Nghịch lí này được lí giải do việc khai thác tài nguyên khoáng sản đang diễn ra thiếu minh bạch, gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách.
Giấu trữ lượng để “né” phí
TS Lê Ái Thụ - Ủy viên Tổng hội Địa chất Việt Nam cho biết, khoáng sản là tài nguyên không thể tái tạo, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau nhằm phát triển kinh tế. Vì vậy, việc sử dụng khoáng sản hợp lí, tiết kiệm là nhiệm vụ chung của mọi người dân và doanh nghiệp (DN). Cũng theo ông Thụ, khoáng sản là tài sản sở hữu chung của toàn dân, Nhà nước chỉ là đại diện chủ sở hữu. Do đó, các DN được Nhà nước cho phép khai thác khoáng sản có trách nhiệm minh bạch hóa thông tin và phải nộp ngân sách nhà nước.
Hiện nay, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của các DN khai khoáng được cụ thể hóa bằng việc nộp các loại thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng; phí môi trường. Từ năm 2014, DN phải nộp thêm phí cấp quyền khai thác khoáng sản. Theo đánh giá, việc thu thêm khoản phí này nhằm tăng thu ngân sách quốc gia đối với DN khai khoáng trong bối cảnh giá trị nộp ngân sách nhà nước của các DN này ngày càng giảm.
TS Lê Ái Thụ cho biết, việc tăng thu ngân sách đối với các DN khai khoáng là cần thiết, tuy nhiên thu vào giai đoạn khai thác nào cần tính toán hợp lí để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích chủ đầu tư. Ông Thụ dẫn chứng, nhiều DN buộc phá sản do phải nộp trước quá nhiều loại thuế, phí, trong khi vận hành khai thác, trữ lượng khoáng sản không lớn như dự báo. “Thế nên phải tính toán xem thời điểm nào cần thu phí, thuế của DN khai khoáng cho thích hợp, tránh đẩy DN vào cảnh khó khăn, phá sản”, ông Thụ nhấn mạnh.
Phí cấp quyền khai thác khoáng sản liên quan đến dự báo trữ lượng khoáng sản. Trữ lượng càng lớn thì DN có nghĩa vụ nộp phí càng nhiều. Một vấn đề tiêu cực nảy sinh, DN công bố trữ lượng khoáng sản thấp hơn so với thực tế để “né” phí quyền khai thác. Từ đây, một loạt tiêu cực khác có thể nảy sinh, khiến việc minh bạch trong khai thác khoáng sản không được công bố, gây thất thu cho Nhà nước.
“Xót ruột” vì khoáng sản bị vứt bỏ
Một vấn đề khác mà nhiều đại biểu quan tâm là việc lãng phí tài nguyên có chất lượng thấp. Theo đó, trong quá trình khai thác khoáng sản, đa phần các DN chỉ thu lại những sản phẩm có chất lượng cao, còn những sản phẩm có chất lượng thấp hơn thường đổ bỏ.
Theo đánh giá, những tài nguyên bỏ đi này vẫn có nhiều giá trị, tuy nhiên để sử dụng được đòi hỏi DN phải đầu tư máy móc, công nghệ, nhân lực. Việc này sẽ “ngốn” một khoản chi phí lớn. Do bài toán tài chính mà các DN bỏ phí nguồn tài nguyên này, khiến chúng chỉ là đống rác. “Điều này lợi cho bài toán doanh thu DN nhưng lại gây lãng phí tài nguyên quốc gia”, TS Thụ nhấn mạnh.
TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) cũng như nhiều chuyên gia khác đồng quan điểm, thất thu ngân sách từ khai khoáng là rất lớn. Kẽ hở để thất thu một phần do những nguồn thu như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường được thu dựa trên số liệu tự khai của DN. Một lí do khác là việc khai thác lậu, xuất khẩu trái phép tài nguyên cũng là nguyên nhân gây thất thu.
TS Võ Trí Thành cho rằng, việc đánh giá trữ lượng khoáng sản đang có nhiều vấn đề. Từ việc đánh giá trữ lượng ít hơn so với thực tế sẽ nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, thiếu minh bạch trong khai khoáng. Liên quan đến việc dư luận hiện nay bức xúc vì tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, ông Thành cho rằng lợi nhuận từ việc khai thác cát sỏi đem lại lợi nhuận rất lớn cho DN. Một nguyên nhân khiến việc quản lí kinh doanh cát sỏi gặp khó khăn là do khó xác định trữ lượng cát sỏi trên lòng sông.
“Khó tính toán trữ lượng thì khó có cơ sở để đánh thuế, phí DN, trong khi lợi nhuận trong lĩnh vực này đem lại rất nhiều nên dẫn đến tình trạng khai thác lậu trái phép, phức tạp”, ông Thành nói. Cũng theo TS.Thành, thất thoát trong khai thác cát sỏi là không hề nhỏ nếu so sánh với thất thoát trong khai thác than, thiếc, sắt…
Theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa được công bố, chi phí không chính thức của các DN khoáng sản luôn cao hơn từ 2% trở lên so với các DN ngoài ngành. Khảo sát cũng cho thấy, mặc dù ngành Khai khoáng luôn thông báo khó khăn, lãi ít, thậm chí thua lỗ nhưng qua hàng năm, họ vẫn mở rộng quy mô khai thác. Điều này cho thấy, thông tin kết quả khai thác chưa được minh bạch. Một lí lẽ thường tình trong kinh doanh là nếu liên tục lỗ hoặc lãi ít thì sẽ ngừng hoạt động hoặc chuyển hướng kinh doanh.