Để truyền thuyết về Dargavs thêm màu huyền thoại, du khách tới đây sẽ được người dân bản địa rỉ tai về những câu chuyện ma quái, cũng như lời đồn thổi kiểu như: không ai đến đây mà sống sót trở về.
“Thành phố của người chết”
Ngày nay, Dargavas là vùng đất có vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, ấn tượng với số lượng lớn hầm mộ độc đáo, lạ mắt. Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều hiện vật từ thời đồ đồng đến trung đại và các thông tin liên quan đến người Ossetia sống hàng trăm năm về trước.
Người Ossetia là hậu duệ của những tộc người Alan, Sarmat và Skif cổ. Ngày nay phần lớn người Ossetia định cư ở sườn phía bắc và phía nam đoạn giữa dãy núi Kavkaz. Trong đó, phía bắc là Cộng hòa Bắc Ossetia - Alania với diện tích gần 8.000km2, thủ đô là thành phố Vladikavkaz (thuộc Liên Bang Nga).
Phía nam là Cộng hòa Nam Ossetia với diện tích 3.400km2, thủ phủ là Tskhinvali thuộc đất nước Gruzia. Mặc dù có sự phân chia về địa lý và hành chính, song ở cả hai khu vực Nam và Bắc Ossetia vẫn sử dụng cùng một ngôn ngữ và một nền văn hóa.
Dargavs trong tiếng Hy Lạp cổ đại có nghĩa là “Thành phố của người chết”. Thuộc quận Prigorodny của Cộng hòa Bắc Ossetia-Alania, ngôi làng Dargavs vốn là một nghĩa trang cổ, với những lăng tẩm và hầm mộ huyền bí từ ngàn đời xa xưa trải dọc quanh các sườn đồi, núi Caucasus với chiều dài 17km, cao 4.000m. Từ đỉnh ngôi làng có thể nhìn xuống dòng sông Fiagdon xanh tốt, thấp thoáng những vách đá kỳ vĩ, ẩn mình sau làn mây mờ ảo.
Có rất nhiều tin đồn xung quanh “Thành phố của người chết” Dargavs. Trước đây, người dân địa phương đã cố gắng tránh xa nơi này vì tin rằng bất cứ ai dám bước vào, sẽ biến mất vĩnh viễn.
Có lời nguyền nói rằng, bất kỳ ai dám đột ngột xâm phạm một trong các ngôi mộ ở Dargavs sẽ bị chết bất đắc kỳ tử. Ngoài ra một màn sương mù kỳ dị luôn xuất hiện tại đây cũng là một cách “nhốt” khiến người lạc vào không thể thoát ra ngoài được.
Dargavs, vùng đất bí ẩn tại nước Nga |
Hay theo một truyền thuyết khác nói rằng, địa điểm này là nơi một nhóm chiến binh bắt cóc một cô gái xinh đẹp từ một vùng đất xa xôi. Vì không muốn bất kỳ ai sở hữu cô gái nên họ đã giết cô. Các vị thần đã trừng phạt người dân nơi đây vì tội giết người và họ dần dần chết đi do một căn bệnh lạ trong các ngôi mộ.
Tuy nhiên hầu hết các nhà sử học đều tin rằng, vào thế kỷ 14, vì sự đắt đỏ của giá đất, tổ tiên người Ossetia đã di cư đến đây và chọn vùng đất quanh năm lộng gió và khắc nghiệt này làm nơi định cư. Nơi đây dần trở thành nơi có số dân lớn nhất ở miền bắc Ossetia.
Tuy nhiên, cho đến giữa thế kỷ 17-18, bệnh dịch hạch đã tấn công và lấy đi sinh mạng của 90% dân số khắp khu vực Ossetia. Theo đó, dân số đã giảm từ 200.000 xuống còn 16.000 người trong nửa thế kỷ 19.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan cho mọi người trong làng, những người mắc dịch bệnh đã tự nguyện cách ly và cô lập bản thân trong các hầm mộ được xây dựng nằm cách xa ngôi làng và không bao giờ quay trở lại.
Trong khoảng thời gian bị bệnh tật giày vò và chờ đợi cái chết, họ sống sót nhờ vào khẩu phần thức ăn ít ỏi do người dân địa phương mang đến. Khi họ chết, xác bị bỏ mặc trong mộ. Sau một thời gian, người thân sẽ mang quần áo và các đồ dùng khác của người chết tới làm lễ an táng ngay tại hầm mộ.
