Vợ chồng “ô sin” mạo danh ông bà chủ
Theo nạn nhân Nguyễn Thị Hoa, chủ sở hữu căn nhà bị chiếm đoạt (trên đường 1107, Phạm Thế Hiển, phường 5, Quận 8, TP.HCM), từ năm 1996, vì cần người giúp việc, bà nhờ một người bạn thân tìm giúp. Người này đã giới thiệu Nguyễn Thị Sót (53 tuổi) là bà con cột chèo của mình quê Bến Tre lên giúp việc nhà cho bạn.
Ngót 20 năm, người giúp việc này luôn chăm chỉ, hiền lành không để mất lòng gia chủ, nên gia đình bà Hoa luôn yêu quý cả nhà Sót như người thân trong nhà.
Nghĩ thương cảnh họ nghèo nàn, bà chủ đồng ý cho cả gia đình người giúp việc tá túc trong nhà mình. Không chỉ quán xuyến hết công việc nội trợ, Sót còn được gia chủ tin tưởng giao cất giữ những giấy tờ quan trọng.
Cũng như gia đình Sót, Nguyễn Hữu Vinh (30 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) là bạn thân của con bà Hoa nên luôn được xem như con cái trong nhà. Anh này thường xuyên lui tới nhà chơi, thông thuộc “đường đi lối về” và nhiều chuyện “nội bộ” trong gia đình bạn.
Đến giữa năm 2012, Vinh cùng vợ chồng Sót nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của gia đình bà Hoa. Vợ chồng quản gia lén lút đưa sổ đỏ căn nhà cùng giấy tờ tùy thân của vợ chồng bà chủ cho Vinh.
Vinh mạo danh con trai bà Hoa, liên hệ Phòng giao dịch Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) tại quận 10 hỏi thủ tục vay vốn. Sau khi nắm rõ cách thức lừa đảo, Vinh thông báo cho đồng bọn ra tay.
Vợ chồng Sót đóng giả làm ông bà chủ để ký các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cùng các giấy tờ liên quan.
Căn cứ vào giấy tờ, phương án sử dụng vốn vay, định giá đảm bảo tài sản, VP Bank đã cho vay 4 tỷ đồng với tài sản thế chấp căn nhà trên. Cơ quan chức năng xác định, trong tổng tiền lừa đảo này, Vinh hưởng 3,6 tỷ và vợ chồng Sót được 400 triệu đồng.
“Họ âm mưu thế nào, hành động ra sao gia đình tôi đều không biết chút gì. Gần 20 năm qua vợ chồng tôi chưa từng nghi ngờ người giúp việc trong nhà mình. Vợ chồng Sót nắm rõ từng ngóc ngách trong nhà tôi. Hơn nữa, sổ đỏ, hợp đồng làm ăn, giấy tờ tùy thân…chúng tôi đều bỏ trong tủ giao cho cô ấy trông coi, nếu có việc thì tôi gọi Sót đưa cho, còn lại không bao giờ kiểm tra. Nắm rõ thói quen như vậy nên họ đem sổ đỏ đi cầm, ăn tiêu tiền với nhau. Mãi hơn 1 tháng sau chúng tôi mới phát hiện ra”, nạn nhân cho hay.
Nhóm thủ phạm sau khi gây án, tìm cách lẩn trốn. Cầm 400 triệu đồng trong tay, vợ chồng Sót nói khéo xin về quê trông hồ cá giúp bà chủ. Tưởng họ một lòng lo lắng cho việc làm ăn của mình, lại có người “thân cận” về quản lý tài sản, người chủ vui vẻ bằng lòng. Về phía Vinh, vẫn tỏ ra như không có chuyện gì, thường xuyên tới “thăm nom” gia đình nạn nhân.
Ngân hàng liệu có vô can?
Vì sao sự việc được phát hiện? Đó là khi ngân hàng VP Bank gọi điện thoại cho nạn nhân: “Sao cô không lên lấy 1 tỷ vay còn lại”. “Tôi chẳng hiểu chuyện gì, nói: “Tôi có vay mượn gì đâu mà lấy?”. Đôi co một hồi họ vẫn khăng khăng nói gia đình tôi cầm sổ đỏ lên thế chấp ngân hàng 5 tỷ, đã rút 4 tỷ, tôi mới run bần bật.
Nhân viên ngân hàng lập tức xuống nhà xác minh thông tin. Họ trưng ra hồ sơ bằng chứng. Vợ chồng tôi nghi ngờ người giúp việc, gọi điện hỏi. Sót cho rằng: “Em mượn tiền mua thức ăn cho cá, nhưng chưa kịp nói với chị””, nạn nhân kể lại.
Ngoài 3 đối tượng trên, nạn nhân còn cho rằng vụ lừa đảo trót lọt một phần là do bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (56 tuổi, nguyên công chứng của phòng công chứng số 2 TP.HCM) đã không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về công chứng.
Cụ thể trong quá trình công chứng, bà Lan không hỏi rõ về nhân thân, không đối chiếu hình ảnh trong hộ chiếu với người có mặt, không đối chiếu chữ ký tại hộ chiếu với chữ ký của người giả danh. Từ đó công chứng viên đã chứng nhận sai về chủ sở hữu tài sản.
“Gia đình tôi cũng rất bức xúc phía ngân hàng. Rõ ràng chính nhân viên của họ đã tiếp tay tạo điều kiện cho mấy người lừa đảo trót lọt. Vợ chồng người giúp việc có bề ngoài, chữ ký hoàn toàn khác với giấy tờ chứng minh. Nếu vay chỉ vài triệu có thể nhân viên họ hơi lơ là. Nhưng thế chấp lên tới 5 tỷ thì họ không thể kiểm tra qua quýt?
Thế mà phía ngân hàng lại yêu cầu gia đình tôi chịu trách nhiệm trả số tiền 4 tỷ cho họ. Chúng tôi không đồng ý, họ còn “ngon ngọt” nói sẽ tiếp tục cho vay 4 tỷ với lãi suất 0,5 % để đắp trả khoản bị lừa kia cho ngân hàng”, nạn nhân bức xúc.
Sự việc đã qua thời gian dài, nhưng đến nay nạn nhân vẫn không dám thuê người giúp việc lạ hay tin tưởng bất kỳ ai. Bà lắc đầu vẻ sợ hãi: “Họ sống với mình lâu, có tình thương mà còn làm thế. Đúng là chúng tôi “nuôi ong tay áo””.
Đầu tháng 12 vừa qua, Công an TP.HCM đã hoàn tất hồ sơ điều tra chuyển VKS đề nghị truy tố Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Sót và Trương Văn Đê (57 tuổi, chồng Sót cùng ngụ tại Bến Tre) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Liên quan đến vụ án, còn có đối tượng Nguyễn Thị Ngọc Lan cũng bị đề nghị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
(Tên nạn nhân đã được thay đổi)