Đây là hai nét phác thảo lớn toàn cảnh thế giới 2015 được nhiều nhà quan sát thời sự chính trị quốc tế đồng tình, bởi đó cũng chính là hai “điểm nhấn” nổi bật nhất hành tinh xanh sau 365 ngày qua.
Giá dầu lao dốc
Theo báo cáo tài chính tại Đức, tính từ cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) diễn ra đầu tháng này tới nay, giá dầu thô Brent đã giảm tới 17%, dầu WTI giảm 16%. Trong khi đó, nếu tính từ cuộc họp của OPEC năm 2014 tại Vienna (Áo) đến nay, giá dầu của OPEC đã giảm tới 50%.
Sự bất đồng trong nội bộ OPEC dự kiến còn kéo dài, và các nước của tổ chức này sẽ đơn phương theo đuổi chính sách duy trì nguồn cung không có mức trần như hiện nay, bất chấp việc giá dầu ngày càng xuống thấp.
Iran, Venezuela, Ecuador, Algeria đã yêu cầu OPEC cắt giảm sản lượng để phục hồi giá. Tuy nhiên, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) lại phản đối. Trong khi đó, Iraq theo quan điểm trung lập nhưng trên thực tế vẫn tiếp tục tăng sản lượng khai thác.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh sẽ bị hụt thu 300 tỷ USD từ dầu trong năm 2015.
Tuy nhiên, quan điểm của Saudi Arabia là giữ sản lượng để bảo vệ thị phần, không để mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, Saudi Arabia còn duy trì quan điểm về sản lượng dầu không đổi này để phục vụ các mục đích chính trị đối ngoại hiện nay ở Trung Đông, trong đó có thể kể đến việc muốn kiềm chế Nga và Iran.
Cuộc họp tháng 12/2015 vừa qua của OPEC cũng đã làm cho thị trường không còn hy vọng về sự phục hồi của giá dầu trong ngắn hạn, đồng thời tác động mạnh tới xu hướng giảm của giá cả hàng hóa nói chung trong thời gian gần đây.
Năm 2015, Saudi Arabia - nhà sản xuất dầu lớn nhất trong OPEC - cùng với Iraq đã khai thác một lượng dầu ở mức kỷ lục.
Trong khi đó, nguồn cung dầu toàn cầu còn đang được bổ sung thêm từ một nguồn khổng lồ khác là Iran sau khi lệnh trừng phạt cấm xuất khẩu dầu của phương Tây đối với nước cộng hòa Hồi giáo này được dỡ bỏ nhờ thành công của cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân. Iran đang thực hiện tốt những yêu cầu của nhóm P5+1 và các lệnh trừng phạt sẽ sớm được dỡ bỏ hoàn toàn, tạo điều kiện cho Iran nhanh chóng bung lượng dầu lớn đang có của mình ra thị trường trong thời gian tới.
Tình hình chính trị ở Lybia cũng bớt bất ổn hơn và sản xuất dầu của nước này được dự báo có thể sớm trở lại mức bình thường như trước đây. Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng gấp đôi trong vòng 6 năm qua, và nước này hiện gần như không có nhu cầu đối với dầu nhập khẩu.
Cuối tuần trước, Quốc hội Mỹ cũng bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ tồn tại suốt 40 năm qua.
Những yếu tố này làm cho dầu mỏ của các nước Trung Đông, Bắc Phi như Nigeria, Algeria không xuất được vào thị trường Mỹ mà chuyển sang giao dịch ở thị trường châu Âu, châu Á và cạnh tranh quyết liệt về giá tại đây.
Do đó, thị trường dầu quốc tế rơi vào tình trạng dư thừa nguồn cung, trong khi các nước xuất khẩu dầu lớn như Saudi Arabia trong OPEC hay Canada, Nga ngoài OPEC đều quyết tâm giữ sản lượng ở mức cao để duy trì thị phần, thay vì chú trọng đến yếu tố giá. Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) đánh giá nguồn dự trữ dầu toàn cầu năm 2016 sẽ tiếp tục tăng, mặc dù có thể ở tốc độ chậm hơn năm 2015.
