Cuộc sống đồng bào Mơ Nông đã có nhiều thay đổi
Chặng đường từ TP. Buôn Ma Thuột lên Buprăng (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) gần 200km, xuyên qua những rẫy cà phê bạt ngàn, mặc dù nhiều đoạn đường còn vá víu hay ngập trong bụi đất đỏ thì chúng tôi cũng chỉ phải chạy xe hơn 4 giờ đồng hồ là tới nơi.
Khác hẳn trước đây, người dân mang hàng nhu yếu phẩm lên biên giới phải đi hết cả ngày đường, chưa kể mùa mưa, giao thông hầu như tê liệt vì đất đỏ sình lầy. Các lực lượng cắm chốt trên biên giới thời đó đôi tháng mới được về thăm nhà một lần, mỗi lần đi là phải bắt xe thành 4, 5 chặng vì chẳng có bất cứ một tuyến xe khách nào từ biên giới chạy về các thành phố Tây Nguyên. Cửa khẩu vắng vẻ, hiu hắt, sũng nước trong những cơn mưa rừng kéo dài đến cả nửa năm, nói như một cán bộ hải quan đã từng ở Buprăng thì “chỉ thèm thấy một bóng áo hồng ngang qua”. Ti vi không có, internet cũng không vì chẳng có điện, cuộc sống ở cửa khẩu dường như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Nhưng bây giờ thì mọi chuyện đã khác. Một năm trước, khoảng 5km đường từ biên giới vào nội địa đã hoàn tất. Giao thông cơ bản thông suốt giúp việc đi lại dễ dàng hơn, rút ngắn thời gian hơn dù cán bộ đi về vẫn chưa có xe khách nhưng đã có thể đi nhờ xe chạy từ Campuchia ngang qua. Buprăng bây giờ cũng đã có điện, dù wifi lúc được, lúc mất nhưng cũng tạo cảm giác thu hẹp khoảng cách với thành phố.
Đặc biệt, nếu như những năm trước Buprăng không có cư dân sống dọc biên giới thì nay đã có 2 bon, mỗi bon khoảng 40 hộ, chủ yếu là người dân tộc Mơ Nông, sinh sống bằng nghề làm rẫy và hái lượm. Binh đoàn 16 cũng đưa khoảng 70 hộ dân lên làm kinh tế khiến hai bên tuyến đường giáp cửa khẩu đã sôi động hơn rất nhiều.
Từ chỗ lên Buprăng theo diện giãn dân, phải làm quen với khí hậu khắc nghiệt của vùng biên giới (vì ở đây chủ yếu đất bô xít phục vụ cho dự án Nhân Cơ), với điều kiện sản xuất khó khăn, đến nay đời sống của đồng bào Mơ Nông đã khá hơn rất nhiều. Dọc hai bên đường là những ngôi nhà mới cất khang trang, mỗi vụ cà phê được giá, người dân lại sắm sửa thêm cho mình khi thì cái xe máy, lúc ti vi hay tủ lạnh…Thay vì tự mình phải xuống phố mua bán thực phẩm hàng ngày, hàng quán đã đầy ắp, dịch vụ phục vụ tận nơi.
Hải quan Buprăng đang làm nhiệm vụ |
Đặc biệt, con cái đồng bào Mơ Nông đến tuổi hầu hết đã được đến trường. Nhiều năm, Buprăng chưa phát hiện buôn lậu, không có vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, người dân yên tâm sản xuất, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, an ninh trật tự khu vực biên giới được giữ vững… đó là những gì các lực lượng chức năng trên biên giới, trong đó có Hải quan cửa khẩu có thể tự hào đã làm được.
Nói tiếng đồng bào để hiểu đồng bào hơn
Cuộc sống ở đường biên đã có nhiều thay đổi theo hướng ngày càng tốt hơn, văn minh hơn, nhưng trong bối cảnh Tây Nguyên vẫn còn những diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch vẫn không ngừng có âm mưu phá hoại, kích động đồng bào vượt biên, truyền đạo trái phép… thì nhiệm vụ số một của các lực lượng chức năng trên biên giới vẫn là phải làm tốt công tác dân vận. Đây cũng là vấn đề được Buprăng đặc biệt chú trọng nhiều năm nay.
