Đôi khi, lối vào hàng rào xanh ấy là một cánh cửa bằng gỗ mộc mạc luôn luôn khép hờ và không bao giờ khóa. Chỉ cần nghiêng đầu qua hàng rào là có thể cầm một lá thư trao vội, là có thể mượn vội láng giềng cái chổi quét sân hoặc vài chục đồng lúc cần. Chỉ cần có tiếng cãi vã bên nhà này là đã thấy người hàng xóm bên nhà chạy sang can gián, khuyên giải…
Cái hàng rào xưa không hoàn toàn là sự cách ngăn… nó còn chứa chan nghĩa xóm tình làng. Nó phá vỡ cái nghiêm chỉnh, tù túng mà bản thân con người gán tên cho nó...
Những ngày giáp Tết, mẹ thường dắt tôi đi chợ, khi về đến nhà là một thúng đủ các loại rau, củ. Thuở ấy, tôi thấy khó chịu nhất - chỉ cần nghĩ đến cũng thấy rơm rớm nước mắt, là mùi của những củ hành tươi, trong căn bếp hai mẹ con tôi thường ngồi bóc vỏ, mùi hăng của hành làm nước mắt hai mẹ con cứ trực trào…
Thi thoảng bố hay trêu hai mẹ con “tui có làm chi mà hai mẹ con bà cứ thút thít suốt vậy…”. Ấy thế mà không có món hành này thì Tết chẳng còn ý nghĩa gì. Chỉ dăm ba củ hành, một bát nước mắm là tôi xơi gọn vài bát cơm.
Bạn bè ở quê thi thoảng nhắn tin hỏi thăm tôi liệu có bao giờ trở lại hay cứ mãi là "cánh chim trời" phiêu bạt. Tôi cũng không biết nữa, tôi không biết mình phải trả lời như thế nào…
Đôi lúc tôi vẫn như “đứng giữa hai dòng nước”, khi mà tôi đã có đủ tất cả những lý do, đủ những niềm tin, đủ những yêu thương và đủ cả những ý chí để chọn vùng đất này làm chốn dung thân cho quãng đời còn lại. Nhưng quê hương thì mãi là một nỗi nhớ, một lời ước hẹn mỗi mùa xuân về…