Yakuza không mấy bận tâm trước việc bị xem như những kẻ bị xã hội chối bỏ, tự nhận là bàn tay xấu trong xã hội. Và đối với “thế giới yakuza” những lề luật khắt khe của riêng họ vẫn tồn tại song song với luật pháp hiện hành.
Bí ẩn "ngón tay út bị cụt"
Tại một căn phòng ở một câu lạc bộ ở quận Ginza, Tokyo, một toán những gã đàn ông mặc đồng phục comple sọc màu tối tụ tập uống rượu, hút thuốc và chơi bài. Vài người nhỏ to ở một góc. Một số khác lim dim để những phụ nữ mua vui mơn trớn trong căn phòng ngập ngụa khói thuốc.
Ở góc phòng, một người đàn ông lớn tuổi đang ngồi xổm trên bàn, xung quanh là những người còn trẻ, miệng liên tục hô “Hai! Hai!” (Có! Có!) mỗi khi có người đặt cược. Ngồi bên cạnh người này là 2 phụ nữ - một mặc váy ngắn màu đen và một mặc váy nữ sinh, áo trắng. Cả 2 người liên tục lấy tay che miệng, cười khúc khích mỗi khi người đàn ông “nhả” ra những từ ngữ thô tục.
Giữa khung cảnh hỗn độn đó, một người đàn ông trẻ trong bộ vest bó sát cúi gằm mặt bước vào. Những tiếng động ngay lập tức lặng đi. Gã đàn ông trẻ tiến gần đến chiếc bàn của người đàn ông già. Anh ta thậm chí còn không dám ngước mắt lên nhìn hoặc nói gì mà chỉ chìa ra một vật được bọc kỹ đặt.
Gói đồ chỉ nhỏ như một chiếc kẹo nhưng người đàn ông trẻ vẫn phải dùng cả 2 tay để đặt xuống bàn. Những ánh mắt đổ dồn vào bàn tay trái của người này và phát hiện ngón út bị băng bó trắng toát. Người đàn ông già hết nhìn chằm chằm vào vật trên bàn rồi lại nhìn vào bàn tay bị thương của người đàn ông trẻ.
Yakuza và ngón tay út đã bị cắt đứt. |
Bầu không khí im lặng và căng thẳng đến rợn người chỉ dừng lại khi người đàn ông già gật đầu, khuôn mặt giãn ra một chút và yêu cầu những người ngồi cạnh đó mang gói đồ đi. Không ai bảo ai, tất cả họ đều đã biết trong gói đồ đó chính là một phần ngón tay út của người đàn ông trẻ. Anh ta đã phải chặt tay để chuộc lỗi, xoa dịu thủ lĩnh - một hành động được gọi là yubizume.
Một số người đàn ông có mặt trong căn phòng cũng đã mất đi một phần ngón tay út - một trong những đặc điểm nhận dạng của yakuza Nhật Bản. Việc chặt ngón tay út không chỉ là biện pháp trừng phạt đối với những kẻ mắc lỗi mà cũng là một cách làm để khiến những người này gắn kết bền chặt hơn với tổ chức.
Nguồn gốc
Khởi nguồn của yakuza là một vấn đề đến nay vẫn còn gây tranh cãi. Một số người cho rằng những thành viên của yakuza chính là hậu duệ của kabuki-mono - những võ sỹ samurai kỳ quặc, nổi bật với những bộ trang phục và tóc tai kỳ dị, thường xuyên dùng tiếng lóng và luôn mang theo những cây gươm dài một cách bất thường ở thắt lưng.
Kabuki-mono cũng được biết đến với tư cách là những người phục vụ cho các Tướng Shogun ở Nhật. Trong thời kỳ Tokugawa và thời kỳ hòa bình về sau, người ta không cần đến những kabuki-mono nữa. Thực tế này cộng với việc thiếu sự quản lý chặt chẽ đã khiến những kabuki-mono chuyển trọng tâm từ phục vụ cộng đồng sang hoạt động trộm cắp và gây lộn.
Tuy nhiên, những thành viên yakuza hiện đại bác bỏ giả thuyết trên, nói rằng họ là hậu duệ của machi-yokko (những công chức của thị trấn, có nhiệm vụ bảo vệ dân làng khỏi người xấu). Ghi chép chính thức của yakuza miêu tả tổ tiên của nhóm người này như những anh hùng trong dân gian, thường xuyên đứng về người nghèo và những người không có khả năng tự vệ, giống như Robin Hood giúp người nông dân ở Anh thời Trung cổ.
