Luật Phá sản năm 2014 (Luật PS) đã có quy định mới về thẩm quyền, trình tự thủ tục thi hành quyết định tuyên bố PS của cơ quan THADS so với Luật PS năm 2004. Theo đó, vai trò của Chấp hành viên (CHV) và cơ quan THADS đã mang tính độc lập hơn. Cơ quan THADS có trách nhiệm chủ động ra quyết định thi hành án và phân công CHV tổ chức thi hành các quyết định của Tòa án trong quá trình giải quyết PS theo quy định tại Điều 17 Luật PS.
Đối với việc thi hành quyết định tuyên bố PS, sau khi được phân công tổ chức thi hành quyết định tuyên bố PS, CHV thực hiện các nhiệm vụ sau: Mở một tài khoản tại ngân hàng đứng tên cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố PS để gửi các khoản tiền thu hồi được của doanh nghiệp, hợp tác xã PS; Giám sát Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện thanh lý tài sản; Thực hiện cưỡng chế để thu hồi tài sản, giao tài sản cho người mua được tài sản trong vụ việc PS theo quy định của pháp luật về THADS.
Thực hiện phương án phân chia tài sản theo quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã PS: Sau khi nhận được báo cáo của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản về kết quả thanh lý tài sản, CHV thực hiện phương án phân chia tài sản theo quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã PS (Điều 120 Luật PS). Sau khi quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã PS mà phát hiện tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã chưa chia thì TAND đã tuyên bố PS xem xét và quyết định phân chia tài sản theo quy định tại Điều 54 Luật PS về thứ tự phân chia tài sản. Cơ quan THADS sẽ tổ chức thực hiện quyết định phân chia tài sản theo quy định của pháp luật (Điều 127 Luật PS).
Việc tổ chức thi hành quyết định tuyên bố phá sản trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Về mặt thể chế, một số quy định trong Luật THADS và Luật PS còn chưa có sự thống nhất. Theo khoản 1 Điều 121 Luật PS thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định phân công của Thủ trưởng cơ quan THADS, CHV có văn bản yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc thanh lý tài sản.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 122 Luật PS quy định: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố PS, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải tổ chức định giá tài sản theo quy định của pháp luật. Như vậy, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hoàn toàn chủ động trong việc định giá tài sản mà không phụ thuộc vào việc cơ quan THADS ra quyết định thi hành án cũng như việc CHV có văn bản yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc thanh lý tài sản. Do đó, cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa CHV và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong giai đoạn này.
Vấn đề tổ chức thi hành các quyết định của Tòa án trong quá trình giải quyết PS hiện nay được quy định tại nhiều văn bản như Luật PS, Luật THADS, Nghị định số 22/2015/NĐ-CP; Thông tư liên tịch số 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC về việc phối hợp trong thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, Công văn số 3089/BTP-TCTHADS của Bộ Tư pháp hướng dẫn về việc thi hành quyết định của Tòa án liên quan đến giải quyết PS... Việc quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau cũng dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng. Mặt khác cần tập huấn chuyên sâu về Luật PS và các văn bản pháp luật có liên quan cho CHV để nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án đối với các loại việc này.