Tác động mạnh
Dầu thô giảm giá kéo dài tác động hết sức tiêu cực tới những hãng sản xuất dầu và các lĩnh vực liên quan đến dầu. Tính trong nửa năm qua, hơn 200.000 người lao động trong ngành khai thác dầu toàn cầu đã phải nghỉ việc, nhiều hoạt động sản xuất và khai thác cũng bị ngừng trệ. Đối với nhiều quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu như Venezuela, Brazil, Ecuador, Nigeria, Nga... sự sụt giảm giá dầu đang tác động tiêu cực toàn diện tới nguồn thu và tăng trưởng kinh tế của những nước này.
Các nước vùng Vịnh cũng phải cắt giảm đầu tư trên toàn cầu cũng như giảm bớt các dự án phát triển xã hội xa hoa của mình. Tại Mỹ, một số bang có nguồn dầu lớn như Alaska, North Dakota, Texas, Oklahoma và Lousiana cũng đang đối mặt với một số vấn đề về kinh tế.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là khi giá dầu thô xuống thấp sẽ tác động tới các sản phẩm phái sinh từ dầu, và giá của những sản phẩm này cũng đang bị tác động mạnh. Các nhà máy lọc dầu trên thế giới cũng đang sản xuất dầu diesel và xăng nhiều hơn so với nhu cầu của thị trường.
Trong khi đó, sự khởi đầu một mùa đông mới không quá khắc nghiệt như hiện nay cũng đang làm giảm nhu cầu sử dụng dầu hỏa. Giá khí đốt trên thị trường Mỹ hiện cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002.
IS bành trướng
IS đã và đang mưu đồ bành trướng ra khắp thế giới |
Ông Richard Barrett, cựu lãnh đạo các hoạt động chống khủng bố toàn cầu của Anh và hiện là Phó Chủ tịch “Soufan Group” có trụ sở tại New York (Mỹ) khẳng định: “IS đã lan rộng ra toàn cầu”. Ông Barrett chia sẻ với hãng tin AFP rằng các chính khách cảm thấy vấn đề IS “thực sự rất khó giải quyết”.
Ông nói: “Người dân đang lo sợ, và mục tiêu của chủ nghĩa khủng bố là khiến người dân lo sợ. Rất khó cho các chính trị gia để có thể giải quyết được vấn đề khi người dân của họ đang hoảng sợ. Hơn nữa, tại thời điểm này, việc điều động những chiếc máy bay ném bom (đến Syria và Iraq) chẳng những không giải quyết được vấn đề mà thậm chí còn khiến tình hình xấu hơn”.
Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất giữa IS và các tổ chức khủng bố cực đoan hoạt động trước IS chính là tổ chức này có thể huy động các “điệp viên” của họ từ “Caliphate” (Vương quốc Hồi giáo), cũng như những người có cảm tình với IS ở những quốc gia mà tổ chức này đang tấn công.
Vào những ngày cuối cùng của năm 2015, bang California dường như cũng trở thành một mục tiêu tấn công khi cặp vợ chồng Syed Farook và Tashfeen Malik đã dùng súng bắn chết 14 người ở San Bernardino.
Mặc dù sự vụ hiện vẫn đang trong quá trình điều tra nhưng cặp vợ chồng này dường như đã là “những phần tử quá khích” trước khi tiến hành vụ thảm sát và hoàn toàn không liên lạc trực tiếp với IS.
