Trong điều kiện tình hình kinh tế, xã hội của đất nước tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2014, kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự khởi sắc, việc bán đấu giá tài sản là bất động sản gặp rất nhiều khó khăn... hội nghị sẽ là diễn đàn quan trọng để công tác thi hành án dân sự bàn các giải pháp đột phá cho những tháng cuối năm.
Nhân dịp này, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền về những kết quả và chuyển biến của công tác thi hành án dân sự trong thời gian qua.
Năm 2015 vẫn được đánh giá là năm còn nhiều khó khăn đối với nền kinh tế đất nước, điều đó tác động không nhỏ tới kết quả của công tác thi hành án dân sự (THADS), xin Thứ trưởng cho biết những kết quả mà ngành THADS đã đạt được trong 6 tháng đầu năm nay?
- Trước bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội của đất nước tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, trong những tháng đầu năm nay, Bộ Tư pháp đã quyết liệt chỉ đạo Tổng cục THADS, các cơ quan THADS địa phương bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình công tác của Bộ Tư pháp, Kế hoạch công tác trọng tâm của hệ thống cơ quan THADS và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp để triển khai đồng bộ các mặt công tác ngay từ những tháng đầu năm, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Công tác xây dựng thể chế được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có nhiều tiến bộ, đã hoàn thành việc xây dựng nhiều văn bản pháp luật quan trọng, nhất là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua... Điều đó chứng tỏ những nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống THADS trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng trên thực tế công tác THADS vẫn còn những hạn chế, tồn tại, trong đó có việc lượng án có điều kiện nhưng chưa được thi hành xong còn nhiều, số việc chưa tổ chức xác minh điều kiện thi hành án vẫn còn lớn, số lượng cán bộ bị xử lý kỷ luật vẫn còn tương đối nhiều... Đâu là nguyên nhân của những hạn chế này, thưa Thứ trưởng?
- Đúng là so với cùng kỳ năm 2014, kết quả THADS 6 tháng đầu năm 2015 tuy tăng cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ nhưng chưa có sự đột phá, vẫn còn một số đơn vị có kết quả thi hành án đạt tỷ lệ thấp. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành ở một số đơn vị còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều việc còn chậm, kể cả ở Tổng cục, nhưng nhất là các Cục và Chi cục.
Công tác tổ chức cán bộ chưa thực sự “đi trước một bước”, nhiều việc còn chậm. Công tác phối hợp trong THADS, nhất là phối hợp với các sở, ban ngành, tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương của một số Cục THADS còn chưa chủ động, thiếu tích cực. Việc triển khai thí điểm Thừa phát lại tại một số địa phương (ngoài TP.Hồ Chí Minh) hiệu quả chưa cao.
Những tồn tại, hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, như công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Tổng cục tuy đã có nhiều chuyển biến song vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của thực tiễn. Năng lực, trình độ chuyên môn của một bộ phận công chức THADS cũng chưa đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, về khách quan phải khẳng định rằng trong những tháng đầu năm nay, số lượng việc, tiền thụ lý mới của toàn quốc tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2014 (tăng 3,31% về việc và 43,4% về tiền), trong khi đó biên chế không được tăng, thậm chí còn bị cắt giảm 1,5%, nhiều địa phương vẫn còn thiếu chấp hành viên (Tây Ninh, Long An, Bình Dương...) dẫn đến tình trạng quá tải công việc, việc tổ chức thi hành nhiều vụ việc bị chậm trễ và còn có sai sót, vi phạm.
Các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng tuy chỉ chiếm chưa đến 3% về việc (14.391 việc) nhưng lại chiếm tới gần 50% (trên 49.004 tỷ 571 triệu đồng) tổng số tiền phải thi hành của toàn quốc, trong khi đó, việc xử lý tài sản bảo đảm, chủ yếu là bất động sản, trong các vụ việc loại này gặp rất nhiều khó khăn do thị trường bất động sản còn trầm lắng, thủ tục kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản mất nhiều thời gian, người dân có tâm lý e ngại khi mua tài sản liên quan đến thi hành án nên kết quả thi hành đạt tỷ lệ thấp.
