Thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều biện pháp khuyến khích cũng như là hỗ trợ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA. Việc đàm phán thành công và tham gia vào các FTA đã chứng tỏ năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là bệ phóng để phát triển với sân chơi quốc tế rộng lớn, luật chơi nghiêm ngặt thì đòi hỏi người chơi là các doanh nghiệp phải nỗ lực rất nhiều. Bên cạnh các chính sách, giải pháp hỗ trợ từ phía Nhà nước, những kết quả tích cực từ các FTA vẫn chờ các doanh nghiệp có đủ năng lực và chủ động thích ứng.
Tại tọa đàm Xây dựng Chương trình hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp tận dụng FTA, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, khi phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực thi, và sau đó tiếp tục triển khai kế hoạch tương tự cho các hiệp định EVFTA, UKVFTA, RCEP. Trong các kế hoạch này, một trong những nội dung quan trọng là xây dựng các chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
"Chúng tôi nhận thấy các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiện rất đa dạng. Đối với các Bộ, ngành, đó là những chính sách chung; ở cấp địa phương cũng có nhiều biện pháp thiết thực, với các chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, các chính sách xúc tiến thương mại là hình thức hỗ trợ phổ biến nhất." - ông Khanh nói.
Ông Ngô Chung Khanh cho hay, từ góc độ Bộ Công Thương, các bộ, ngành và địa phương đều tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại, bao gồm cả hình thức trực tuyến và trực tiếp. Đặc biệt, sau giai đoạn Covid-19, các sáng kiến xúc tiến trực tuyến đã chứng tỏ hiệu quả rõ rệt. Các hỗ trợ còn bao gồm việc kết nối với doanh nghiệp FDI – một nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch thực thi – nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị của các đối tác châu Âu cũng như các nước thuộc CPTPP.
Bên cạnh đó, các biện pháp hỗ trợ đa dạng từ khoa học công nghệ, tiếp cận công nghệ, đào tạo nhân lực, quản trị đến tín dụng đều được triển khai. Theo ông Khanh, các biện pháp này bao trùm nhiều ngành nghề, cả lĩnh vực xuất khẩu lẫn nhập khẩu, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ ở cả cấp trung ương và địa phương đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Tại tọa đàm, bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trên nhiều phương diện, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp đủ khả năng tham gia xuất khẩu. Các chính sách hỗ trợ trong luật đã được thực hiện qua các hoạt động cụ thể như đào tạo, tư vấn, nâng cấp doanh nghiệp.
Bà Thủy cho biết thêm, các chuyên gia đã được cử đến để đánh giá thực trạng doanh nghiệp, xác định những điểm yếu và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh, chiến lược hướng tới các thị trường mục tiêu, bao gồm cả các thị trường ngách. Các chuyên gia cũng hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của các FTA.
Tuy nhiên, bà Thủy cho rằng đây vẫn là một thách thức lớn, đặc biệt khi nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh qua các năm. Trong các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đã có những sáng kiến giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế, bao gồm việc hỗ trợ bán hàng qua các nền tảng thương mại điện tử và triển khai các chính sách tiếp cận thị trường.
"Trước đây, việc tiếp cận thị trường chủ yếu dựa vào thuế suất, nhưng với các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện nay, mức thuế giảm về 0 hoặc rất thấp. Thay vào đó, các quốc gia nhập khẩu áp dụng nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật làm rào cản, gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Những rào cản này không chỉ bao gồm các tiêu chuẩn về lao động hay môi trường mà còn là các yêu cầu kỹ thuật phức tạp và tinh vi mà nhiều doanh nghiệp chưa từng biết đến, phản ánh sự khắt khe từ các thị trường phát triển" - bà Thủy nhấn mạnh.
“Do đó, đã đến lúc, có thể nghiên cứu một chương trình chuyên sâu hơn, thiết kế riêng một gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp có cơ hội xuất khẩu để đáp ứng, tận dụng được FTA. Tóm lại, doanh nghiệp vẫn đang cần được hỗ trợ rất nhiều“ - bà Bùi Thu Thủy nói.
Bà Thủy gợi ý, có thể phối hợp với ngân hàng để thúc đẩy, tính chuyện cấp vốn theo chuỗi giá trị như một số quốc gia đã áp dụng. Tức là, doanh nghiệp không cần phải có quá nhiều tài sản thế chấp nhưng khi biết rằng doanh nghiệp đó đã tham gia được vào chuỗi và đã có nhà mua chờ sẵn thì ngân hàng vào cho vay với thế chấp chính bằng chuỗi giá trị này. Đó là một cách để giúp tháo gỡ được tài chính cho doanh nghiệp. Hay để đáp ứng được các tiêu chuẩn, cần tiếp tục hỗ trợ để nâng cấp doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp thay đổi quy trình, đáp ứng được các tiêu chuẩn từ thị trường nhập khẩu.
TS. Nguyễn Văn Thân - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng hội nhập mang đến cả cơ hội và thách thức. Dù các FTA như EVFTA giúp mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, đặc biệt là nông, lâm, thủy sản, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ yêu cầu và chưa khai thác tối đa cơ hội.
Theo ông Thân, hội nhập tạo áp lực, nhưng cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư bài bản hơn. Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực nâng cao chất lượng, tìm cách chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là thủ tục hành chính phức tạp và vốn vay chưa đáp ứng đủ.
Vì vậy để phát huy tiềm năng, ông Thân cho rằng, Chính phủ cần “đề pa” hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa – lực lượng có vai trò dẫn dắt, kéo các doanh nghiệp nhỏ hơn cùng phát triển, giúp họ vượt qua thách thức và phát triển bền vững trong quá trình hội nhập.