Một mối đe dọa khác đến từ các phần tử thánh chiến Hồi giáo “Anh em Kouachi”, những kẻ đã tiến hành vụ tấn công tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo ở Paris hồi tháng 1/2015 khiến 12 người thiệt mạng. Hung thủ Said và Cherif Kouachi đã từng được đặt vào tầm giám sát trong một vài thời điểm, song chúng đã “thoát khỏi tầm ngắm” và dường như không còn bị coi là mối đe dọa trước khi bất ngờ thực hiện vụ tấn công.
Lực lượng an ninh tại những quốc gia mục tiêu, dù đã được tăng cường, hiện đang gặp nhiều khó khăn. Ông Bruce Riedel thuộc Viện Brookings tại Washington cho biết: “Mọi cơ quan an ninh châu Âu mà tôi đã nói chuyện hồi năm 2014 đang “cực kỳ lo sợ” vấn đề các chiến binh nước ngoài, và gần như họ đều không có giải pháp nào cho vấn đề này”.
Mỗi tháng có hàng trăm người dân châu Âu dễ dàng gia nhập IS tại Syria và Iraq - thường thông qua con đường Thổ Nhĩ Kỳ - và một số kẻ này sau đó đã trở về nước với tư tưởng cực đoan. Ông Riedel khẳng định việc xác định danh tính toàn bộ những kẻ đó là điều bất khả thi.
Theo Giáo sư Jean-Pierre Filiu thuộc Đại học Khoa học Po ở Paris (Pháp), Saudi Arabia mới đây đã tuyên bố thành lập một liên minh bao gồm 34 quốc gia chiến đấu chống IS, song một chiến thuật hợp tác quốc tế nhằm chiến đấu với những mối đe dọa mà tổ chức này gây ra dường như vẫn còn xa vời.
Ông nói: “Các vụ tấn công tại Paris và San Bernardino đã cho phương Tây thấy rằng IS có thể tấn công bất cứ lúc nào. Và có thể thấy rằng nước Pháp, mặc dù đã có sự ủng hộ của Anh và Đức nhưng vẫn chưa có được sự ủng hộ tích cực từ các nước châu Âu khác”.
Trong khi đó, Mỹ đang theo đuổi một chiến lược dài hơi về tấn công IS, “cho phép IS có điều kiện phát triển các mạng lưới liên quốc gia”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện đã triển khai vũ trang mạnh mẽ ở Syria, khẳng định rằng chiến dịch quân sự của Nga nhằm tiêu diệt IS và các nhóm thánh chiến khác. Tuy nhiên, những thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã phàn nàn rằng Nga chủ yếu đang tấn công các nhóm chống đối Tổng thống Bashar al-Assad, và các tổ chức phi chính phủ đã thông báo tỷ lệ dân thường bị thương vong ở mức cao.
Theo nhà chính trị học Gilles Kepel, tại Pháp, IS đã tuyên bố rằng tổ chức này mong muốn các vụ tấn công khủng bố sẽ làm chia rẽ cộng đồng, đẩy xã hội “bị rơi vào nội chiến”. IS tin rằng chúng có thể tuyển được nhiều người cùng tôn giáo, bởi những người đó sẽ cảm thấy là nạn nhân của việc “kỳ thị Hồi giáo” - điều ngày càng trở nên gay gắt sau các vụ thảm sát do những kẻ thánh chiến gây ra.
Với 2 “điểm nhấn” giá dầu và sự bành trướng của IS, thế giới đã đi qua một năm với nhiều lo lắng, băn khoăn nhưng không hẳn đã hết hy vọng. Với sự hình thành của một liên minh hơn 30 nước thuộc thế giới Hồi giáo siết tay chống IS, cuộc chiến chống khủng bố đang kỳ vọng có bước ngoặt lớn.
Còn giá dầu lao dốc tuy có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của nhiều quốc gia song về mặt khác, lại kéo giảm chi phí sản xuất, xuất khẩu chịu thiệt nhưng nhập khẩu hưởng lợi, nhất là nhiều nguyên phụ liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất trong nước sẽ giảm khiến GDP tăng đáng kể…