Thông tin liên quan được đưa ra tại tọa đàm “Lao động di cư với phòng chống tệ nạn xã hội”, do Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) và Hội LHPN Hà Nội phối hợp tổ chức mới đây, ở Hà Nội.
Thiếu thốn đủ bề
Các báo cáo thống kê của Chính phủ và của các tổ chức xã hội cho thấy, tại Việt Nam, luồng di cư từ nông thôn ra thành thị đang gia tăng cả về số lượng lẫn tỷ lệ người di cư. Dự báo sẽ có tới 5 triệu người di cư từ nông thôn ra thành thị vào năm 2019, chiếm khoảng 5% dân số.
Đa số làm các công việc lao động đơn giản trong khu vực kinh tế phi chính thức (như gánh hàng, kéo xe, nhặt rác, xe ôm, đánh giầy…), không có hợp đồng lao động, không tham gia BHYT, BHXH tự nguyện.
Các chuyên gia cho rằng, lao động di cư là nhóm lao động yếu thế và hiện chưa có chương trình, chính sách tổng thể nào để dành cho họ. Hầu hết người lao động di cư khu vực phi chính thức chưa hiểu đầy đủ về quyền lợi của mình ở nơi làm việc và nơi cư trú như: quyền không bị phân biệt đối xử, quyền có công việc và các điều kiện làm việc, quyền được giáo dục, chăm sóc sức khỏe, quyền được bảo đảm về an sinh xã hội...
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có tới 90% người lao động di cư không được tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội và các chính sách công tại nơi đến. Thực tế này làm ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cuộc sống và quyền của lao động di cư, đặc biệt là phụ nữ, vì có hơn 80% người lao động di cư có đem theo con tới nơi đến và không có chính sách riêng biệt về y tế và giáo dục dành cho các nhóm con của người di cư.
Bà Phạm Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Chương Dương (TP.Hà Nội) cho biết: “Trên địa bàn phường hiện có khoảng 2.000 lao động di cư, phần lớn trong số họ không có đăng ký tạm trú, tạm vắng.
Thậm chí, có những gia đình di cư lên phường làm việc nhiều năm nhưng không làm thủ tục khai báo với cơ quan chức năng. Điều này cản trở họ trong việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe và tư vấn pháp luật”.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Sinh (quê ở thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) cho hay, ở quê khó khăn nên chị phải bám trụ lại đất Thủ đô, rửa bát thuê kiếm tiền nuôi người chồng đau ốm triền miên, cùng 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học ở quê nhà. Thu nhập bình quân của chị khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng.
Chị Sinh phải thuê nhà trọ mỗi tháng hết 1, 3 triệu đồng, tiền học cho các con hết 2 triệu đồng nên ăn uống, sinh hoạt phải hết sức dè dặt. Hiện tại, do thu nhập thấp, vợ chồng, con cái chị chưa có và cũng chưa dám nghĩ đến tham gia đóng BHXH, BHYT. Chị Sinh mong rằng, nhà nước có chính sách để người lao động di cư được tiếp cận về an sinh xã hội như những người lao động khác.
Về việc làm, tỉ lệ thất nghiệp của người di cư cao gần gấp 5 lần so với tỉ lệ thất nghiệp của lao động từ 15 tuổi trở lên, tập trung chủ yếu ở nhóm thanh niên 15-24 tuổi.
Một bộ phận đáng kể trong số những người lao động di cư hiện có công việc thiếu ổn định, bấp bênh, đặc biệt là khu vực phi chính thức. Mức thu nhập cơ bản của hầu hết lao động di cư chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu và họ thường không tiếp cận được các chương trình giảm nghèo, vay vốn tạo việc làm.
Cần tạo sinh kế ổn định
Các chuyên gia chỉ ra rằng, chính điều kiện sống khó khăn, thiếu thốn, công việc bấp bênh, thiếu kiến thức xã hội và cơ hội tiếp cận với các dịch vụ đã khiến người lao động di cư trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, lừa đảo, chịu ảnh hưởng của các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, lây nhiễm HIV/AIDS...
