Ông Jet Sirathraanon, Chủ tịch Ủy ban thường trực về sức khỏe công cộng Thái Lan cũng nói rằng, việc chính phủ hợp pháp hóa cần sa không chỉ các bệnh nhân hưởng lợi mà nền kinh tế Thái Lan cũng thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc sản xuất và xuất khẩu cần sa, thậm chí ngành du lịch Thái Lan cũng có hy vọng tăng trưởng nhảy vọt.
5 năm “thử thách”
Với 166 phiếu thuận, không phiếu chống và chỉ có 13 phiếu trắng, Hội đồng Lập pháp Quốc gia - Quốc hội Thái Lan (NLA) đã thông qua việc sửa đổi Đạo luật ma túy ban hành năm 1979. Như vậy, Thái Lan chính thức trở thành nước đầu tiên ở Đông Nam Á cho phép sử dụng cần sa vào mục đích y tế.
Việc sửa đổi Đạo luật ma túy bao gồm cho phép sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, sở hữu và sử dụng cần sa cho mục đích y tế. Các thay đổi này sẽ chính thức thành luật sau khi được công bố trên Công báo Hoàng gia.
Theo đó, chính phủ Thái Lan cho phép người dân dùng cần sa chữa bệnh nhưng vẫn cấm sử dụng chất này vào mục đích giải trí. Việc sở hữu cần sa cho các mục đích khác sẽ bị phạt tù đến 5 năm và phạt tiền 100.000 baht. Tàng trữ quá 10kg cần sa sẽ coi là có ý định buôn bán trái pháp luật, có thể bị phạt tù 1-15 năm và phạt tiền từ 100.000 đến 1 triệu baht.
Tờ Bangkok Post đưa tin, người tiêu dùng sẽ có thể mang theo số lượng cần sa cụ thể cần thiết cho mục đích y tế, nếu họ có một đơn thuốc hoặc giấy chứng nhận được công nhận. Giấy phép sản xuất và phân phối sản phẩm sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Luật mới cũng sẽ được áp dụng đối với cây kratom, một loài cây Đông Nam Á được dùng như chất kích thích.
Bên cạnh đó, một số cơ quan nhà nước có chức năng nghiên cứu hoặc đào tạo liên quan đến dược phẩm, Hội Chữ thập Đỏ Thái Lan, các cơ quan phòng chống ma túy, cơ sở đào tạo sau đại học nghiên cứu, giảng dạy trong lĩnh vực dược phẩm và các nhóm nông dân có giấy phép sẽ được sở hữu cần sa.
Tuy nhiên các nhà chức trách cũng ra điều kiện cho các tổ chức, đơn vị liên quan phải có đánh giá thận trọng, cụ thể và báo cáo sau 5 năm thực hiện việc ứng dụng cần sa vào y tế. Phát ngôn viên Chính phủ Puttipong Punnakanta cho biết, chính phủ Thái Lan đã quyết định bổ sung một chương tạm thời để đảm bảo rằng Bộ Y tế sẽ kiểm soát chặt việc sử dụng cần sa trong ít nhất 5 năm sau khi được hợp pháp hóa và luật này sẽ được xem xét sau 5 năm để kiểm tra tính hiệu quả.
“Sau khi đã được đánh giá, việc sử dụng cần sa như thế nào có thể được chính phủ nới lỏng kiểm soát hơn nữa hoặc là cấm tiệt”, ông Pittipong cho hay.
Vận động ủng hộ hợp pháp hóa cần sa trong y tế ở Thái Lan |
Quyết định hợp pháp hóa cần sa y tế được coi là bước ngoặt đối với Thái Lan, đất nước vốn nổi tiếng nghiêm khắc với ma túy và các chất kích thích. Tại đây, người sử dụng ma túy có thể bị kết án tử hình và hút thuốc sai chỗ cũng có thể dẫn đến án tù một năm.
Phát biểu trong phiên họp Quốc hội được phát trên truyền hình, ông Somchai Sawangkarn, Chủ tịch hội đồng soạn thảo dự luật hợp pháp hóa cần sa chữa bệnh, cho rằng việc thông qua dự luật sửa đổi là “món quà năm mới từ NLA đến chính phủ và người dân Thái”.
Lo ngại sau sửa luật
Việc sử dụng cần sa vốn được coi là bất hợp pháp, gây nghiện bởi nó có thành phần gây cảm giác hưng phấn. Tuy nhiên, cần sa khi được sử dụng trong y tế là nhằm điều trị các vấn đề sức khỏe. Bác sĩ thường sử dụng nó để giảm đau cho bệnh nhân chứ không phải để tìm ảo giác.
