Sáu năm trước, nữ “đại gia” Nguyễn Thiên Lý (GĐ Cty TNHH Diva tại TP HCM) từng bị tuyên 2 năm tù về hành vi "cho vay nặng lãi" trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.
Từ cuối 2007, Lý đã chủ động đến gặp, nói có tiền cho Như vay. Ngoài vay lãi nặng, Như và Lý không hề có mối quan hệ làm ăn nào khác. Chỉ trong khoảng 3 năm, Lý cho Như vay hơn 554 tỉ với lãi suất từ 0,4-1,7%/ngày, sau đó thu lãi bất chính 414 tỉ.
Cũng trong vụ án này, hàng loạt “đại gia” cho vay nặng lãi khác tại TP HCM cũng đã bị lộ diện, như Đào Thị Tuyết Dung cho Như vay hàng trăm tỉ, thu lãi 174 tỉ. Hùng Mỹ Phương, Phạm Văn Chí… cho Như vay hàng chục tỉ với lãi suất 0,5-1,2%/ngày.
Thế nhưng trong đại án Huyền Như, vì có quá nhiều tình tiết và nhiều “vụ án trong vụ án” khác, nên thông tin về những vụ doanh nhân cho doanh nhân vay “cắt cổ” này không được dư luận quan tâm nhiều.
Trong vụ án đối tượng Phạm Thanh tại Đà Nẵng vừa bị bắt, có thể thấy thủ đoạn “đại gia” cho vay nặng lãi nay đã khác xưa nhiều. Một nữ doanh nhân bất động sản vay của Thanh 72 tỉ, thực nhận gần 68,7 tỉ, Thanh thu lãi trước gần 3,5 tỉ. Khi nữ doanh nhân mất khả năng chi trả, Thanh cho đàn em bắt giữ, đánh đập, ép viết giấy nhận nợ 122 tỉ, đồng thời phải bán 4 khu biệt thự và đất với giá thấp hơn giá thị trường cho Thanh.
Dù bị đánh đập, cưỡng đoạt tài sản, nhưng nạn nhân không dám trình báo. Sự việc chỉ bị phát hiện khi công an điều tra một vụ án khác mới phát hiện ra vụ cho vay lãi, cưỡng đoạt tài sản này.
Đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhiều ý kiến cho hay các đối tượng cho vay nặng lãi trong giới doanh nhân nay còn khác xưa ở chỗ có thể khoác vỏ bọc “doanh nhân sản xuất giỏi” với những thương hiệu sản phẩm rất nổi tiếng, nhưng thực chất nghề phi pháp cho vay nặng lãi mới là nghề mang đến những khoản “tiền tấn”.
Những đối tượng này cũng rất am hiểu luật pháp để nghĩ đủ trò “lách luật”, thường làm các hợp đồng giả cách, tiền vay sẽ được cắt lãi ngay từ đầu…
Trong giới thương nhân tại TP HCM, vẫn có thông tin rỉ tai cảnh báo nhau cho rằng có một doanh nhân khi bí tiền làm dự án, muốn vay một khoản tiền to “ngay và luôn”, đã tìm đến một “kẻ hút máu”, phải chấp nhận điều kiện làm hợp đồng giả cách chuyển nhượng dự án đó. Và khi “chủ nợ” nổi lòng tham, “con nợ” có thể bị chiếm đoạt mất trắng dự án, có giá trị lớn hơn gấp rất nhiều lần so với khoản tiền đã vay.
Giữa năm 2019, Thủ tướng đã có Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”. Thực tế hơn một năm qua cho thấy Bộ Công an và các địa phương đã thực hiện rất tốt công tác này, hàng ngàn đường dây cho vay cắt cổ đã bị triệt phá.
Mới đây, Chánh Văn phòng Bộ Công an tiếp tục khẳng định: "Tín dụng đen là loại tội phạm luôn nằm trong tầm ngắm của cơ quan đấu tranh chống tội phạm. Tội phạm cho vay nặng lãi hiện chiếm 22,6% các loại tội phạm, với các thủ đoạn đa dạng, ở hầu hết các địa phương, khu vực, là loại tội phạm nguy hiểm, mục tiêu đấu tranh của công an".
Với chủ trương, quan điểm rõ ràng như trên, dư luận tin rằng những nghi phạm khoác vỏ bọc “doanh nhân”, “đại gia”, chuyên cho vay nặng lãi đều đã đang trong tầm ngắm, sớm muộn không thoát sự trừng trị nghiêm khắc của pháp luật.