Loại bỏ các thủ tục giấy tờ
Cụ thể, Chính phủ Nhật Bản và 20 công ty lớn nhất trong nước đã giới thiệu một nền tảng kỹ thuật số để quản lý và tích hợp thông tin trong giao dịch thương mại, nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN cũng như thúc đẩy số hóa các thủ tục thương mại. Các doanh nghiệp tham gia dự án này bao gồm Mitsubishi Corp., Mitsui & Co., Nippon Express, NYK Line, Mizuho Bank, Sompo Japan Insurance, Tokio Marine & Nichido Fire Insurance.
ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Nhật Bản sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETO), thương mại giữa Nhật Bản và ASEAN đạt 214 tỷ USD trong năm 2019, với nhập khẩu đạt 108 tỷ USD, xuất khẩu đạt 106 tỷ USD, giảm so với 226,5 USD tỷ trong năm 2018.
Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên thực hiện việc chạy thử nghiệm hệ thống mới dựa trên công nghệ blockchain, bắt đầu vào mùa thu năm 2020, sau đó sẽ được mở rộng cho 9 thành viên khác trong khối thương mại Đông Nam Á.
Hiện tại hầu hết các thông tin liên quan đến lô hàng, thanh toán, bảo hiểm và các thủ tục hải quan đều dựa trên giấy tờ và sử dụng các tiêu chuẩn khác nhau. Nền tảng mới nhằm mục đích thống nhất các tiêu chuẩn hồ sơ trên toàn diện và giảm chi phí cũng như thời gian cần thiết để xử lý các thủ tục xuất nhập khẩu. Hệ thống cũng sẽ xác định các điểm nghẽn tiềm ẩn trong quy trình chuỗi cung ứng bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu trong quá khứ liên quan đến các giao dịch, như xác định nhà cung cấp thay thế hoặc công ty vận chuyển trong trường hợp chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Nền tảng này sẽ giảm thiểu và loại bỏ nhu cầu trao đổi tài liệu ở dạng giấy. Chẳng hạn, hiện đại diện chuyên chở hàng hóa thường phát hành vận đơn đường biển (B/L) trên giấy. Thông thường B/L được phát hành thành ba bản chính, một bản cho người gửi hàng, một bản cho người nhận hàng và một bản cho chủ ngân hàng. Càng phát hành nhiều B/L thì nguy cơ gian lận, trộm cắp hàng hóa trái phép hoặc phát hành sai càng cao.
Công nghệ blockchain sẽ cho phép các B/L gốc ở dạng phi vật chất được gửi một cách an toàn, giảm sự chậm trễ và rủi ro giả mạo. Công nghệ này cũng có thể giúp số hóa các thủ tục phát hành tín dụng thư của ngân hàng và các hợp đồng bảo hiểm thương mại.
Đặc biệt, hoạt động này là một phần trong những sáng kiến rộng hơn của Nhật Bản nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất và giảm rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng trong tương lai khi xảy ra một "hiện tượng thiên nga đen" (đại dịch Covid-19) khác. Trước đó, hồi đầu tháng 4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố các gói kích thích kinh tế và nền tảng này thuộc một trong số các gói kích thích đó.
Trong gói kích thích khổng lồ trị giá 108 nghìn tỷ yên (992 tỷ USD) bao gồm một quỹ hỗ trợ kinh tế trị giá khoảng 2,4 tỷ USD để giúp tài trợ cho các doanh nghiệp địa phương, đưa ngành sản xuất từ Trung Quốc trở lại Nhật Bản hoặc chuyển sang các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Hệ thống mới cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia khu vực ASEAN.
Theo báo cáo "Thúc đẩy hướng tới hội nhập kỹ thuật số ASEAN" năm 2018 của Bain & Co., nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN chỉ chiếm 7% GDP, trong khi đó Trung Quốc là 16% và Mỹ là 35%. Báo cáo cũng chỉ ra tích hợp kỹ thuật số sẽ thúc đẩy, tăng tốc thương mại và tăng trưởng nội khối ASEAN. Đồng thời, hệ thống mới có thể kích thích gia tăng GDP trong khối ASEAN từ 800 tỷ USD đến 1.000 tỷ USD vào năm 2025.
