Đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường biểu dương những kết quả đạt được trong triển khai Nghị định 22, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Bộ, ngành.
Không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lê Tiến Châu đánh giá chung: Với Nghị định 22, chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành đã được rà soát và xác định rõ ràng, cụ thể, không bỏ sót và không chồng chéo với các Bộ, ngành khác; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước với hoạt động sự nghiệp trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; đề cao trách nhiệm của Bộ trước Chính phủ quản lý thống nhất trong phạm vi cả nước về các công tác tư pháp.
Nhận định này cũng được đại diện Vụ Tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ - ông Bùi Văn Minh đồng tình và đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị định 22, ông Châu cho biết, việc triển khai được Bộ và các đơn vị thuộc Bộ tiến hành toàn diện, có kế hoạch và nghiêm túc, đáp ứng mục đích, yêu cầu đề ra. Cho đến nay, Bộ đã cơ bản hoàn thành các nội dung công việc theo Kế hoạch đã ban hành, tập trung vào việc hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, phân công nhiệm vụ và kiện toàn tổ chức các đơn vị thuộc Bộ để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, một số nhiệm vụ làm còn chậm so với tiến độ đề ra, chưa hoàn thành xây dựng Đề án vị trí việc làm của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ. Đáng chú ý, sau 2 năm thực hiện Nghị định đã phát sinh những nhiệm vụ, quyền hạn mới giao cho Bộ, ngành Tư pháp như trách nhiệm của Bộ trong việc giúp Chính phủ triển khai thi hành Hiến pháp 2013, nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thống nhất công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế...
Ngoài ra, biên chế chưa được bổ sung kịp thời, thậm chí số lượng biên chế năm 2015 của Bộ bị điều chỉnh giảm 1,5% so với năm 2014 trong khi khối lượng công việc ngày càng tăng.
Còn nhiều “khoảng trống” cần lấp đầy
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp đã cùng trao đổi những khó khăn và đưa ra giải pháp khắc phục, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề phân cấp. Giám đốc Sở Tư pháp Long An Trần Minh Mẫn nêu thực tế địa phương đang đảm nhiệm khoảng 35 đầu việc, dẫn đến quá tải và cán bộ không có chuyên môn sâu nên nội dung nào phân cấp cho địa phương là phải gắn liền với đời sống kinh tế - xã hội và nếu không phân cấp thì không bảo đảm điều hành thông suốt.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Lê Thị Bình Minh cũng kiến nghị rà soát các văn bản khác liên quan để phân cấp một cách khoa học, kỹ lưỡng, đáp ứng thực tiễn và phân cấp cũng phải tính đến yếu tố vùng miền.
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến nhận thấy quá trình thực hiện Nghị định có sự giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa một số cơ quan, đơn vị, có sự cắt khúc giữa theo dõi thi hành pháp luật và theo dõi ban hành văn bản quy định chi tiết. Vì thế, ông Tuyến đề xuất nghiên cứu giải pháp tổng thể nhằm sắp xếp cho phù hợp với vị trí, chức năng của từng đơn vị; giảm đầu mối, thống nhất một số đơn vị thuộc Bộ có hoạt động mang tính chất tương tự.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, mặc dù vẫn còn một số tồn tại nhưng công tác tư pháp ngày càng khởi sắc, cơ bản hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nâng cao vị thế, vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, nhất là qua thi hành Nghị định 22 đã gắn được một bước giữa công tác xây dựng pháp luật với công tác thi hành pháp luật.
Cùng với chỉ đạo giao nhiệm vụ cụ thể cho một số đơn vị thuộc Bộ trong thời gian tới, Bộ trưởng cũng yêu cầu nghiên cứu có hướng hoàn thiện 6 vấn đề đang còn bất cập, bao gồm: chưa tập trung việc tham mưu quản lý vấn đề vĩ mô; chưa gắn kết giữa xây dựng thể chế và tổ chức thi hành, chưa thực hiện được chức năng cố vấn pháp luật cho Chính phủ, UBND các cấp; phân cấp giữa Trung ương và địa phương đang rất lúng túng; mô hình tổ chức bộ máy còn cát cứ, xé lẻ; chưa triệt để thực hiện chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động tư pháp; ứng dụng công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế.