Bộ luật Dân sự (BLDS) là đạo luật quan trọng, điều chỉnh nhiều mặt quan hệ xã hội có liên quan mật thiết đến đời sống, hoạt động hàng ngày của người dân và doanh nghiệp. Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo BLDS sửa đổi trong thời hạn 3 tháng.
Chia sẻ về quá trình lấy ý kiến vừa qua, tham gia chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định: Việc tổng hợp ý kiến của người dân vào Dự thảo BLDS sửa đổi phải bảo đảm một cách đầy đủ, khách quan, trung thực, công khai và minh bạch.
Đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong cả nước
Thưa Bộ trưởng, xin được chuyển đến Bộ trưởng câu hỏi của một vị khán giả cao tuổi: “Tôi được biết việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo BLDS sửa đổi đã kết thúc vào ngày 5/4 vừa qua. Không rõ tình hình các cơ quan và người dân tham gia vào hoạt động này thế nào, nhưng tôi cũng là một người có ý kiến trực tiếp đối với Dự thảo sửa đổi, không biết các ý kiến đó có đến được tới Bộ trưởng không?”.
- Đúng như khán giả nêu, đợt cao điểm lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo BLDS đã kết thúc. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các Bộ, ngành liên quan tổng hợp ý kiến của người dân và tổ chức nghiên cứu tiếp thu, giải trình.
Báo cáo ban đầu về tổng hợp ý kiến được Bộ Tư pháp cuối tuần trước và đầu tuần qua tổ chức 2 hội nghị tại khu vực phía Nam và phía Bắc để các Bộ, ngành, các chuyên gia đóng góp hoàn tất Báo cáo trình Chính phủ tại Phiên họp tháng 4 này, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9 tới đây của Quốc hội.
Có thể nói rằng, mặc dù 3 tháng đó rơi vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài và công tác triển khai nhiệm vụ năm mới thường rất bận rộn, nhưng quả thực đây là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong cả nước chúng ta; các Bộ, ngành, các địa phương, các tầng lớp nhân dân, các giới, các nhà khoa học, chuyên gia đã rất tích cực tham gia hoạt động này.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, tới ngày 22/4/2015 có khoảng 6,5 triệu lượt ý kiến của người dân tham gia vào Dự thảo BLDS sửa đổi, được tổng hợp trong báo cáo của 27 Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, 44 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các báo cáo từ hội thảo, tọa đàm, các ý kiến từ Cổng thông tin điện tử, trên các phương tiện thông tin đại chúng trong suốt thời gian vừa qua.
Một lần nữa chúng ta thấy rõ hơn tính dân chủ trong công tác xây dựng pháp luật ở nước ta. Từ quan điểm “lấy dân làm gốc”, Quốc hội và Chính phủ đã đưa Dự thảo BLDS mà như nhà báo nói là liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân, doanh nghiệp, để người dân được biết, được trực tiếp tham gia ý kiến vào Bộ luật.
Còn ý kiến của vị khán giả có tới được Bộ Tư pháp hay không thì tôi cũng xin thưa là tôi không dám khẳng định một cách chính xác vì chưa biết khán giả là ai, ý kiến như thế nào. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã yêu cầu việc tổng hợp ý kiến của người dân phải bảo đảm một cách đầy đủ, khách quan, trung thực, công khai và minh bạch.
Dự thảo Báo cáo tổng hợp, tiếp thu giải trình ý kiến nhân dân đối với BLDS tôi vừa nhắc đến để trình Chính phủ trình ra Quốc hội đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, trong đó thể hiện hết các loại ý kiến của người dân về các vấn đề của BLDS nói chung và 10 vấn đề trọng tâm Chính phủ lấy ý kiến nói riêng.
Khán giả có thể truy cập và xem ý kiến của mình đã được Bộ Tư pháp tổng hợp hay chưa, được nghiên cứu tiếp thu hay giải trình chưa; nếu chưa, khán giả cũng có thể liên hệ với Bộ Tư pháp qua Cổng thông tin điện tử của Bộ hoặc qua Chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” để chúng tôi báo cáo thêm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ công bố Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) |
Đa số ý kiến của người dân tập trung vào vấn đề nào trong 10 vấn đề trọng tâm đưa ra lấy ý kiến lần này, thưa Bộ trưởng?
- Thật khó để cân đong, đo đếm xem trong 10 vấn đề Chính phủ xin ý kiến thì đa số người dân tập trung vào vấn đề nào nhất! Tuy nhiên, chỉ có thể nói chung là đa số ý kiến của người dân đồng tình và nhất trí cao những nội dung mang tính đổi mới, cải cách của Dự thảo BLDS lần này.
Có chuyên gia nói với tôi rằng, BLDS năm 1995 chưa phải là BLDS, BLDS năm 2005 một nửa là BLDS, còn Dự thảo BLDS lần này mà dự kiến là BLDS năm 2015 đã gần giống BLDS của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và hội nhập quốc tế.
Đi vào chi tiết thì có thể thấy người dân rất quan tâm đến một vấn đề Chính phủ đưa ra xin ý kiến cũng là điểm mới của Dự thảo BLDS lần này, đó là vấn đề trách nhiệm của Tòa án, của các cơ quan khác có thẩm quyền của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền dân sự của người dân, doanh nghiệp. Tại sao như vậy?