“Mỗi khi có các chủ trương, chính sách pháp luật mới, Chi cục Hải quan đều phối hợp với lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương tổ chức phổ biến đến bà con, ví dụ pháp luật về hải quan, biên giới, xuất nhập cảnh, đặc biệt chúng tôi còn tích cực tuyên truyền về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại… để bà con nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đồng thời chủ động, tích cực tham gia cùng các lực lượng chức năng trong công tác phòng ngừa cũng như phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm”, ông Nguyễn Việt Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Buprăng cho biết.
Tuy nhiên, cái khó đối với nhiều cán bộ hải quan ở đây là muốn tiếp xúc với đồng bào phải nói được tiếng và hiểu được phong tục tập quán của họ. “Không còn cách nào khác là chúng tôi khuyến khích anh em tận dụng tất cả các cơ hội để tiếp xúc với đồng bào, người biết nhiều truyền lại cho anh em biết ít, người biết ít lại bảo người chưa biết… vì thế mỗi người đều có một vốn tiếng Mơ Nông kha khá để có thể giao tiếp”, ông Việt Anh nói thêm.
Ông Nguyễn Việt Anh, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Hải quan cửa khẩu Buprăng muốn vận động đồng bào, phải nói được tiếng của họ |
Chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống của đồng bào, mỗi dịp lễ, tết Chi cục Hải quan cùng với chính quyền địa phương rà soát để tặng quà hộ nghèo, gia đình chính sách. Mỗi phần quà giá trị không lớn (500 ngàn) nhưng theo ông Nguyễn Việt Anh, là thể hiện tình cảm của Hải quan đối với bà con dân tộc, góp phần động viên khuyến khích họ thực hiện nghiêm các chủ trương, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, Hải quan Đắk Lắk cũng vận động một số ngành cùng chung tay giúp đỡ đồng bào, ví dụ Nữ công của Hải quan TP.Hồ Chí Minh cũng lên cửa khẩu hỗ trợ tặng quà, quần áo sách vở cho con em đồng bào…
Nhận xét về công tác dân vận của Hải quan Cửa khẩu Buprăng, ông Lê Văn Nhuận, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đắk Lắk tỏ ra hài lòng: “Công tác dân vận nhiều năm nay đã được Buprăng làm rất tốt, anh em không nề hà gian khổ, khó khăn để vận động đồng bào ổn định cuộc sống, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia”…
Mặc dù Hải quan luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao với nỗ lực cao nhất, song Buprăng cũng gặp những khó khăn hết sức đặc thù. Ông Lê Văn Nhuận cho biết: “Do địa bàn rộng, lại phân tán (Đắk Lắk có 2 chi cục ở xa là Hải quan Đà Lạt và Hải quan Cửa khẩu Buprăng) nên lực lượng rất thiếu hụt, trong khi công việc nhiều. Bên cạnh đó, công tác luân chuyển cán bộ mặc dù được triển khai rất mạnh mẽ nhưng do điều kiện Buprăng quá xa xôi, cách trở nên mỗi khi luân chuyển cũng phải làm công tác thuyết phục vận động nhiều tháng trời do anh em chủ yếu gia đình ở tận TP. Buôn Ma Thuột”.
Còn ông Trương Đình Ngọc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Buprăng, phụ trách khu vực biên giới Đắk Peur thuộc xã Thuận An, huyện Đắk Mil, Đắk Nông cho biết: “Đến nay, Hải quan vẫn chưa có điện, rất khó khăn trong việc triển khai thủ tục hải quan điện tử cũng như sinh hoạt hàng ngày”.
… Rời Buprăng vào buổi chiều Tây Nguyên chạng vạng, lời hát khe khẽ của một đồng nghiệp “Em ơi có nơi nào đẹp hơn, chiều biên giới khi mùa đào hoa nở…” cứ nhen lên cái cảm giác nhớ nhung man mác. Biên giới Buprăng bây giờ mùa hoa đào đã qua nhưng “mùa xuân” thì dường như lúc nào cũng tràn đầy với những con người luôn lạc quan, yêu đời dù cuộc sống còn quá nhiều khó khăn./.