Các thành viên yakuza hiện đại được chia thành 3 dạng chính: tekiya (người bán hàng rong), bakuto (những kẻ cờ bạc) và gurentai (những tên lưu manh). Những người bán rong và kẻ cờ bạc thuộc yakuza bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ 18, cùng lúc với sự xuất hiện của những tay thổ phỉ khi nhu cầu hàng hóa trên chợ đen đã tạo ra một ngành công nghiệp bùng nổ mạnh mẽ.
Ngược lại, gurentai lại hoạt động như những tay gangster người Mỹ thời kỳ Al Capone, dùng việc đe dọa và tống tiền để đạt được mục đích. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, do tình hình xã hội có phần rối ren, gurentai hoạt động mạnh mẽ hơn với số lượng ngày một gia tăng. Những người này đưa hoạt động phạm tội có tổ chức của Nhật lên một cấp độ bạo lực mới, thay thế những thanh gươm truyền thống bằng những vũ khí hiện đại, thậm chí là cả súng ống.
Yakuza tỏ ra không mấy bận tâm trước việc nhóm được xem như những kẻ bị xã hội chối bỏ. Trong tiếng địa phương, ya nghĩa là 8, ku là 9 và sa là 3. Tổng của các số này bằng 20, là người thua cuộc trong trò hana-fuda (thẻ hoa). Yakuza được xem là bàn tay xấu trong xã hội, đặc tính mà nhóm này tự nhận như một số băng nhóm khác tại Mỹ.
Một đặc điểm nổi bật khiến các thành viên yakuza trở nên dễ bị nhận dạng hơn trong đám đông là sở thích những hình xăm. Có điều, hình xăm của chúng không chỉ đơn giản là những họa tiết điểm xuyết mà là những hình xăm đó thường phủ kín cơ thể, cả phía trước lẫn phía sau, từ cánh tay cho tới khủy tay, từ đùi cho đến tận bắp chân, tạo thành những bức tranh tỉ mỉ trên cơ thể.
Khi cởi hết đồ, nhiều hình xăm của yakuza khiến chúng thoạt nhìn như đang mặc một chiếc áo ngủ dài đầy họa tiết. Rồng, hoa, phong cảnh đồi núi, biển đầy sóng, huy hiệu của băng nhóm và hình ảnh trừu tượng là những hình ảnh thường được sử dụng trong nghệ thuật xăm hình của yakuza. Việc xăm những bức hình này khá đau đớn và có thể mất đến hàng trăm giờ nhưng quá trình này cũng thường được yakuza xem là một phép thử đối với bản lĩnh đàn ông của họ.
Hình xăm trên người yakuza. |
Về cách ăn mặc, yakuza thường chuộng những bộ đồ bó, bóng loáng, giày mũi nhọn và mái tóc dài. Chúng cũng ưu tiên những chiếc ô tô bóng bẩy của mỹ như Cadillac và Lincoln. Không giống như những băng nhóm tội phạm trên thế giới, yakuza không hề chú ý đến việc phải tránh sự chú ý. Trên thực tế, ở hầu hết các thành phố của Nhật, các câu lạc bộ và các trụ sở của yakuza đều có biểu hiệu và logo trưng bày khá công khai.
Một thống kê của cảnh sát Nhật Bản cho hay, tại nước này hiện có 21 băng nhóm tội phạm quy mô lớn, với tổng cộng khoảng 53.000 thành viên. Con số này thấp hơn nhiều so với ước tính hơn 100.000 người được đưa ra ở những năm trước. Trong đó, 3 băng nhóm lớn nhất là Yamaguchi-gumi (với 23.400 thành viên), Inagawa-kai, (6.600 thành viên) và Sumiyoshi-kai (với 8.500 thành viên). Yakuza được đánh giá là có ảnh hưởng lớn hơn so với các băng nhóm tội phạm ở Mỹ do thiết lập được quan hệ bền chặt với cả giới doanh nghiệp lẫn chính trị. Ảnh hưởng của yakuza không chỉ gói gọn trong phạm vi nước Nhật mà còn vượt ra cả những nước châu Á khác, thậm chí sang cả Mỹ.
