Lò luyện thưa thớt, thí sinh vắng bóng...
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến kì thi THPT Quốc gia - thời gian nước rút để học sinh lớp 12 có thể ôn và lấp đầy kiến thức phục vụ cho các cuộc đua "căng não".
Vài năm trước, thời điểm này, học sinh "nháo nhào" đi tìm trung tâm luyện thi để cấp tốc "nhồi nhét" kiến thức, tuy nhiên, từ khi Bộ giáo dục áp dụng hình thức thi “hai trong một”, dường như các lò luyện dần “chết yểu”.
Khu vực ĐH Sư Phạm, ĐH Quốc gia, vốn tập trung khá nhiều "lò luyện" trước đây nhưng hiện chỉ còn rất ít "lò" hoạt động. Tại trung tâm khá nổi tiếng của thầy C. chỉ lớt phớt một vài học sinh đến đăng ký. Nữ tiếp danh tại trung tâm cho biết: “Từ năm ngoái đến nay lượng học sinh đến học không còn đông như xưa, học sinh ngoại tỉnh lại càng vắng, học viên chủ yếu là học sinh học và ôn luyện từ đầu năm, việc luyện thi cấp tốc rất hiếm”.
Chị này thông tin thêm, “hiện tại, trung tâm chỉ hoạt động vào chiều thứ 6 và cả ngày thứ 7, chủ nhật. Mỗi ca học chỉ có 20 học viên”.
Phố Tạ Quang Bửu, thuộc địa phận ĐH Bách Khoa Hà Nội, từng được biết đến là "thánh địa" của lò luyện thi khối A. Tuy nhiên, tình trạng quảng cáo rầm rộ không còn, thay vào đó, một số trung tâm còn hoạt động nằm sâu trong các ngóc ngách, học viên cũng rất thưa thớt.
Trung tâm luyện thi T.L., được truyền miệng là "chất lượng luyện thi bậc nhất tại Hà Nội", rơi vào tình trạng tương tự. “Năm nay trung bình một ca dao động 20- 25 học viên, không bằng một phần so với các năm về trước. Tại nhiều ca chỉ 10-15 học viên”, một giảng viên của Trung tâm luyện thi T.L cho biết.
Chương trình ôn luyện tại trường "hút" học sinh
Điểm thi THPT quốc gia hiện vừa để tính kết quả tốt nghiệp, vừa phục vụ cho việc xét tuyển CĐ- ĐH, vì vậy, hầu hết các trường THPT đều đầu tư mạnh trong việc xây dựng nội dung ôn tập cũng như việc chọn và nâng cao kỹ năng giảng dạy cho giáo viên.
Theo chia sẻ của một giáo viên phụ trách ôn luyện thuộc nhóm tổ hợp môn xã hội tại một trường THPT ở Hà Nội, việc đổi mới trong chương trình và nội dung thi của Bộ GD và ĐT được Ban Giám hiệu, Ban chuyên môn nhà trường rất chú trọng. Ngay từ đầu năm học, Nhà trường đã có định hướng cho giáo viên và học sinh khối lớp 12 nội dung cần ôn tập, đồng thời trong quá trình dạy học và ôn tập cho học sinh, giáo viên ở tất cả các bộ môn đều tích cực tìm tòi và xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ cho việc ôn thi đạt hiệu quả cao nhất.
"Thực tế, thầy cô trực tiếp giảng dạy trong trường chính là những người hiểu rõ về học lực mỗi học sinh. Ngoài những kiến thức giờ học chính khóa, thì giáo viên sẽ tổ chức chương trình ôn luyện để giảng dạy phù hợp nhất với sức học học sinh của mình”, giáo viên trên nói.
Thực tế, thay vì phải chen chúc mệt mỏi trong các "lò luyện" thi, phần lớn học sinh lớp 12 hiện chọn học ôn tại lớp, tại trường của mình.
Lê Thị Phương, học sinh lớp12A6 trường THPT Nam Trực (Nam Định) chia sẻ: "Với hình thức thi mới của Bộ, ở trường có nhiều đổi mới trong việc ôn luyện theo hình thức thi trắc nghiệm. Hầu hết thầy cô ôn luyện đều được lựa chọn là những thầy cô có chuyên môn và nhiều năm kinh nghiệm, do vậy không chỉ riêng em mà hầu hết các bạn trong lớp đều chỉ học và ôn thi tại trường chứ ít đi học ở các lò luyện thi bên ngoài”.