Một thời hoàng kim
Dừng tay cạo và chờ những dòng nhựa cao su trắng toát chảy xuống chén đựng mủ, ông Lê Công Chóng (ngụ xã Bình Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước), gần 40 năm gắn bó với cây cao su, kể: năm 1986, gia đình từ Thanh Hóa vào tỉnh Sông Bé (nay tách Bình Dương và Bình Phước) lập nghiệp và mua 2ha sản xuất, sau đó mở rộng diện tích lên 6ha. Ông nói: “Vợ chồng làm công nhân cạo mủ cho nông trường, lương tháng 10-12 triệu đồng. Thu nhập từ bán mủ cao su là 40 triệu/tháng nên cuộc sống khấm khá hơn và con cái được ăn học đàng hoàng”.
Nếu như Bình Phước được coi là thủ phủ cao su của cả nước, thì huyện biên giới Lộc Ninh được xem là nơi có truyền thống lâu đời nhất tỉnh. Đây cũng là nơi đứng chân của Công ty cao su Lộc Ninh, với chặng đường gần 50 năm phát triển cùng nhiều thăng trầm. Lãnh đạo công ty cho hay, thời hoàng kim của cao su chỉ trong vòng 10 năm (2003- 2013), Công ty đã chế biến được 20.386 tấn mủ, giá bán bình quân đạt 62 triệu đồng/tấn, tổng doanh thu đạt 1.441 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 161 tỷ đồng, đảm bảo đời sống cho hàng ngàn lao động với mức lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với giá mủ cao su cao ngất ngưỡng và dư địa mênh mông nên người dân Bình Phước đổ xô chặt bỏ các loại cây khác chuyển sang trồng cao su và không ít người trở thành tỉ phú từ những dòng nhựa trắng mang lại.
Công nhân đang hăng say cạo mủ khi vào mùa thu hoạch. |
Giá mủ lao dốc, cao su bị đốn hạ
Nếu như năm 2011, giá cao su lên đỉnh điểm có lúc đạt 140 triệu đồng/tấn, thì đến năm 2013 chỉ còn 40% của năm 2011. Giá cao su giảm nên nhiều hộ thanh lý những vườn cao su già cỗi, cho năng suất thấp chuyển sang cây trồng khác cho năng suất cao.
Bảy năm về trước, anh Phạm Xuân Trung (ngụ xã Tiến Hưng, TP Đồng Xoài) có 4ha cao su 6 năm tuổi nhưng do giá xuống thấp nên cưa bỏ toàn bộ để lấy đất trồng sầu riêng. Anh tâm tư: “Với giá mủ thấp (có thời điểm dưới giá thành), nếu có mở miệng khai thác cũng lỗ vì chi phí nhân công, phân bón hiện rất cao, còn giữ lại thì phải tự cạo, tức bỏ công làm lời. Gia đình chặt cao su trồng sầu riêng, lấy thu nhập đắp vào công chăm sóc”. Không chỉ mình anh Trung, các hộ dân cũng chặt bỏ hàng trăm ha cao su làm diện tích cao su của tỉnh giảm mạnh.
Thời vàng son qua đi, ngành cao su dần rơi vào khủng hoảng và chỉ tính riêng năm 2017, lượng mủ tồn kho lớn là 24,8 ngàn tấn (tăng 59% so cùng kỳ năm 2014), giảm thu ngân sách 300 tỷ đồng, buộc địa phương sử dụng các nguồn tăng thu khác bù vào.
Nhưng với vị thế thủ phủ cao su, các nông trường quốc doanh vẫn giữ lại diện tích và duy trì mạch sản xuất cho thu hoạch ổn định. Các hộ trồng cao su tiểu điền vẫn duy trì 2- 3ha, tự chăm sóc, tự cạo nên nguồn nguyên liệu không bị thiếu hụt và khan hiếm làm người dân kỳ vọng thời hoàng kim sẽ trở lại.