Cơ cấu quyền lực
Cũng giống như mafia, cấu trúc quyền lực của yakuza cũng theo hình tháp với một thủ lĩnh có quyền lực cao nhất và những cấp bậc ở dưới. Nguyên tắc định hướng của cấu trúc quyền lực yakuza là quan hệ oyabun-kobun. Oyabun nghĩa đen là vai trò người cha, còn kobun là vai trò con. Khi một người đàn ông được nhận vào yakuza, anh ta phải chấp nhận mối quan hệ này. Anh ta phải cam kết trung thành và tuân thủ tuyệt đối ông chủ. Oyabun - giống như những người cha tốt - có nghĩa vụ phải bảo vệ và định hướng con cái. Người Nhật có câu: “Nếu ông chủ bảo con quạ vừa bay qua có màu trắng thì cũng phải đồng ý”, một kobun cũng phải sẵn sàng đỡ đạn cho oyabun của anh ta.
Các mức độ quản lý trong cấu trúc của yakuza cũng khá phức tạp. Ngay dưới kumicho (ông chủ tối cao) là saiko komon (cố vấn cấp cao) và so-honbucho (người phụ trách các chi nhánh). Wakagashira (nhân vật số 2) là chủ một khu vực, chịu trách nhiệm quản lý nhiều băng nhóm, người này được fuku-honbucho - phụ trách một số băng nhóm - hỗ trợ. Ông chủ ở cấp khu vực thấp hơn là shateigashira và thường được một shateigashira-hosa trợ giúp. Một gia đình tội phạm yakuza truyền thống cũng sẽ có hàng chục shatei (em trai) và nhiều wakashu (lãnh đạo cơ sở).
Nếu một thành viên yakuza khiến ông chủ không hài lòng hay thất vọng, hình phạt thường là yubizume - tức cắt bỏ đốt cuối cùng của ngón tay út. Lần thứ 2 vi phạm sẽ phải cắt đốt thứ 2 của ngón tay đó và những lần vi phạm về sau có thể sẽ chuyển sang ngón tay cạnh đó. Một người đàn ông sẽ phải tự yubizume khi cấp trên của anh ta đưa cho anh ta một con dao và một sợi dây để cầm máu chứ không cần dùng đến lời nói.
Nguồn gốc của việc làm này được cho là có từ thời samurai. Việc cắt bỏ một phần của ngón tay út sẽ khiến cho lực cầm kiếm của bàn tay bị yếu đi. Khi một katana (thanh kiếm samurai dài) được cầm đúng cách, ngón tay út sẽ là ngón tay mạnh nhất. Ngón đeo nhẫn là ngón mạnh thứ 2, ngón giữa mạnh thứ 3 và ngón trỏ gần như không có tác dụng gì. Với một bàn tay bị tật, người cầm gươm sẽ phụ thuộc vào sự bảo vệ của chủ hơn. Hiện nay, nghi lễ này chỉ mang tính hình thức nhưng vẫn được yakuza áp dụng.
Vươn vòi tới Mỹ
Không chỉ hoạt động mạnh mẽ tại Nhật Bản mà yakuza còn vươn tầm ra khắp thế giới, trong đó có cả đất nước vốn nổi tiếng về những băng đảng tội phạm là Mỹ. Tháng 3/1991, Giám đốc FBI khi đó là ông William Sessions tại phiên điều trần về tình hình tội phạm có tổ chức người châu Á trước Ủy ban điều tra của Thượng viện Mỹ cho hay: “Boryokudan (tức yakuza) đã trở thành một trong những tổ chức tội phạm lớn nhất thế giới”. Dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản, ông Sessions nói rằng, ở thời điểm năm 1988, tổng nguồn thu của các băng nhóm yakuza đã lên đến gần 10 tỉ USD, trong đó có 1/3 là từ hoạt động buôn bán ma túy đá - thứ chất gây nghiện vẫn còn tương đối mới mẻ ở thời kỳ này. Tại Mỹ, Boryokudan kiểm soát đến 90% nguồn ma túy đá ở Hawaii. Vẫn theo người đứng đầu FBI, Boryokudan cũng hoạt động khá mạnh trong việc vận chuyển lậu súng ống từ Mỹ tới Nhật Bản.
Tại Mỹ, yakuza hoạt động chủ yếu ở Hawaii, nhưng những tên tội phạm người Nhật cũng xuất hiện ở California, Nevada và thậm chí cả New York. Sở dĩ những thành viên yakuza đổ về Hawaii vì đây là nơi thu hút nhiều khách du lịch từ Nhật Bản và các nước châu Á khác. Tại bang này, yakuza thường đầu tư vào những món bất động sản đắt đỏ để kiếm lời và biến bang này thành kho chứa ma túy đá trước khi phân phối tới các bang khác ở Mỹ và vận chuyển vũ khí từ Mỹ về Nhật. Các thành viên yakuza ở Hawaii cũng phối hợp với các băng nhóm ở địa phương để đưa các loại hình cờ bạc, tình dục và nhà thổ tới đây.
