10% chủ quan thì không phải là sự thật
Theo TS.BS. Võ Thành Liêm, khi có các triệu chứng như hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi… thì người dân thời @ có thể search Google và chẩn đoán bệnh. Khi “bác sĩ google” chẩn đoán là tăng huyết áp thì thực hiện theo chỉ dẫn chữa trị của “bác sĩ google”. Điều tai hại là gặp phải những trang quảng cáo cho thuốc chữa bệnh về huyết áp, 90% họ nói có thể đúng , tỷ lệ còn lại được dùng để nói về công dụng và cách dùng của thuốc đang được quảng cáo. Người đọc rất dễ thực hiện theo hướng dẫn này và tự chuốc họa vào thân mà không biết.
Còn người không trong vùng phủ sóng của @ thì rất dễ dàng ra tiệm thuốc tây khai bệnh và được bán cho vài viên hạ huyết áp, uống vào thì thấy triệu chứng thuyên giảm và dễ dàng đi đến kết luận hết sức sai lầm là bệnh này đơn giản, dễ chữa.
Chuyện này phổ biến đến mức hiện nay không ít nhà thuốc tây chủ động đo huyết áp miễn phí cho khách hàng như một cách chăm sóc thân thiết.
Tại buổi tư vấn chủ đề "Sống vui - sống khỏe cùng bệnh Tăng huyết áp" do Phòng khám bác sĩ gia đình thuộc ĐH YK PNT tổ chức ngày 05/05/2018, Ts. BS. Võ Thành Liêm cho biết, cần phân biệt hai khái niệm “tăng huyết áp” và “bệnh tăng huyết áp”. Không phải trường hợp nào “tăng huyết áp” cũng là “bệnh tăng huyết áp”.
Thuốc tây không phải là kẹo
Trong chuyên khoa y học gia đình, tăng huyết áp được phân loại thành tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát. "Tăng huyết áp nguyên phát" dùng để chỉ các trường hợp không xác định được bệnh nguyên gây tăng huyết áp rõ ràng. Đây mới là bệnh lý. “Tăng huyết áp thứ phát” có nguyên nhân là một số bệnh tác động lên thận, động mạch, tim, hệ nội tiết… và thậm chí do mất ngủ, căng thẳng tâm lý gây ra.
Theo Bs. Liêm, “tăng huyết áp thứ phát” thì không phải là bệnh lý. Giả sử, sau một đêm mất ngủ thì có thể tăng huyết áp. Trong trường hợp này, nếu vội vàng uống thuốc chữa bệnh tăng huyết áp thì mắc ít nhất 02 sai lầm: 1. Không chữa đúng gốc của triệu chứng; 2. Gây tụt huyết áp.
Để biết bệnh nhân tăng huyết áp loại nào thì “bác sĩ google” và nhân viên đứng quầy của nhà thuốc tây khó có thể xác định được. Việc này phải nhờ đến chuyên môn của bác sĩ chuyên khoa. Thuốc tây không phải là kẹo để mà nói rằng uống không bổ dọc thì cũng bổ ngang. Thuốc không phù hợp với cơ địa hoặc chống chỉ định… có thể gây những biến chứng nghiêm trọng.
TS.BS. Võ Thành Liêm cũng cho biết thêm hiện nay phòng khám bác sĩ gia đình đang được bộ Y tế nhân rộng trên toàn quốc, bệnh nhân tăng huyết áp nên đến với loại hình phòng khám này để được theo dõi chặt chẽ và điều trị đúng phác đồ./.