Tại các phân xưởng nhà máy, đang tiến hành những công đoạn để tạo ra thành phẩm cuối cùng. |
Niềm vui trở lại
Bình Phước đang dẫn đầu về diện tích cao su của cả nước với hơn 237 ngàn ha, trong đó có 70 ngàn ha của doanh nghiệp nhà nước, năng suất gần 1,9 tấn/ha, sản lượng trên 269 ngàn tấn/năm, đang giải quyết việc làm cho hơn 21 ngàn lao động. Cùng với giá mủ giữ đà tăng, người dân và doanh nghiệp đang phấn khởi vào mùa thu hoạch.
Tờ mờ sáng, anh Nguyễn Văn Thủy (32 tuổi) trên chiếc xe máy cà tàng chở dao cạo cùng các vật dụng cồng kềnh vào khu vườn cao su 3ha, cho khai thác 7 năm nay ở xã Đồng Tiến (huyện Đồng Phú) để thu hoạch mủ. Với đường dao cạo sắc lẹm, chỉ sau gần một giờ đồng hồ, 1 ha cao su đã được mở miệng, chờ mủ chảy vào tô chén đựng.
Dừng tay uống nước cho đỡ khát, anh Thủy cho hay, mỗi ha cao su tiểu điền cho năng suất 1,8 – 1,9 tấn/ha, với giá ổn định từ 17 – 18 ngàn đồng/kg, mỗi tháng gia đình thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng. Anh nói: “Trước đây, giá thấp, nhiều hộ dân chặt bỏ cao su nhưng nay, giá bắt đầu tăng nên nhà nông phấn khởi, không còn phân vân trồng - chặt như thời gian qua”.
Thời điểm này, trên các nông trường của Công ty cao su Đồng Phú có diện tích 10 ngàn ha, công nhân đang hăng say vào mùa thu hoạch. Tiếng cười nói rôm rả xen lẫn âm thanh sột soạt phát ra từ đường dao cạo làm sống động cả bầu không gian rộng lớn. Lãnh đạo công ty cho hay, từ đầu năm đến nay, mủ cao su xuất khẩu giữ đà tăng và ổn định, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Niềm vui nhân lên khi giá bán mủ cao su của công ty dao động ở mức 46,3 triệu đồng/tấn, cao hơn giá bán cả năm 2020 là 35,3 triệu đồng/tấn. Công ty cũng đang có kế hoạch tích trữ mủ để có sản phẩm bán ra thị trường, thu lợi nhuận tối đa và vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 đang lan rộng.
Rời Nông trường cao su Đồng Phú, chúng tôi về Công ty cao su Phú Riềng được coi là “linh hồn” của ngành cao su Bình Phước. Các nông trường cao su có hàng trăm công nhân đang trút từng chén mủ vào thùng đưa về điểm tập kết, người đo độ mủ, người vận chuyển, bốc xếp hàng lên các xe tải… làm không khí lao động càng thêm nhộn nhịp. Một vị lãnh đạo công ty cho hay, năm 2021, đơn vị được giao thu hoạch 21,3 ngàn tấn và đang phấn đấu đạt 22 – 23 ngàn tấn, duy trì năng suất vườn cây đạt trên 2 tấn/ha, hàm lượng mủ nước (DRC) từ 32% trở lên, tỷ trọng mủ nước chiếm từ 74% và đóng góp vào ngân sách tỉnh 100 tỷ đồng.
Điều này không làm nản lòng lãnh đạo và công nhân của công ty vì thời điểm này, đơn vị đã vượt mức kế hoạch thu mua được giao 8 ngàn tấn, hướng tới đạt 10 ngàn tấn đang tạo động lực cho cán bộ và công nhân vươn lên hoàn thành nhiều mục tiêu mới.
Tạm biệt Bình Phước khi nắng chiều đang dần tắt, chúng tôi còn giữ nguyên cảm xúc về một vùng đất cao su với biết bao thăng trầm ở cuối dãy Trường Sơn.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh đang tập trung đánh giá, cấp chứng chỉ cho rừng cao su bền vững để bảo đảm tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc, phục vụ xuất khẩu, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm cao su, khuyến khích các hộ dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc và cạo mủ…Trong đó, ngành sản xuất, chế biến cao su cần đẩy mạnh chế biến sâu, giảm dần xuất khẩu thô để cao su đạt giá trị cao trên thị trường.