này sẽ không quen được. Vì vậy, họ sẽ đút lót cho các thái giám trông coi lãnh cung chút tiền bạc để được đối xử tốt. Nhân cơ hội này, các thái giám có thể vơ vét được chút tiền tài, họ sẽ không bỏ qua cơ hội.Dù sao ngày thường họ hầu hạ các chủ nhân, nghe đánh chửi, mắng nhiếc đủ điều, lại không lấy được nhiều đồ tốt, tiền bạc. Chẳng bằng trao đổi sòng phẳng với các phi tử đã thất sủng, bị đày vào lãnh cung.
Những thái giám khi nhập cung đều đã không còn tự do, không còn quyền như một người bình thường. Ngày qua ngày, họ phải hầu hạ các chủ tử cực kỳ soi mói. Mỗi khi làm sai điều gì, khiến chủ tử mất hứng, các thái giám sẽ bị trách phạt, thậm chí bị đánh.
Bởi vậy, các thái giám thường nghĩ, cuộc sống của họ vô cùng tủi nhục, khắp nơi đều bị chèn ép, luôn phải nhìn sắc mặt người khác để sống. Thế nhưng khi tới lãnh cung, họ lại được các phi tử thất thế tôn trọng. Khi nói chuyện, họ cũng không bị những phi tử này hất hàm sai khiến mà ân cần, thận trọng nhờ vả.Đối tốt với các phi tử trong lãnh cung, thái giám không chỉ được lợi về mặt tiền bạc, còn được tôn trọng, lấy lại tự tôn của mình.
Đáng nói, khi bị đày vào lãnh cung, mặc dù các phi tử phần lớn sẽ không có kết cục tốt, thế nhưng trên đời nhiều chuyện bất ngờ xảy ra. Rất có thể họ bị oan uổng.Trong trường hợp này, nếu may mắn, những phi tử này hoàn toàn có cơ hội trở mình, được minh oan, thoát khỏi lãnh cung, một lần nữa sống cuộc sống xa hoa, phú quý, khôi phục lại những huy hoàng thủa trước.
Điển hình như dưới thời Minh Hiến Tông có Vạn Quý Phi hoành hành, mạnh tay đàn áp cả hậu cung, hãm hại các phi tần đang mang thai của nhà vua. Kỷ Thị - một phi tần của Hiến Tông không thoát khỏi số phận nên đã bị giam giữ ở lãnh cung. Thế nhưng nhờ sự giúp đỡ của các thái giám mà bà này đã sinh hạ một hoàng tử cho nhà vua ở ngay nơi lãnh cung khắc nghiệt, gian nan.
Hoàng tử này được đặt tên là Chu Hựu Đường, cũng chính là Minh Hiếu Tông trong tương lai. Trong 6 năm đầu đời, ông sống cùng thân mẫu ở nơi lãnh cung đầy khổ ải, tuy thiếu thốn nhưng đổi lại được an toàn. Mãi sau này ông mới được các thái giám đưa vào chính cung để nhận cha.
Những thái giám có đầu óc, khi nhìn thấy phi tử nào có cơ hội trở mình, sẽ đầu tư không chỉ thời gian mà còn cả tâm sức hầu hạ phi tử đó. Bản thân những thái giám này cũng rất ngóng chờ, trông đợi vào tương lai, phi tử này sẽ được giải thoát khỏi lãnh cung, một lần nữa nhận được sự ân sủng của hoàng đế. Nếu được như thế, cuộc sống của thái giám này cũng sẽ chuyển biến, có quyền uy và được nhiều lợi ích hơn.