Mới đây, Bộ Công Thương đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam tổ chức tọa đàm trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp các tỉnh, thành phố về hệ sinh thái tận dụng các FTA, trong đó có hiệp định EVFTA trong lĩnh vực thuỷ sản.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thời gian qua, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết đóng góp tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng. Doanh nghiệp tận dụng được nhiều lợi thế thúc đẩy hoạt động giao thương, mang sản phẩm, hàng hoá đến với nhiều thị trường lớn trên thế giới, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.
Những năm qua hoạt động xuất nhập khẩu của Quảng Nam đối với nhóm hàng thủy sản đã từng bước được cải thiện và tăng dần tỷ trọng. Theo số liệu của Cục Hải quan Quảng Nam, giai đoạn 2020-2023 kim ngạch xuất khẩu 88 triệu USD, đạt tốc độ tăng trưởng 2,5%/năm. Trong 8 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu đạt trên 15 triệu USD, trong đó tập trung vào các mặt hàng: bạch tuộc, bánh nướng nhân thuỷ sản đông lạnh, cá các loại, mực, tôm đông lạnh, cá ngừ steak, cá khô tẩm gia vị.
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam - ông Hường Văn Minh phát biểu. |
Tuy nhiên, bên cạnh đó ngành thuỷ sản Quảng Nam cũng gặp nhiều khó khăn như: quy mô xuất khẩu còn nhỏ; hạ tầng chưa được đầu tư công nghệ hiện đại; thủy sản xuất khẩu chủ yếu là hàng thủy sản chế biến; giá trị gia tăng ngành thủy sản còn thấp; doanh nghiệp thủy sản có mô hình ứng dụng công nghệ cao đối với sản phẩm tôm còn ít và thiếu tính liên kết.
Theo ông Hường Văn Minh, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tăng dần thủy sản nuôi; đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi thủy hải sản công nghệ cao, hiện đại; hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp với các hộ nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, tăng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Mỹ để tận dụng được các lợi thế từ các hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA.
Tại Tọa đàm, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Quảng Nam cũng thừa nhận vẫn chưa tận dụng hết lợi thế và dư địa của các hiệp định thương mại tự do mang lại. Vì vậy, để tận dụng được các lợi thế của các hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công Thương tích cực hơn trong vai trò là cơ quan đầu mối về đàm phán và thực thi FTA, tiếp tục kết nối với bộ ngành, địa phương, hiệp hội và các bên liên quan tạo hệ sinh thái liên kết giúp ngành thủy sản tận dụng FTA hiệu quả.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) chia sẻ tại tọa đàm. |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đang lấy ý kiến các chủ thể, doanh nghiệp, địa phương để xem tính khả thi và những vấn đề nào cần triển khai. Trước mắt, Bộ sẽ làm thí điểm ở một số khu vực, ngành hàng. Nếu mô hình thành công thì việc xử lý những khó khăn sẽ hiệu quả hơn.
"Sự phối hợp giữa các chủ thể trong quá trình xây dựng hệ sinh thái đều hướng đến mục đích chung đó là giải quyết được bài toán nội bộ, để gia tăng được năng lực của các sản phẩm, ngành hàng và tận dụng được những cơ hội của thị trường mà Việt Nam đã có các FTA" - ông Khanh nói.
Cũng theo ông Khanh, mục tiêu của Hệ sinh thái tận dụng các FTA trong lĩnh vực thủy sản nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ các FTA; xây dựng văn hóa kết nối, hợp tác; thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Theo đó, hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành hàng thủy sản sẽ là cách tiếp cận mới, căn bản, quan trọng giúp doanh nghiệp xuất khẩu và toàn ngành thủy sản tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.