Nghĩa địa này nằm chênh vênh và cô độc trên sườn núi, với khoảng 100 ngôi nhà nhỏ màu trắng, kiểu cách trang trí, kiến trúc giống hệt nhau. Chúng là các hầm mộ để dân địa phương mai táng người thân của mình. Do đó, Dargavs được gọi là thành phố của cái chết.
Nơi đây được xây dựng từ thế kỷ 16, mục đích là tạo thành một khu nghĩa trang. Mỗi gia đình của người dân địa phương sẽ được sở hữu một hầm mộ tại đây. Tùy vào vị trí của từng hầm mộ, bạn sẽ biết được nơi nào có nhiều người chết hơn.
Nơi cao thường có nhiều người được mai táng, nơi thấp là những hầm mộ có ít hài cốt. Cụ thể, những hầm mộ ở vị trí cao thường có nhiều người được mai táng. Ngược lại, những hầm mộ ở vị trí thấp có ít hài cốt. Nhà nào càng nhiều tầng hầm, số lượng hài cốt xếp chồng lên cũng nhiều theo.
Đến thế kỷ 19, cư dân của những ngôi làng gần khu nghĩa địa cổ quyết định rời thung lũng và di chuyển đến đồng bằng sinh sống. Cho đến đầu thế kỷ 20, không ai dám đặt chân đến khu nghĩa địa vì sợ dịch bệnh sẽ phát tán, giết hại những ai tiếp xúc.
Kiến trúc độc đáo
Nhìn từ xa, Dargavs trông như một khu định cư thuần nông. Nhưng nếu đi vào bên trong một trong các ngôi nhà này, ai cũng sẽ giật mình nhận ra “các ngôi nhà này chứa đầy xương người”. Dargavs có sự hiện diện của gần 100 hầm mộ được làm bằng đá màu trắng, với kiểu cách trang trí, kiến trúc giống hệt nhau nằm theo dọc ngọn đồi.
Các hầm mộ ở đây được xây dựng theo lối kiến trúc của những người Nakh cổ đại đã có từ 2.000 năm trước với rất nhiều hình dáng, kích cỡ. Mỗi hầm mộ được xây dựng theo kiểu tháp canh nhỏ, mái chóp xây theo tầng, sơn màu nâu đen, phần còn lại được sơn trắng.
Riêng phần mái được thiết kế cách điệu hình bậc thang nhằm lưu giữ các giá trị cốt lõi của ngôi làng, đồng thời giữ cho hài cốt được nguyên vẹn hàng trăm năm. Mỗi một hầm mộ đều có một cửa nhỏ đủ để đưa quan tài vào trong nhìn giống như các ngôi nhà nhỏ xinh xắn.
Các bức tường được xây dựng với đá bằng phẳng từ mặt trước ra mặt sau tạo thành khối hình lập phương. Nhiều người cho rằng, kiến trúc này có tác dụng canh giữ cho những người quá cố có một chốn yên nghỉ cuối đời yên tĩnh, bình dị và không có một ai quấy rầy. Ngoài những hầm mộ gia đình, ở đây cũng có nhiều mộ dành cho người không có gia đình và người ngoài làng.
Quan tài chôn cất các thi thể được thiết kế có hình dáng như những chiếc thuyền gỗ. Dân làng quan niệm, làng Dargavs nằm sâu bên trong rặng núi Caucasus và không có dòng sông nào để tàu bè qua lại.
Hài cốt trong các hầm mộ |
Người quá cố được an táng cùng với chiếc thuyền để họ có thể đi qua một con sông tới thế giới bên kia, giống với câu chuyện về kiếp luân hồi của người Ai Cập cổ đại và người Mesopotamia. Ở giữa mỗi hầm mộ sẽ có những cái giếng.
Để biết được người thân đã sang đến thế giới bên kia hay chưa, các thành viên trong gia đình sẽ rải các đồng tiền xu xuống giếng và khi đồng tiền xu đó chạm xuống đáy giếng có nghĩa là linh hồn người quá cố đã tới thiên đường thành công.
Cho tới ngày này vẫn không có nhiều du khách, nhà thám hiểm, chuyên gia hay người đang sống trong vùng dám đến khu nghĩa địa này, một phần vì sợ, phần khác là phương tiện đi lại khó khăn.
Khung cảnh u ám với những hầm mộ trải dọc quanh các sườn đồi, sườn núi Caucasus, nghĩa trang cổ Dargavs vẫn mang đến cảm giác dựng tóc gáy cho du khách mỗi khi đặt chân đến “Thành phố người chết” này.