Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ra làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa lần này cũng có nghĩa là các anh đón cái Tết Nguyên đán xa nhà nơi đầu sóng ngọn gió…
Nước mắt tình yêu
Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Nữ Nhi (SN 1991, quê Quảng Trị) khi chị vừa tan trường về khu nhà trọ tại phường Vĩnh Hòa (TP.Nha Trang). Chị Nhi là giáo viên một trường mầm non tại TP.Nha Trang và là vợ của Trung úy Hải quân Nguyễn Ngọc Tú (SN 1989, quê Thái Bình, công tác tại đảo Song Tử Tây).
Khi nhắc đến chồng phải đi công tác và ăn Tết nguyên đán cổ truyền xa nhà lần đầu tiên, người phụ nữ sắp làm mẹ này nói trong xúc động: “Chồng em xung phong đi đấy chứ. Anh ấy bảo muốn ra nơi đầu sóng ngọn gió để thử thách chính bản thân mình và chia sẻ những khó khăn với những anh em đã từng công tác ngoài đảo.
Lần này đi công tác, chồng em bảo chắc sẽ đi 18 tháng mới về. Tết này không có chồng ở bên, em ban đầu cũng lo lắng vì đang mang bầu mới được 4 tháng. Nhưng chồng đi vì nhiệm vụ, vì công việc mà cấp trên đã giao nên cả hai vợ chồng em đều động viên nhau cố gắng”.
Do quê nhà xa xôi, lại đang mang bầu nên chị Nhị tình nguyện ở lại vừa làm nhiệm vụ trông coi trường, vừa tự mình sắm Tết, lo liệu mọi việc. “Do đi lại không tiện nên em đã thưa với bố mẹ hai bên rồi. Em cũng đã gửi quà về biếu hai bên nội ngoại ở quê nên cũng an tâm. Bố mẹ cũng mong em về lắm nhưng biết làm sao được”.
Qua tâm sự, chị Nhi cho biết, chồng đi đảo xa, chị không lo mình tủi thân bởi ngay tại trường học nơi chị công tác, có nhiều giáo viên cũng có chồng đi đảo công tác dài ngày nên chị em có thời gian lại trao đổi, tâm tình động viên nhau cho vơi bớt nỗi nhớ nhung.
“Em chỉ lo cho sức khỏe của chồng, chứ mình vất vả mấy cũng cố gắng được. Ngoài đó đâu chỉ có sóng và gió, còn có cả những nguy hiểm khác nữa. Khi nào chồng em đi công tác về, cả nhà cùng đón giao thừa với thiên thần bé nhỏ này, lúc ấy nhà em sẽ ăn Tết bù”, Nhi cười và chỉ vào bụng mình, nơi hài nhi bé bỏng đang lớn dần.
Cùng giống hoàn cảnh với Nhi là chị Nguyễn Bích Ngọc (SN 1979, vợ Đại úy Hải quân Nguyễn Trí Tín, công tác tại đảo Nam Yết). Khi chúng tôi vừa đến nhà, chị Ngọc vừa tan ca chiều tại nhà máy sợi Nha Trang. Tất tả đón con gái vừa tròn hai tuổi gửi trẻ về nhà, chị đặt nồi cơm để chuẩn bị cho bữa chiều.
Chị Ngọc tâm sự: “Anh ấy đã từng đi đảo 1 năm rồi. Lần này lại được cử đi lần nữa nên hai mẹ con cũng đã quen rồi. Năm nay, đón Tết chắc chỉ có hai mẹ con nhưng ít ra con gái đã bi bô nên đỡ buồn hơn chứ năm ngoái khi anh ấy gọi điện về, con gái vẫn còn ẵm ngửa anh ạ”.
Theo lời chị Ngọc, Đại úy Tín trước kia đóng tại đảo Sơn Ca và hoàn thành công tác tháng 8/2014. Sau 4 tháng nghỉ ngơi và làm nhiệm vụ tại đất liền, anh tiếp tục được cử đi công tác tại Nam Yết đến hết tháng 1/2016.
Hỏi chuyện chị chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền, chị Ngọc đáp: “Chắc hai mẹ con sẽ về quê nội để cháu được thăm ông bà. Năm trước anh ấy đi đảo công tác, lúc đầu nhớ lắm! Khi thời khắc giao thừa đến, nghe giọng chồng gọi điện về nhà mà chả nói được câu nào chỉ khóc. Nhưng rồi biết anh ấy đi vì nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước nên trấn tĩnh lại rồi nhắn nhủ anh ấy giữ gìn sức khỏe để công tác tốt”.
Nhìn lên bức ảnh cả gia đình chụp khi đi chơi, chị Ngọc nói: “Mỗi người một công việc, làm vợ lính Hải quân, các chị đều bảo luôn chuẩn bị tinh thần cho việc chồng đi đảo và công tác dài ngày. Tết là dịp các gia đình sum họp nhưng mình tự hào khi chồng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc nên dù chỉ có hai mẹ con đón Tết nhưng vẫn cảm thấy vui và ấm áp vì còn rất nhiều gia đình giống hoàn cảnh của mình”.
Hạnh phúc ngày gặp mặt của cha và con. |
Đặt trọn niềm tin nơi đảo xa
Trong dòng người hối hả chiều cuối năm mua sắm Tết, chị Đào Thị Lý (Giáo viên trường tiểu học Vĩnh Nguyên, phường Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cùng con trai 4 tuổi chọn hai nhánh cây tài lộc và một chậu cúc loại vừa để sắm Tết.
Chị cho biết, chồng chị là Thiếu úy Hải quân Trần Ngọc Dũng đang công tác tại đảo Trường Sa Đông. Năm nay là năm thứ hai anh đón Tết xa nhà và cũng là cái Tết thứ hai chỉ có hai mẹ con với nhau. Đưa con đi sắm Tết nhưng chị Lý không mua nhiều đồ đạc như mọi người.
Chị tâm sự: “Không có chồng ở nhà nên hai mẹ con chỉ trang trí bàn thờ để thắp hương tổ tiên. Do bố mẹ hai bên đều đã mất nên chị không về quê mà ở lại đón Tết tại Nha Trang. Giao thừa năm ngoái, chị gọi điện cho anh chị em ở quê rồi chờ điện thoại của chồng từ ngoài đảo gọi về”.
“Mới đầu nghe tin chồng đi đảo công tác đến hơn hai năm, chị cũng khóc nhưng hiểu rằng đó là nhiệm vụ mà không phải người lính nào cũng có vinh dự như chồng mình nên hai mẹ con động viên anh hoàn thành nhiệm vụ và sớm trở về. Chị ở trong đất liền còn có mọi người, các thầy cô trong trường nên không lo buồn chứ ngoài đảo, chồng và các anh em thiếu thốn, nghĩ đến chỉ có thương chứ niềm tin lúc nào cũng đặt trọn nơi anh ấy cùng đồng đội”, chị Lý nói.
Trong tiết trời nắng hanh hao, tiếng sóng biển rì rào, những chậu cúc và cánh mai vàng lấp lánh nắng chiều của những ngày cận Tết, có bóng dáng những người mẹ, người phụ nữ có chồng, con đang công tác nơi đảo xa âm thầm và lặng lẽ. Các chị không đòi hỏi bất cứ điều gì cho hạnh phúc riêng tư mà tin tưởng, hy sinh để các anh, những người lính Hải quân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó…
Tết đã về trên khắp nẻo nơi nơi, và Tết cũng về với những niềm vui riêng của những người là vợ lính Hải quân./.