Trong số việc còn đang tổ chức thi hành, có nhiều vụ việc có giá trị phải thi hành lớn, tính chất phức tạp, khó thi hành, thậm chí không có điều kiện thi hành; điển hình như vụ Vinashin có tổng số tiền phải thi hành liên quan đến tập đoàn này là rất lớn, trên 2.407 tỷ đồng (tập trung nhiều nhất là Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng), nhưng quá trình thi hành án mất nhiều thời gian, gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xử lý số tiền bị phong tỏa tài khoản, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Nhiều tài sản là quyền sử dụng đất, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị máy móc... rất khó bán, dù giảm giá nhiều lần nhưng không có người mua, vì vậy số tiền đã giải quyết được đạt tỷ lệ rất thấp (gần 103 tỷ đồng); tổng số tiền còn phải thi hành là rất lớn (trên 2.300 tỷ đồng).
Trước những khó khăn nêu trên, Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS đã có những giải pháp gì để khắc phục, thưa Thứ trưởng?
- Khi theo dõi, tổng hợp kết quả công tác THADS 05 tháng đầu năm 2015 (từ 01/10/2014 đến 28/02/2015) thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, kết quả THADS chưa có sự đột phá, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Tổng cục THADS có buổi làm việc với 23 địa phương có lượng án lớn hoặc còn những tồn tại, hạn chế nhằm đề ra những giải pháp cụ thể nâng cao kết quả thi hành án trong thời gian tới.
Bên cạnh việc chấn chỉnh công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong toàn hệ thống, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Tổng cục THADS duy trì và tăng cường quan hệ phối hợp công tác tốt hơn nữa với các cơ quan, đơn vị có liên quan ở Trung ương, như: Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ Công an… nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ trên, tạo sự thông suốt trong toàn hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp các cơ quan THADS địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ về THADS, nhất là chỉ tiêu thi hành án xong về việc và về tiền.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo đó, năm 2015 Tổng cục THADS đã đẩy mạnh việc xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp trong công tác THADS với các cơ quan liên quan: Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội, Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII).
Tại các địa phương, UBND, Ban Chỉ đạo THADS cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ quan THADS cũng đã tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội, Kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Quyết định giao chỉ tiêu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Kế hoạch trọng tâm công tác THADS...
Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, các cơ quan THADS địa phương đã thực hiện nghiêm túc các đợt phát động cao điểm thi hành án với khẩu hiệu “Tích cực hưởng ứng đợt cao điểm về thi hành án năm 2015” tại trụ sở làm việc để động viên, nhắc nhở công chức, người lao động trong đơn vị phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác năm 2015.
Bên cạnh việc chỉ đạo chung về công tác THADS, được biết việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại được lãnh đạo Bộ Tư pháp đặt rất nhiều tin tưởng, kỳ vọng, xin Thứ trưởng cho biết kết quả của việc triển khai thí điểm chế định này đến thời điểm hiện nay?
- Tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, tính đến hết tháng 3/2015, cả nước đã thành lập được 51 Văn phòng Thừa phát lại và bổ nhiệm được 207 Thừa phát lại. Các Văn phòng Thừa phát lại đã thu được kết quả khá tốt, với doanh thu đạt trên 73 tỷ đồng.
Thừa phát lại đã bắt đầu trở thành một nghề, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong hoạt động bổ trợ tư pháp. Bộ Tư pháp cũng đang tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội từng bước củng cố vị trí, tháo gỡ khó khăn cho loại hình dịch vụ mới này như đề xuất xây dựng Luật Thừa phát lại để tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định cho hoạt động thừa phát lại.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Từ ngày 01/10/2014 đến ngày 31/3/2015, toàn ngành THADS đã thụ lý 530.907 việc, tăng 17.149 việc (3,34%) so với cùng kỳ năm 2014. Trong số việc có điều kiện giải quyết, đã giải quyết xong 214.072 việc, tăng 9.432 việc (4,61%) so với cùng kỳ 2014, đạt tỷ lệ 54,97%, tăng 1,78% so với cùng kỳ.
Về tiền: Tổng số thụ lý là 102.021 tỷ 961 triệu 582 nghìn đồng, tăng 28.439 tỷ 285 triệu 2 nghìn đồng (38,65%) so với cùng kỳ năm 2014. Trong số tiền có điều kiện giải quyết, đã giải quyết xong 16.105 tỷ 376 triệu 997 nghìn đồng có điều kiện giải quyết, tăng 2.626 tỷ 113 triệu 576 nghìn đồng (19,48%) so với cùng kỳ, đạt tỷ lệ 27,09%, tăng 1,33% so với cùng kỳ 2014.