Nhiều người sống ở thành thị đã thân quen lâu, nhưng ngày Tết vẫn muốn trở về thăm lại người bà con, anh em, thắp hương lên mộ tổ tiên với tất cả tấm lòng thành kính. Họ trở về như muốn tìm lại chính mình, tuổi ấu thơ của mình trên những con đường nhỏ thân quen, cùng bạn bè “chăn trâu cắt cỏ”.
Với những người xa quê nhà lập nghiệp ở thành thị, trở về trong ngày Tết vẫn là điều đặc biệt cho dù cuộc sống vẫn khó khăn. Khó khăn về tài chính, về chuyện đi lại, thời gian ngắn ngũi.. nhưng ai cũng quyết tâm về nhà dù hành trình trở về quá khó nhọc.
Hằng năm, chúng ta chứng kiến cảnh nhiều anh chị em ở phương xa phải chen chúc trên những chuyến xe đò bụi đỏ để về nhà. Dù giá cả mắc hơn, dù phải đứng không được ngồi, dù gì đi nữa thì họ vẫn động viên nhau “gần về đến nhà rồi…”
Ngày Tết là ngày của sự đoàn viên, người ta kiêng kỵ nói nhau nặng lời, người ta thứ tha cho nhau lỗi lầm, rồi cùng với nhau quỳ dưới bàn thờ tổ tiên, nguyện cầu cho năm mới an lành. Anh em cùng nhau chúc phúc cho nhau, con cháu mừng tuổi người già…cứ vậy mà ngắm nhìn ngày Xuân reo vui.
Tôi có người Bác sống ở thủ đô, nhưng hầu như năm nào cũng gắng gượng đi xe đò về quê dù trong người nhiều bệnh tật của người già. “Cho tao về để tao trò chuyện với anh em, rồi sau này tao chết cũng đưa về quê chôn”. Bác tôi đã lo hẳn cho mình nơi an nghỉ cuối cùng là quê nhà chứ không phải nơi đất khách, quê người.
Sức sống mãnh liệt nào níu kéo con người trở về đến vậy? Đó chính là cố hương. Đó chính là nơi xuất phát, nơi ta trưởng thành, nơi có ký ức không phai mờ. Đó là nơi có cha mẹ, mồ mả ông bà, nơi mà chúng ta tìm về nương tựa, giống như con chim có cái tổ ấm để trở về sau một ngày dài đi kiếm thức ăn.
Không phải ai cũng có đặc ân là được trở về. Với những người xa cách về địa lý, rồi hoàn cảnh kinh tế, điều kiện, ở quê nhà người thân thích không còn… thì họ trở về đâu? Đâu là quê nhà của họ, đâu là chốn họ tĩnh lặng mỗi khi năm hết, Tết về?
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Tôi còn nhớ một bài viết của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về “quê hương đích thực”: “Chúng ta phải đi tìm quê hương ngay chính trong trái tim của chúng ta, trong chính hải đảo tự thân của chúng ta. Chúng ta sẽ gặp được tổ tiên tâm linh và huyết thống, chúng ta sẽ gặp được suối nguồn gốc rễ của chúng ta, chúng ta sẽ có bình an, có sự an ổn, có ánh sáng. “Hãy nương tựa nơi hải đảo tự thân, hãy nương tựa vào pháp mà đừng nương tự vào một ai khác". Phải chăng, quê hương không phải là một nơi chốn xa cách bởi không gian và thời gian. Quê hương có thể có mặt trong giờ phút hiện tại nếu mình biết trở về? Quê hương có thể về được chỉ trong một hơi thở, trong một bước chân?
Với người đi xa, được trở về sum họp với anh em là điều may mắn và hạnh ngộ, nhưng với những người không có cơ hội để trở về thì dường như vẫn luôn có quê hương trong hành trình của đời mình. Cứ vậy mà đi, mà sống, mà rong chơi…
Và những ngày cận kề mùa Xuân này, biết bao bước chân người con dân Việt đang vội vã tìm về đất mẹ, để chung vui bên ly rượu đầy mừng năm mới, được nghe những câu chuyện tự sự từ anh em, được đi lại con đường nhỏ thân thuộc…và được những phút giây nghỉ ngơi thật ấm cúng.
Con người ta ra đi là để rồi lại tìm về. Dẫu trong hành trình có nhiều vấp ngã, thì quê nhà lại cho sức mạnh, lại nâng đỡ ta lên.../.