Báo cáo còn cho biết hơn 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) xem các quy trình thương mại xuyên biên giới và cơ sở hạ tầng logistics là rào cản lớn nhất khi bán hàng ra nước ngoài thông qua các kênh kỹ thuật số, trong khi nhiều doanh nghiệp kỹ thuật số lại cho rằng các quy định về địa phương hóa dữ liệu là rào cản đối với thương mại số liền mạch.
Tầm nhìn của người Nhật
Nền tảng số này khi được triển khai càng thêm chứng cứ khẳng định vững chắc cho sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật Nhật Bản. Nhật Bản đã bắt đầu tiến hành những thúc đẩy bền vững ngay từ sau Cải cách Minh Trị năm 1869 để có thể trở nên tân tiến trong công nghệ như châu Âu và phát triển phong cách riêng của mình về chủ nghĩa tư bản công nghiệp.
Nhật Bản nổi tiếng với công nghiệp điện tử trên toàn thế giới và các sản phẩm điện tử của Nhật Bản chiếm một phần lớn trong thị trường thế giới, so với hầu hết các nước khác. Nhật Bản là một trong những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ, máy móc thiết bị, và nghiên cứu y tế với ngân sách lớn thứ ba thế giới về nghiên cứu và phát triển, đạt mức 130 tỷ USD, với hơn 677.731 nhà nghiên cứu. Nhật Bản có số các nhà khoa học đoạt giải Nobel nhiều nhất trên toàn châu Á.
Rất nhiều phát minh đến từ Nhật Bản có góp phần to lớn cho sự thay đổi của thế giới như công nghệ in 3D, chiếc bánh xe Toyota Corolla bán chạy nhất mọi thời đại, chiếc gậy selfie đầu tiên trên thế giới, hệ thống định vị trên ôtô hay hình ảnh Pokemon làm khuynh đảo thế giới. Nhìn vào những sáng tạo công nghệ này, cả thế giới phải ngả mũ trước những bước đi táo bạo, những phát minh công nghệ trước thời đại hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm của người Nhật.
Công nghệ Nhật Bản do đó có được lòng tin, xuất khẩu đi các quốc gia trên thế giới. Các thương hiệu Nhật cũng vì thế mà vươn xa trên toàn cầu, phát triển một cách bền vững. Có những thương hiệu đến từ Nhật Bản đã tồn tại hơn 100 năm nay như Kansai Paint.
Hay những phát minh trong các lĩnh vực điện tử, ô tô, máy móc, robot công nghiệp, quang học, hóa chất, chất bán dẫn và kim loại cũng là loạt đóng góp công nghệ quan trọng của Nhật Bản. Năm 2000, Nhật Bản dẫn đầu thế giới trong ngành khoa học robot, đây là quốc gia sở hữu hơn nửa số robot cho công nghiệp sản xuất (402.200 trong tổng số 742.500 robot). Nhật Bản đã phát minh ra QRIO, ASIMO và Aibo. Nhật Bản cũng là nước sản xuất ô tô lớn thứ hai trên thế giới (sau Trung Quốc, năm 2012) và là quê hương của 6 trong tổng số 15 nhà sản xuất ô tô lớn nhất toàn cầu cũng như 7 trong số 20 nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới.
Riêng với thương mại điện tử mà nền tảng số nêu trên là ứng dụng mới đây nhất được triển khai thì Nhật Bản luôn quan niệm hướng tới tạo ra một môi trường an toàn và thuận lợi cho việc sử dụng Internet để tiến hành các cuộc giao dịch như từ doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B to B), từ doanh nghiệp tới khách hàng (B to C)
Khi các mục tiêu chính của chiến lược Nhật Bản điện tử về cơ bản đã được thực hiện, Chính phủ đề xuất chiến lược “u-Japan” với mục tiêu chuyển từ hạ tầng chủ yếu dựa trên dịch vụ hữu tuyến sáng tạo ra mạng phổ cập kết nối liền mạch dịch vụ hữu tuyến và vô tuyến. Chữ u trong “u-Japan” không chỉ mang ý nghĩa là phổ cập mà còn là phổ quát, hướng đến người dùng.