Giao thừa lặng lẽ
Tết đến, Xuân về là dịp mọi gia đình Việt Nam sum họp, quây quần bên nhau cùng cầu chúc cho năm mới may mắn, an lành, nhưng còn có rất nhiều người lính hải quân vẫn chấp nhận đón Tết ở đảo xa, trên các con tàu hay đài, trạm xa xôi… Ở hậu phương, những người mẹ, người vợ phải thay chồng, con gánh vác việc nhà để các anh yên tâm bám đảo, bám biển, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước.
Ánh mắt rơm rớm xúc động khi nhắc tới người chồng, những khó khăn nuôi con bị bệnh, chị Lã Hải Vân, 37 tuổi (Hải An, Hải Phòng) nghẹn ngào. Chị là vợ của anh Ngô Vĩnh Hòa, 40 tuổi- Thủy thủ trưởng tàu 8001, Hải đội 301, vùng Cảnh sát biển 3. Lấy nhau 14 năm là 14 năm vợ chồng chị xa cách. Vì công việc đặc biệt, mỗi năm, chị chỉ được gặp chồng một lần với thời gian rất ngắn ngủi. Cuộc sống xa chồng, những lần gặp nhau chỉ tính trên đầu ngón tay nhưng điều đó không làm hai người vơi bớt đi tình yêu mà càng trân trọng hơn những giây phút gần nhau.
Thế rồi niềm hạnh phúc lớn lao đến với gia đình anh chị khi con trai chào đời nhưng nó cũng khiến đôi vai chị thêm phần gánh nặng khi vừa làm mẹ, vừa làm cha, vừa là hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác. Buồn tủi hơn, khi con trai của chị không may bị bại não. Nhìn con ngơ ngẩn trong khi chúng bạn vui đùa, chị đứt từng khúc ruột. Bé thường hay sốt co giật về đêm khiến người mẹ trẻ bao lần hốt hoảng đưa con đi cấp cứu. Gom góp, vay mượn được ít tiền chị lại mang con đi bệnh viện.
Nuôi một đứa trẻ đã khó, nuôi một trẻ bại não khó gấp trăm lần. Chị đành nghỉ công việc dạy học, ở nhà chăm sóc con thơ bệnh tật. Con trai ốm đau, gương mặt đờ đẫn chẳng theo được lớp học. 13 tuổi nhưng bé vẫn chỉ là đứa trẻ có trí não 2-3 tuổi. Mọi ăn uống, học hành, vệ sinh cá nhân chị đều phải đảm trách.
Chị ở nhà bỏ bao tháng ngày kiên trì dạy con học. Mưa dầm thấm lâu, con chị đến nay 13 tuổi đã biết đọc, biết viết dù chậm. “Cũng may, con trai thứ hai (3 tuổi) của tôi không bị bệnh tật như anh nó. Tôi thấy nguôi ngoai phần nào”.
Kinh tế eo hẹp, khó khăn bủa vây, nén nỗi cô đơn dâng trào, mỗi lần liên lạc, chị Vân đều động viên: “Anh cứ yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao, công việc ở nhà đã có em lo”. Chị sợ anh phân tâm, không làm tròn nhiệm vụ. Mọi công việc trong nhà đều do một tay chị lo liệu, từ nuôi dạy con, sửa nhà đến cả những việc như thay bóng đèn, sửa ăngten...
Thương con dâu vất vả, bà Lương Thị Hinh, 70 tuổi thường sang phụ giúp con, cháu. Bà xúc động: “Gia đình tôi có con dâu hiền thảo. Có vậy, con trai tôi mới yên lòng nơi đầu sóng ngọn gió.”
Tết đến, bà cháu, mẹ con chị Vân không khỏi chạnh lòng. Nhà neo người, mỗi năm gần đến tết nghe chồng thông báo sẽ không về, chị lại nuốt nước mắt vào trong.
Những ngày cuối năm, gia đình chị Vân tất bật chuẩn bị đón Tết. Dù chồng ở ngoài đảo xa, kinh tế khó khăn, chị vẫn vun vén, lo một cái Tết đầm ấm, vui vẻ để anh yên lòng. Chị đưa bà và hai con đi chợ hoa hòa không khí đón Tết. Bà cháu, mẹ con quây quần gói bánh trưng, làm mứt dừa, mứt táo, trang trí mâm ngũ quả, trang trí nhà cửa. Tất cả chị đều cập nhật qua “phây” để anh ở xa được chia sẻ niềm hân hoan đón chào năm mới.
