Tiềm năng lớn của thị trường sách điện tử Việt Nam
Theo thống kê do Cục An ninh văn hoá, thông tin truyền thông, Bộ Công an đưa ra, hiện nay Việt Nam có khoảng 40 triệu người dùng internet, chiếm khoảng 43% dân số, đứng thứ ba Đông Nam Á, thứ 7 châu Á và thứ 18 trên thế giới. Sử dụng internet đã trở thành thói quen không thể thiếu của đại bộ phận cư dân.
Đây cũng là một cơ sở cho sự phát triển của thị trường sách điện tử (ebook) trong nước với dự đoán xu thế sách điện tử sẽ thay thế thói quen đọc sách giấy trong thời gian không xa với những ưu điểm không thể phủ nhận: gọn nhẹ, lưu trữ cao, hình thức phong thú…
Trong những năm qua, sách điện tử Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh, chuyển dần từ tự phát và kinh doanh nhỏ lẻ sang chuyên môn hoá, đầu tư với quy mô lớn hơn với các chiến lược lâu dài. Ngoài sự tham gia của các đơn vị xuất phát điểm là cung cấp sách trực tuyến như Vinabook.com, Lạc Việt, Vinapo… thì các nhà xuất bản (NXB) chuyên sách truyền thống cũng đã vào cuộc.
Với sự đầu tư và chuẩn bị từ năm 2010, đến nay NXB Tổng hợp đã xuất bản xấp xỉ 1.000 đầu sách điện tử, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật cũng từng bước số hoá sách của mình và mục tiêu đến 2016 sẽ số hoá toàn bộ nguồn tài nguyên sách đã xuất bản từ 1945 đến nay, xấp xỉ 30.000 đầu sách. Đây sẽ là kho tư liệu đồ sộ và quý báu cho công tác lý luận, tư tưởng Đảng…
Một số NXB, đơn vị phát hành còn đề ra chiến lược lâu dài và đầu tư bài bản, như NXB Trẻ từ năm 2012 đã triển khai kinh doanh ebook thông qua đơn vị thành viên là Công ty Ybook, với bộ máy trẻ chuyên về làm sách điện tử và đã có doanh thu đáng kể trong ngành. Alpha Books - đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sách điện tử cũng đã cho ra đời hàng ngàn đầu sách, bên cạnh đó còn có audio book, bizsum (tóm tắt sách)…
Tại buổi hội thảo “Xuất bản và phát hành sách điện tử” diễn ra mới đây, người tham gia đã phải ngạc nhiên với sự trình bày những công nghệ mới nhất đang được ứng dụng để làm sách điện tử của các đơn vị làm sách như scan tự động lật trang không cần tháo gáy sách với tốc độ 2.500 trang sách/ giờ, công nghệ nhận diện tiếng Việt chính xác lên đến 99%...
Cần sự điều chỉnh của pháp luật
Các nhà làm sách trong nước đã chứng tỏ sự nhạy bén với xu thế. Tuy nhiên, với những chuẩn bị về nguồn lực và công nghệ khá kĩ càng như trên, thị trường ebook trong nước vẫn chưa thực sự bứt phá, theo kịp với thị trường các nước. Một trong những lý do đó là kinh doanh ebook, cũng giống như sách giấy, phải bước vào cuộc chiến với ebook lậu.
Theo đại diện đơn vị sách Phương Nam, trong khi đơn vị làm ebook có bản quyền còn đang mải mê với việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, thương thảo mua bản quyền thì các trang ebook lậu đã cung cấp đủ các định dạng ebook từ word đến PDF, epub…, đủ các nội dung từ sách kinh điển cho đến sách bán chạy vừa xuất bản, có trang còn miễn phí hoặc giá rất rẻ.
Th.S Nguyễn Nguyên - Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ, tình trạng vi phạm bản quyền, ebook lậu, không bản quyền bán phá giá hoặc bị cư dân mạng hồn nhiên chia sẻ chính là điểm mấu chốt ngăn chặn thị trường sách điện tử phát triển.
Còn thông tin từ đại diện Cục An ninh văn hoá, Thông tin truyền thông, Bộ Công an thì thời gian qua còn có hiện tượng các cá nhân, tổ chức thành lập các nhà xuất bản trên mạng trái phép, xâm phạm quyền tác giả, thậm chí còn phát tán các tài liệu điện tử chống phá Nhà nước…
Về mặt pháp lý, cho đến năm 2012 Việt Nam đã giải quyết được việc bảo vệ các ấn phẩm điện tử/sách điện tử theo Luật Xuất bản năm 2012. Luật Xuất bản là căn cứ pháp lý, đưa ra những định hướng rõ ràng để phát triển xuất bản sách điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo Th.S Vũ Thùy Dương - Trưởng Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mặc dù Luật Xuất bản đáp ứng được những thách thức do thay đổi công nghệ tới hoạt động xuất bản nhưng vẫn còn một số hạn chế.
Ví dụ như: từ ngữ xuất bản nói chung và xuất bản điện tử nói riêng trong luật mới được đề cập theo quy trình tạo ra xuất bản phẩm theo nghĩa sát với việc tạo ra một sản phẩm mà chưa đề cập đến mặt xã hội, công chúng của hoạt động.
Ngoài ra, một số vấn đề về mặt công nghệ gắn với xuất bản điện tử và xuất bản phẩm điện tử mới được đề cập ở mức độ tên gọi mà chưa có nội dung, cần có những giải thích và cụ thể hoá, tham chiếu thêm các luật khác liên quan tới quản lý bản quyền xuất bản phẩm điện tử.
Chắc chắn khi thị trường sách điện tử vẫn đang ở bước đầu và còn nhiều “hỗn mang” thì cần nhất là luật được áp dụng sâu sát với thực tiễn và điều chỉnh những điều “lệch chuẩn”. Một khi những bất cập được giải quyết, tin chắc rằng thị trường sách điện tử Việt Nam sẽ có đà để phát triển mạnh mẽ.