Con trai tôi sinh ra ở Mỹ do một người mẹ Trung Quốc và người cha gốc Anh. Thằng bé có thể nói thành thạo tiếng Trung, dùng đũa, nói “lift" thay vì "elevator” (cả 2 từ đều chỉ thang máy nhưng lift là kiểu Anh còn elevator là kiểu Mỹ), thưởng thức ngũ cốc Weetabix và bánh ngọt Crumpet Anh vào bữa sáng, nhưng lại coi New York là nhà.
Có nhiều cách để nuôi dạy con cái trong môi trường đa văn hóa và ngôn ngữ như vậy. Trong năm năm qua, tôi đã đọc rất nhiều sách dạy làm cha mẹ, nhưng tôi không tin rằng như thế sẽ làm bạn trở thành cha mẹ hoàn hảo. Chúng ta không thể chọn cha mẹ cho mình, nhưng chúng ta có thể chọn kiểu cha mẹ chúng ta muốn trở thành, bất kể bối cảnh văn hoá của như thế nào.
Dưới đây là bốn sự khác biệt chính trong cách cha mẹ Trung Quốc và cha mẹ Mỹ nuôi dạy con cái của họ:
Cổ vũ con cái
Cha mẹ Mỹ thuờng khuyến khích con cái khi nói "Tốt lắm!" hay "Con thật tuyệt vời – Bố mẹ rất tự hào về con!". Cha mẹ Trung Quốc thì hướng đứa trẻ của họ vào triết lý rằng "Sự khiêm tốn dẫn tới tiến bộ. Còn sự tự phụ làm lui buớc con người về phía sau”.
Tôi nhớ cha tôi thường nói "Con có thể làm tốt hơn trong thời gian tới nếu con làm việc chăm chỉ hơn" và tôi lại tự hỏi tại sao người Mỹ lại luôn cổ vũ con cái nhiều hơn thay vì nói như vậy.
Điều đó đã thay đổi khi tôi đọc cuốn "Những đứa trẻ thông minh nhất thế giới" của Amanda Ripley và thấy cách chúng đạt được điều đó như thế nào. Ripley giải thích rằng trong những năm 1980 và 1990, phụ huynh và giáo viên Mỹ bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng cho rằng lòng tự trọng của con trẻ cần được bảo vệ khỏi những cuộc cạnh tranh để chúng có thể thành công.
Từ đó, nghiên cứu chỉ ra rằng sẽ tốt hơn nếu cha mẹ hoan nghênh nỗ lực của trẻ em (chứ không phải là tài năng của chúng). Tôi đã dùng những lời khen ngợi này với con trai tôi, và câu trả lời của nó làm tôi bật cười: "Vâng, bởi vì con đã làm việc thật chăm chỉ và sử dụng trí não của mình"
Dẫn dắt con trẻ
Một trong những hiểu biết đầu tiên của tôi về các cách làm cha mẹ khác nhau giữa văn hoá Mỹ và Trung Quốc là cách họ cho trẻ em dùng dụng cụ vệ sinh.
Ở Trung Quốc, việc những đứa trẻ bắt đầu ngồi bô là công việc do cha mẹ dẫn dắt. Những tại thời điểm đó, những em bé Mỹ chỉ sử dụng tã lót mà thôi.
Nhiều cha mẹ Mỹ nói với tôi rằng "Theo sau con để chúng dẫn đầu". Bác sĩ nhi khoa của chúng tôi cũng bảo đảm rằng bắt đầu ngồi bô sau 3 tuổi là hoàn toàn bình thường đối với một đứa trẻ.
Sự chênh lệch này thể hiện xu hướng lớn hơn về văn hóa nuôi dạy con cái. Người Mỹ cố gắng tôn trọng cá tính và các dấu hiệu tự nhiên của trẻ, trong khi cha mẹ Trung Quốc có xu hướng huấn luyện càng sớm càng tốt và đẩy trẻ em đi theo.
Thành tích
"Bố mẹ không phải lúc nào cũng nói cho con biết phải làm gì, đúng không?" con trai đã hỏi tôi sau khi trở về từ “Liên hoan phim thiếu nhi quốc tế” ở New York.
"Bây giờ mình có thể, nhưng 10 năm nữa thì sao?" Tôi tự nhủ.
Văn hoá Nho giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của cá nhân đối với gia đình, xã hội và với những người khác, vì vậy cha mẹ Trung Quốc luôn hy vọng và đưa ra quyết định cho thế hệ tiếp theo. Gần như mọi đứa trẻ lớn lên trong một gia đình Trung Quốc đều nghe cha mẹ chúng nói "Bố mẹ làm tất cả những điều này là vì con!"
Một câu chuyện bi thảm của một gia đình nhập cư rõ ràng chính là thực tế của mối quan hệ cha-con Trung Quốc truyền thống.
Paul Li đã nói với con trai Calvin rằng cậu sẽ không bao giờ trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp bởi vì họ là người Trung Quốc và yêu cầu Calvin tập trung vào việc học của mình. Và Calvin đã qua đời trong một tai nạn xe hơi ngay trước khi cậu bắt đầu vào đại học.
"Mặc dù tôi biết có lẽ thằng bé sẽ không thể trở thành một cầu thủ bóng đá thực sự nhưng cách tôi phá vỡ giấc mơ của nó khi còn nhỏ ... và tôi biết chắc, nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc khác cũng đang làm như vậy với con của họ và tôi không bao giờ muốn điều đó xảy ra ", ông Li nói.
Cách giao tiếp khác nhau
Có một cách mà cha mẹ người Mỹ thấy về những kì vọng của con cái đối với họ khi còn nhỏ: Playdate.
Playdate là hoạt động vui chơi, kết bạn cho trẻ em do các bà mẹ tự sắp xếp thời gian rảnh rỗi để đến thăm một gia đình nào đó có con nhỏ.
Tuy nhiên, tôi không cảm thấy thoải mái với ý tưởng sắp xếp tình bạn cho trẻ. Nhưng chắc chắn là có nhiều điều đáng để học hỏi khi nhìn những bậc cha mẹ người Mỹ nhiệt tình giúp đỡ trẻ em xây dựng tình bạn, trau dồi kỹ năng và mở rộng các mối quan hệ xã hội thông qua các trò chơi.
Nếu tôi chỉ liên lạc với gia đình theo yêu cầu của con tôi, tôi đang cướp đi những cơ hội giá trị để tương tác với bạn bè, phát triển các mối quan hệ cá nhân và giải quyết xung đột ngoài môi trường học tập?
Khi con tôi đối mặt với những lựa chọn về giáo dục, thái độ chủng tộc, tuổi dậy thì và nhiều điều khác trong những năm tới, những giá trị văn hóa và niềm tin của tôi sẽ còn gặp nhiều thách thức hơn và cách dạy con của tôi cũng sẽ thay đổi.
Nhưng, mỗi khi con trai tôi thì thầm với tôi truớc khi đi ngủ "Mẹ ơi, con là người giỏi nhất”. Tôi biết rằng mình đã thành công