Chị rưng rưng: “Năm đầu nhìn gia đình người ta sum vầy, cùng nhau đi hái lộc đầu xuân, trong khi nhà mình vắng ngắt, tôi rất tủi thân. Đêm giao thừa, ba mẹ con ra sau nhà gọi điện cho chồng nhưng nghẽn mạng. Mãi đến 30 phút sau, nghe được giọng anh trên điện thoại, tôi bật khóc nức nở, cả hai vợ chồng chỉ im lặng và đón giao thừa bằng sự xúc động nghẹn ngào như thế nhưng trong lòng trào dâng niềm hạnh phúc”.
Đan áo mới gửi cho chồng
Cũng như các gia đình có chồng công tác ngoài biển xa, chị Hà Thị Liễu, 38 tuổi (Thái Thụy, Thái Bình) tâm sự: Chồng chị là anh Lê Quang Sơn, 43 tuổi- nhân viên pháo tàu- Tàu 8003, HĐ 101, Vùng Cảnh sát biển 1. Một mình nuôi hai con thơ, chị vừa làm cha vừa làm mẹ vừa làm tròn công việc cán bộ y tế xã. Nghỉ phép của anh rất ít. Chị nhớ lại, ngày 30/4 năm trước, anh được nghỉ phép 3 ngày. Anh Sơn định bụng sẽ đưa cả nhà đi ra Hà Nội thăm quan. Dự định ấy không thực hiện được bởi mẹ chị bị tai nạn ngã gãy chân. Anh chị thay nhau vào bệnh viện chăm sóc mẹ. Bà ngày sau anh lên đường công tác.
“Mỗi lần anh xa nhà, mình lại thấy thương và lo cho chồng nhiều lắm”- chị Liễu tâm sự. Chị ở nhà, vừa đi làm, vừa nuôi dạy 2 con lại vội vã vào viện chăm sóc mẹ già.
|
Ba mẹ con chị Hà Thị Liễu. |
Cậu con trai đứng gần mẹ mắt rơm rớm vì bố đi đảo biền biệt, chẳng mấy khi ở nhà chở cháu đi sắm quần áo mới, ăn Tết cùng gia đình. Rót chén trà nóng hổi mời khách như để xua đi cái lạnh buốt giá của trời cuối đông và cũng để xua đi cái lạnh trong lòng người vợ trẻ đã lâu vắng hơi chồng.
Đôi lúc chị thấy tủi thân, chạnh lòng vì bạn bè có chồng đỡ đần, làm bờ vai vững chắc nương tựa, nhưng cảm giác đó nhanh chóng tan biến khi nghe giọng nói của chồng nơi xa gọi về động viên, an ủi đầy thương yêu “Anh biết, lấy chồng công tác ở xa là khổ, nhưng anh tin em đủ bản lĩnh và niềm tin để vượt qua. Em hãy tin rằng anh luôn bên cạnh em để cổ vũ động viên em vượt qua khó khăn, vất vả…”.
Mỗi lần nhớ anh, chị lại bật đĩa nhạc nghe bài hát có câu: “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa. Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà”… để với đi nỗi nhớ.
Ngoài chuẩn bị các thực phẩm, đồ dùng thiết yếu trong dịp Tết, chị Liễu tự tay đan những tấm áo len cho chồng. Các con chị làm những tấm bưu thiếp nhỏ xinh với lời chúc bố mạnh khỏe, công tác tốt. Chị cẩn thận gói những món quà đong đầy yêu thương ấy gửi cho anh. Chị muốn đúng đêm giao thừa, anh mặc chiếc áo và đọc những câu chúc của gia đình.
Hầu hết, các gia đình có người thân ở ngoài đảo xa đều có khó khăn, vất vả, neo người. Dù vậy, những người vợ ấy đầy nghị lực chèo lái con thuyền hạnh phúc để các anh yên tâm giữ biển. Niềm vui đoàn tụ ngày Tết của họ tuy chưa được trọn vẹn nhưng các chị vẫn vui cười, chung thủy. Họ thực sự tự hào khi có người chồng đứng ở tuyến đầu bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.