Cho tới thời điểm hiện tại, có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cần sa là loại dược liệu rất có lợi trong ngành y tế. Các công trình khoa học chỉ ra tác dụng của cần sa trong điều trị động kinh, đau mạn tính, chứng nghiện rượu và ma túy, các vấn đề tâm thần như trầm cảm, stress sau sang chấn, đa xơ cứng và thậm chí giảm triệu chứng ung thư.
Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng cannabidiol (CBD - một hoạt chất trong cần sa) làm giảm cơn động kinh ở những người mắc chứng rối loạn động kinh hiếm gặp ở trẻ em - hội chứng Lennox-Gastaut và hội chứng Dravet.
Bác sĩ Somnuk Siripanthong, người nhiều năm nghiên cứu về cần sa trong điều trị ung thư cho biết: “Đã có nhiều quả nghiên cứu đã chứng minh rằng cần sa y tế có tác dụng giống gen áp chế ung thư TP53 và không có tác dụng phụ. Nhiều bệnh nhân ung thư sử dụng cần sa y tế được kiểm tra máu và cho thấy tế bào ung thư của họ giảm dần. Đây là những người đã từ chối hóa trị và xạ trị”.
Theo hãng tin AFP cho biết, các chuyên gia cũng đồng ý và nhìn thấy những tiềm năng tương tự khi Thái Lan sửa luật ma túy để hợp pháp hóa cần sa dùng trong lĩnh vực y tế. “Hôm nay Thái Lan có thể sản xuất cần sa chỉ bằng một phần nhỏ chi phí của những người trồng cần sa ở phương Tây.
Ngày mai Thái Lan sẽ lấy lại vị thế của mình bằng cách trở thành người trồng, chế biến và sản xuất cần sa hàng đầu thế giới”, Phó chủ tịch marketing tại công ty cần sa hợp pháp đầu tiên của Thái Lan là Thai Cannabis Corporation, ông Jim Plamondon chia sẻ.
Ông Jet Sirathraanon, Chủ tịch Ủy ban thường trực về sức khỏe công cộng Thái Lan cũng nói rằng, việc chính phủ hợp pháp hóa cần sa không chỉ các bệnh nhân hưởng lợi mà nền kinh tế Thái Lan cũng thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc sản xuất và xuất khẩu cần sa, thậm chí ngành du lịch Thái Lan cũng có hy vọng tăng trưởng nhảy vọt.
Tuy nhiên, rào cản chính trong việc có nên hợp pháp hóa việc dùng cần sa chữa bệnh ở Thái Lan là nỗi lo ngại các nhà sản xuất cần sa y tế Thái Lan sẽ thua các đối thủ nước ngoài trên chính sân nhà. Nguyên nhân là một số công ty nước ngoài sản xuất sản phẩm có chiết xuất từ cần sa đã được Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan cấp bằng sáng chế.
Điều này có thể cho phép các công ty ngoại chiếm lĩnh thị trường và bệnh nhân cũng như giới khoa học Thái sẽ khó tiếp cận sản phẩm cần sa cần thiết để chữa bệnh hoặc nghiên cứu. Hiện giới nghiên cứu Thái đã đề xuất chính phủ thu hồi các yêu cầu cấp bằng sáng chế cho sản phẩm có chiết xuất từ cần sa của các công ty nước ngoài trước khi luật ma túy sửa đổi có hiệu lực.
Trước Thái Lan, Hàn Quốc cũng hợp pháp hóa cần sa y tế song quy định loại dược phẩm này chỉ được phân phối tại các cơ sở đặc biệt của chính phủ. Ở Malaysia, các nhà cầm quyền đã xóa bỏ án tử hình với người tàng trữ cần sa và đang xem xét giá trị y tế của loại cây này.
Chính phủ Anh đã phê duyệt cần sa y tế vào đầu năm nay và từ ngày 1/11/2018 trên Hệ thống Y tế Quốc gia Anh, cần sa là mặt hàng có sẵn cho bệnh nhân có đơn thuốc. Các loại thuốc có nguồn gốc từ cần sa đã trở thành hợp pháp ở Đức vào năm ngoái. Cần sa y tế cũng là hợp pháp ở Úc và Ireland.
Tại Mỹ, cần sa y tế là hợp pháp ở 30 tiểu bang, dù luật pháp quy định những gì được phép thay đổi tùy theo từng tiểu bang. Trong năm 2018, Canada đã hợp thức hóa hoàn toàn việc sử dụng cần sa. Dù vậy, mỗi người bị giới hạn số lượng cây cần sa được trồng, khối lượng cần sa mang theo bên người cũng như không được bán cần sa cho trẻ em chưa đủ tuổi thành niên.
Ngoài ra, hàng chục quốc gia trên thế giới gồm Hà Lan, Colombia, Uruguay, Ecuadore, Canada, Australia, Croatia, Israel, Romania, Đức, CH Séc, Ấn Độ…đã hợp pháp hóa cây cần sa để sử dụng cho mục đích y tế và tiêu khiển.