Theo bà Nguyễn Thu Giang, Phó Giám đốc Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng, những lao động di cư tới làm việc tại Hà Nội cũng như những thành phố lớn luôn phải chịu thiệt thòi. Họ luôn thiếu thông tin, không có tiền mua sắm “dụng cụ bảo vệ”, đã vậy lúc cô đơn, buồn chán họ hay bị bạn bè rủ rê nên tự đẩy mình vào chỗ không an toàn, nhiều người bị mắc bệnh, rơi vào tệ nạn lúc nào không hay.
Ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Hà Nội cho rằng: “Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý người nghiện ma túy vì lượng người di cư lên TP rất đông. Tỷ lệ người nghiện trong số người di cư đến cũng rất cao bởi Hà Nội là đô thị sôi động.
Bên cạnh đó, trong số những người di cư thông thường cũng sẽ có nhiều người khi hòa nhập vào đời sống xã hội tại TP mới mắc nghiện... Chính vì thế, có thể nói Hà Nội có tất cả những khó khăn, thách thức của công tác quản lý người nghiện”.
Người lao động di cư thường sống cô lập, tách biệt và phải chịu những quan điểm, hành vi đối xử kỳ thị, phân biệt kiểu “nhà quê - thành phố”... Phụ nữ và trẻ em gái di cư càng bị kỳ thị và ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ xã hội. Thậm chí, họ phải gánh chịu “bạo lực kép” - bạo lực trên cơ sở giới và những hành vi bạo lực với người di cư.
Bà Dương Thị Lý Anh, Trưởng Ban Luật pháp chính sách (Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội) cho rằng, hỗ trợ lao động di cư làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, tránh trở thành tội phạm là vấn đề đáng được quan tâm trong công tác đảm bảo chính sách an sinh xã hội.
Để tránh tình trạng thất nghiệp dẫn đến phạm tội ở bộ phận này, điều quan trọng là cần tạo sinh kế ổn định, môi trường sống lành mạnh để họ yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền chính sách, pháp luật phòng chống nguy cơ đối với cộng đồng lao động di cư nhằm nâng cao nhận thức cho đối tượng này là hết sức cần thiết.
Theo luật sư Trịnh Quang Chiến (Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á), cần xây dựng chính sách riêng cho lao động dư cư định cư lâu dài tại Hà Nội (hoặc các thành phố khác) để họ được hưởng các chính sách về y tế, nhà ở, vệ sinh, điện nước… như người thành phố.
Vì họ cũng là lực lượng đóng góp nhiều cho thành phố mà lại không được hưởng các chính sách thì quá thiệt thòi.
“Tôi đã trực tiếp đến nơi họ ở, chứng kiến những bữa ăn thiếu thốn của lao động di cư. Họ ở trong những căn hộ tăm tối, 10 người trú ngụ trong căn nhà 10m2 ẩm thấp, chi phí sinh hoạt ăn, ở, chi trả tiền điện, tiền nước đắt đỏ. Trong khi đó, chưa có chế độ, ưu đãi dành riêng cho lao động di cư. Nhiều người trong số họ bị phân biệt đối xử, kỳ thị”, ông Chiến cho biết.
Tháng 7/2008, Luật Phòng, chống bạo lực trong gia đình chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh Luật này cần có chính sách để bảo vệ nhóm người di cư yếu thế.
Những nghiên cứu của Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng chỉ ra rằng, chị em phụ nữ sống tại nhà có thể được sự giúp đỡ của anh em, họ hàng, chính quyền địa phương nếu có bạo lực xảy ra. Tuy nhiên, họ sẽ rất khó được giúp đỡ khi đi làm ăn xa nhà.
Vì vậy, chuyện người lao động di cư bị đánh đập, lăng mạ, quỵt tiền công, xâm hại tình dục... vẫn xảy ra.
Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa, ban hành các văn bản mới có tính khả thi và hiệu quả hơn, trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng và tạo điều kiện để người lao động nhập cư được tiếp cận các quyền cơ bản của công dân một cách tốt nhất; cải cách triệt để hơn trong hệ thống thủ tục hành chính về quản lý hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, tuyển sinh các bậc học. Đồng thời, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục tham gia bảo hiểm y tế để người lao động di cư có thể dễ dàng tiếp cận.
Ngoài ra, cần tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình tư vấn pháp luật cho lao động di cư để họ có cơ hội tiếp cận các thông tin liên quan đến chính sách lao động, việc làm, an sinh xã hội như: BHYT, BHXH; từ đó hiểu rõ quyền lợi chính đáng của bản thân.