Yakuza cũng đã vươn tầm hoạt động tới California – nơi chúng kết thành liên minh với những băng nhóm người Hàn Quốc và củng cố quan hệ đối tác vốn có với Hội Tam hoàng của Trung Quốc. Los Angeles là nơi đặc biệt hấp dẫn với các nhóm yakuza bởi sự xuất hiện của hàng loạt những nữ diễn viên trẻ tuyệt vọng tới đây để tìm kiếm bước đột phá trong ngành công nghiệp điện ảnh. Tận dụng cơ hội này, các thành viên yakuza đã dụ dỗ nhiều phụ nữ nhẹ dạ cả tin tham gia những bộ phim khiêu dâm hoặc thậm chí là gái mại dâm. Hoạt động này đem đến một nguồn thu lớn cho yakuza vì nhiều đàn ông Nhật Bản có xu hướng thích những phụ nữ phương Tây, đặc biệt là những cô gái tóc vàng.
Ngoài ra, cũng giống như những băng đảng tội phạm người Mỹ, yakuza cũng đặc biệt yêu thích Las Vegas – nơi những sòng bạc cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp mọc lên nhan nhản. Ngoài việc đánh bạc, nhiều người cũng có các nhu cầu khác như gái mua vui hay mại dâm và những yakuza nhanh chóng chớp lấy cơ hội này kiếm lời bằng cách môi giới để lấy tiền hoa hồng.
Tháng 10/2018, Bộ tài chính Mỹ thông báo đưa 4 nhân vật cấp cao của Yamaguchi-Gumi – băng nhóm yakuza lớn nhất của Nhật Bản – và 2 công ty có quan hệ mật thiết với băng nhóm tội phạm có tổ chức này vào danh sách đen trừng phạt. Theo thông báo của giới chức Mỹ, 2 công ty bị đưa vào danh sách trừng phạt là Yamaki KK - công ty sở hữu mảnh đất được Yamaguchi-gumi xây dựng trụ sở ở Kobe và Toyo Shinyo Jitsugyo KK – đơn vị quản lý tòa nhà này cùng nhiều bất động sản khác được băng nhóm yakuza của Nhật Bản sử dụng trong các hoạt động của chúng. Về các cá nhân bị trừng phạt, những đối tượng này bao gồm Utao Morio - quản lý tòa nhà trụ sở của Yamaguchi-gumi ở Kobe, từng là Giám đốc điều hành của Công ty Yamaki KK; Chikara Tsuda - CEO hiện tại của Yamaki KK; Yasuo Takagi - Giám đốc điều hành của Công ty Toyo Shinyo Jitsugyo và cựu Giám đốc của công ty này là Katsuaki Mitsuyasu. Theo lệnh trừng phạt, bất kỳ tài sản nào của những người có tên nói trên thuộc thẩm quyền của Mỹ sẽ bị đóng băng. Lệnh trừng phạt cũng cấm các cá nhân và công ty Mỹ giao dịch với những người này.
Ông Sigal Mandelker – Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách về chống khủng bố và tội phạm tài chính - cho biết động thái của giới chức Mỹ là một phần của các hoạt động nhằm gia tăng áp lực lên băng nhóm tội phạm nguy hiểm Nhật Bản cùng các thủ lĩnh của những băng nhóm này – những đối tượng bị giới chức Mỹ cáo buộc đang kiếm lời từ bóc lột tình dục, buôn lậu vũ khí, tống tiền và nhiều hoạt động phạm tội khác. “Bằng cách phơi bày mạng lưới rộng khắp các công ty và cá nhân bình phong hỗ trợ tập đoàn tội phạm yakuza Yamaguchi-gumi, chúng tôi muốn phá cơ sở hạ tầng tài chính toàn cầu của tổ chức tội phạm xuyên quốc gia bất hợp pháp này”, ông Mandelker cho hay.
Cùng với xu hướng phát triển chung của xã hội và sự trấn áp các hoạt động phạm pháp của cơ quan chức năng, yakuza trong những năm gần đây đã buộc phải hạ thấp các tiêu chuẩn để tuyển mộ thành viên mới, khiến nhiều người nghĩ rằng họ không còn được tổ chức chặt chẽ và mạnh như trước đây. Tuy nhiên, sự nổi loạn và sẵn sàng phạm tội vẫn là một trong những đặc điểm dễ thấy ở những đối tượng có tên trong hàng ngũ yakuza./.