Thực ra, BLDS hiện hành của chúng ta đã quy định trách nhiệm trên theo hướng tất cả các quyền dân sự của người dân, doanh nghiệp đều được tôn trọng, được bảo vệ. BLDS hiện hành cũng quy định về việc không có pháp luật thì Tòa án là cơ quan có thẩm quyền áp dụng tập quán, không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật để giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi của người dân.
Tuy nhiên, cái thiếu của BLDS hiện hành ở chỗ chưa quy định rõ trách nhiệm của Tòa án khi thụ lý, giải quyết vụ, việc dân sự của người dân, kể cả khi chưa có quy định của pháp luật. Tương tự, BLDS hiện hành cũng chưa quy định cụ thể trong trường hợp chưa có quy định của pháp luật thì khi nào áp dụng tập quán, khi nào áp dụng quy định tương tự của pháp luật nên trên thực tế, việc áp dụng tập quán, áp dụng quy định tương tự của pháp luật hầu như không được thực hiện.
Để khắc phục bất cập này đồng thời cũng là để cụ thể hóa tinh thần và nội dung hết sức mới của Hiến pháp năm 2013 ở chỗ Tòa án được xác định là cơ quan thực hiện quyền tư pháp của đất nước, là chỗ dựa công lý của người dân, do vậy Dự thảo BLDS lần này đã bổ sung những quy định rất cụ thể.
Một là, Tòa án không có quyền từ chối yêu cầu của người dân trong việc bảo vệ quyền dân sự của họ trong trường hợp pháp luật không có quy định. Trong trường hợp này, Tòa án phải căn cứ vào thỏa thuận của các bên, không có thỏa thuận thì căn cứ vào tập quán, không có tập quán thì căn cứ vào quy định tương tự của pháp luật để giải quyết.
Hai là, Dự thảo BLDS sửa đổi bổ sung thêm là ngoài các căn cứ nêu trên, còn có thể căn cứ vào nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, lẽ công bằng, niềm tin nội tâm của Thẩm phán và mới nữa là căn cứ vào án lệ của Tòa án cấp trên để bằng mọi cách xem xét, giải quyết tranh chấp giữa các bên, bảo vệ quyền lợi của người dân. Đây là điểm mới người dân thực sự rất quan tâm vì nó thể hiện tinh thần của Nhà nước pháp quyền.
Bảo vệ đến cùng quyền dân sự của người dân
Thưa Bộ trưởng, tiếp theo cũng là một vấn đề liên quan đến Tòa án. Một khán giả có hỏi: “Tôi được biết, hiện nay việc khởi kiện của người dân chỉ được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, còn gọi là thời hiệu khởi kiện, sau khoảng thời gian đó người dân sẽ không còn quyền khởi kiện của mình. Quy định như vậy, theo tôi vô hình trung đã hạn chế quyền lợi của người dân. Dự thảo BLDS sửa đổi có hướng nào để khắc phục tình trạng này không?”.
- Đúng là BLDS hiện hành quy định 3 loại thời hiệu, trong đó có một loại thời hiệu gọi là thời hiệu khởi kiện mà nhà báo vừa nêu. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà những người có quyền lợi bị xâm hại có thể yêu cầu Tòa án giải quyết, bảo vệ quyền lợi của mình, nếu hết thời hạn đó mà họ chưa khởi kiện thì mất quyền khởi kiện trước Tòa án. Hay nói cách khác, nếu có đưa đơn khởi kiện ra Tòa án thì Tòa án cũng từ chối.
Quy định như vậy có thể nói là thuận lợi cho Tòa án, thuận lợi cho Nhà nước, nhưng không giải quyết rốt ráo đến cùng trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân và vô hình trung đã hạn chế quyền của người dân được bảo vệ quyền dân sự của mình. Vì thế, Dự thảo BLDS lần này quy định theo hướng không còn thời hiệu khởi kiện.
Nếu được Quốc hội chấp nhận, có nghĩa là về sau này, vào bất cứ thời điểm nào, sau bao nhiêu năm tháng khi người dân khởi kiện ra tòa thì Tòa án vẫn phải có trách nhiệm thụ lý để phân xét. Nếu họ khởi kiện đúng, phải bảo vệ quyền lợi của họ chứ không được từ chối bởi lý do thời hiệu khởi kiện đã hết.
Những góp ý gửi cho Bộ Tư pháp có nhiều ý kiến đồng tình với sự thay đổi trên không, thưa Bộ trưởng?
- Vấn đề này có hai loại ý kiến và loại ý kiến nghiêng về Dự thảo là nhiều hơn. Tất nhiên, thuận lợi cho người này lại bất tiện cho người khác, phía bất tiện mong rằng giữ lại thời hiệu khởi kiện. Pháp luật một số nước có quy định thời hiệu khởi kiện nhưng trên tinh thần của Hiến pháp, quyền cơ bản của người dân phải được pháp luật bảo vệ, chúng tôi nghĩ rằng không nên đưa ra một rào cản gì đó để cuối cùng Nhà nước không bảo vệ. Nếu Nhà nước không đứng ra giải quyết thì nhiều khi xã hội tự giải quyết với nhau, còn đâu là văn minh, còn đâu là pháp quyền mà cũng không hay cho trật tự an toàn của đất nước.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!