Ông Kiều Đình Thụ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, các Đại biểu Quốc hội, đại diện TANDTC, VKSNDTC, đại diện các cơ quan tư pháp của các tỉnh, thành khu vực phía Nam, giảng viên và sinh viên của các trường luật, các tổ chức hành nghề luật sư, doanh nghiệp… cùng tham dự hội nghị.
Bảo vệ triệt để quyền con người, quyền công dân
Thống kê của Bộ Tư pháp cho biết, tính đến ngày 15/4 đã có hàng trăm nghìn lượt ý kiến về Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi trải đều từ các cơ quan Trung ương đến các cơ quan, tổ chức ở địa phương. Từ các cơ quan nhà nước đến các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, viện nghiên cứu, các nhà quản lý nhà nước đến các nhà nghiên cứu, giảng viên, thẩm phán, công chứng viên, luật sư, trọng tài, chuyên gia y tế, đại diện các nhóm yếu thế trong xã hội…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nhấn mạnh: Dự thảo Bộ luật đã có cách tiếp cận phù hợp để BLDS là luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia.
Qua đó, vừa đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, ổn định trong quy định của hệ thống pháp luật; vừa bảo đảm tính dự báo và ổn định lâu dài trong quy định của Bộ luật này nhằm phát triển ổn định, bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường hội ý nhanh với các thành viên Ban soạn thảo ngay sau hội nghị. Ảnh: Phong Trần |
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp thay mặt Thường trực Ban soạn thảo đã trình bày những vấn đề lớn của Dự thảo Bộ luật xin ý kiến nhân dân và tổng hợp những ý kiến đóng góp của nhân dân đối với các quy định tại Dự thảo Bộ luật đến thời điểm hiện nay.
Viện dẫn nhiều câu chuyện thực tế để góp ý Bộ luật Dân sự
Tại hội nghị, hầu hết ý kiến của đông đảo đại biểu đều rất tâm huyết và đi sâu vào từng điều khoản cụ thể của Dự thảo. Ông Lê Minh Hùng, giảng viên Đại học Luật TP.HCM cho rằng: Về lãi suất trong hợp đồng vay, thực tế những người cho vay lãi nặng, không ghi mức lãi suất, người ta cho vay 800 triệu nhưng trong hợp đồng vay lại ghi 1 tỷ đồng (200 triệu đồng lãi đã cộng dồn vào tiền gốc).
Và như vậy trong hợp đồng không hề thể hiện mức lãi suất cho vay. Lãi suất cơ bản không có trên thực tế ở Việt Nam. Do đó, khái niệm lãi suất 200% rất khó giải thích khi Quốc hội chất vấn Ban soạn thảo...
PGS.TS. Nguyễn Văn Luyện, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp đề nghị bỏ “hộ gia đình” khỏi chủ thể tham gia quan hệ dân sự tại Dự thảo Bộ luật vì nếu còn tiếp tục để “hộ gia đình” sẽ có nhiều cái không ổn.
Nói về vấn đề sở hữu tài sản, ông Luyện cho rằng: Theo Dự thảo BLDS, tài sản của công ty được hiểu là tài sản của riêng công ty. Còn tài sản thuộc sở hữu cá nhân của công ty liên doanh, tài sản của Nhà nước giao cho các tổ chức xã hội và tài sản của Nhà nước trong các công ty nhà nước thì được hiểu cụ thể như thế nào? Do đó, nếu theo định nghĩa về tài sản trong Dự thảo Bộ luật này thì chưa đầy đủ.
Ông Luyện cũng mạnh dạn đề nghị Ban soạn thảo bỏ hẳn phần quy định về cầm giữ tài sản bởi nếu quy định như Dự thảo Bộ luật có thể khiến người dân hiểu nhầm là “bật đèn xanh” cho tình trạng “xiết” tài sản của người khác.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Thanh Bình – Chánh án TAND tỉnh Bến Tre đề nghị giữ các nguyên tắc sắp xếp các điều mục các điều luật của BLDS 2005. Về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu, theo bà Bình, Dự thảo BLDS cần làm rõ ranh giới bảo vệ người thứ ba ngay tình bởi nếu không khéo để xảy ra tình trạng buôn bán hàng gian, hàng giả thì không ổn.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, thay mặt Ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, cụ thể của các đại biểu góp ý cho các quy định tại Dự thảo Bộ luật và cho biết Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu để các quy định tại Dự thảo Bộ luật này có chất lượng và phù hợp nhất./.