Trả lời:
Để nhận được di sản thừa kế của cha mẹ thì anh em bạn cần tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật như sau:
Hồ sơ pháp lý các bên khai nhận di sản thừa kế:
- CMND hoặc hộ chiếu (bản chính kèm bản sao) của từng người;
- Hộ khẩu (bản chính kèm bản sao);
- Giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận hôn nhân thực tế hoặc xác nhận độc thân (bản chính kèm bản sao);
- Hợp đồng ủy quyền (bản chính kèm bản sao), giấy ủy quyền (nếu xác lập giao dịch thông qua người đại diện);
- Giấy khai sinh, Giấy xác nhận con nuôi; bản án, sơ yếu lý lịch, các giấy tờ khác (bản chính kèm bản sao) chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người thừa kế.
Hồ sơ pháp lý của người đề lại di sản thừa kế:
- Giấy chứng tử (bản chính kèm bản sao) của người để lại di sản, giấy báo tử, bản án tuyên bố đã chết (bản chính kèm bản sao);
- Giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận hôn nhân thực tế hoặc xác nhận độc thân (bản chính kèm bản sao);
Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản là di sản thừa kế.
* Đối với bất động sản:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình trên đất, các loại giấy tờ khác về nhà ở (bản chính kèm bản sao); Văn tự bán nhà được UBND chứng nhận (nếu có); Biên lai thu thuế nhà đất (nếu có);
- Giấy phép xây dựng (nếu có);
- Biên bản kiểm tra công trình hoàn thành (nếu có);
- Bản vẽ do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện, đã được UBND hoặc Phòng Tài nguyên và môi trường xác nhận kiểm tra nội nghiệp, quy hoạch (nếu có);
* Đối với động sản:
Giấy tờ về tài sản khác (Sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, giấy xác nhận của ngân hàng mở tài khoản, giấy đăng ký xe ô tô, cổ phiếu, ...);
Thủ tục:
Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi có bất động sản của người để lại di sản.
Sau 30 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản khai nhận di sản thừa kế theo Điều 58 Luật Công chứng năm 2014. Việc khai nhận di sản thừa kế sẽ được thực hiện tại văn phòng công chứng, sau thời gian niêm yết công khai tại nơi có bất động sản nếu không có bất cứ tranh chấp nào thì lúc đó Văn phòng công chứng sẽ tiến hành xác lập vào Văn bản khai nhận di sản thừa kế và lúc đó những đồng thừa kế sẽ có quyền đối với khối di sản do bố mẹ để lại.
Sau khi lập văn bản khai nhận di sản thừa kế, đối với di sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, và các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì tiến hành thủ tục sang tên đối với các tài sản này.
Việc sang tên quyền sử dụng đất tại Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã nơi có đất theo thủ tục sau:
- Bên thừa kế nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện (nếu là cá nhân), cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh (nếu là tổ chức). Nếu bên thừa kế không có di chúc hoặc bản án thì phải đến công chứng làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế hoặc chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Trường hợp có tranh chấp thì phải giải quyết xong tranh chấp.
- Căn cứ vào hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở sẽ kiểm tra, xác định vị trí thửa đất và gửi cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có);
- Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà ở sẽ gửi thông báo nộp thuế để chủ nhà đi nộp nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế (nếu chủ nhà không thuộc diện phải nộp hoặc được miễn nộp nghĩa vụ tài chính thì không có bước này).
- Sau khi đã nộp thuế, chủ nhà nộp biên lai thu thuế, lệ phí trước bạn cho cơ quan quản lý nhà ở để nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở. Thời gian làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho người mua tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian này không tính vào thời gian chủ nhà đi nộp các nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước.
Hồ sơ đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
- Các giấy tờ về thừa kế như: Di chúc, Văn bản khai nhận di sản thừa kế (có công chứng nhà nước);
- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà của người để lại di sản;
- Bản sao Giấy khai sinh của người thừa kế của người chết làm cơ sở miễn nộp nghĩa vụ tài chính (thuế thu nhập cá nhân).
- Giấy chứng tử;
- Tờ khai nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và Tờ khai nộp lệ phí trước bạ nhà đất. (Lệ phí trước bạ là 0,5% theo quy định của Nghị định 45/2011/NĐ-CP ngày 17/06/2011. Giá đất để tính lệ phí trước bạ là giá đất do UBND tỉnh ban hành áp dụng tại thời điểm đăng ký nộp lệ phí trước bạ). Bạn có thể liên hệ với Phòng Tài Nguyên Môi Trường nơi có mảnh đất đó để biết rõ hơn về trình tự thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trân trọng!