Đưa chúng tôi tham quan các rẫy màu của địa phương mình, ông Lý Mạnh Khuynh - Bí thư Chi bộ ấp Kinh Đứng B (xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời) tự tin cho biết, nhờ có quy hoạch từ trước, chủ động thành lập Hợp tác xã rau màu và có nơi bao tiêu sản phẩm nên rau màu của ấp Kinh Đứng B luôn có đầu ra ổn định, thương lái không ép giá.
“Tùy theo mùa, bà con trồng xen canh nhiều loại nhưng thế mạnh ở đây là đậu xanh, gần đây là trồng rau nhúc trên ruộng. Tuy hơi cực nhưng thu nhập ổn định hơn trồng lúa gấp 2-3 lần chỉ trong thời gian ngắn” – ông Khuynh chia sẻ.
Ngoài Kinh Đứng có nhiều hộ đồng bào Khmer trồng màu, các huyện như U Minh, Thới Bình nhà nhà hồ hởi canh tác thêm rau màu, cho thu nhập ổn định quanh năm, cao điểm là vào những ngày Xuân về, Tết đến.
Tranh thủ nghỉ ngơi sau khi đã tưới nước cho rẫy màu được trồng trên những khoảnh đất trống vuông tôm kết hợp làm một vụ lúa của nhà mình, anh Thạch Văn Đèo (ngụ ấp Tapasa I, xã Tân Phú, huyện Thới Bình) tiết lộ rằng, ngày trước đồng bào Khmer trong vùng chỉ độc canh cây lúa, chuyển dịch qua nuôi tôm chỉ trông chờ vào vụ tôm. Vậy nhưng, nhờ được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng rau màu, kéo nông dân vào học nên bà con quê anh giờ đã nắm vững kỹ thuật canh tác, mạnh dạn trồng rau màu đại trà vào dịp cận Tết.
Anh Đèo thú thật: “Tuy chỉ vài công đất tôm lúa thôi nhưng nhờ nuôi thêm con cua, con tôm, làm thêm vụ lúa và tận dụng đất trống trồng màu mà gia đình tôi giờ đã có cuộc sống ổn định. Chỉ riêng trồng màu, nhà tôi một năm được 3 vụ, mỗi vụ lời trên 5 triệu đồng, nếu trúng giá như vụ màu Tết thì lãi nhiều hơn”.
Anh Nguyễn Bình Nguyên - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình cho biết, từ năm 2000 đến nay, ấp Tapasa I và Tapasa II (xã Tân Phú) và một số xã lân cận của huyện là Thới Bình, Hồ Thị Kỷ, Trí Phải... được coi là “xứ rau màu” của huyện. “Nếu giá cả ổn định, trồng 1 công màu thu nhập và lợi nhuận bằng 4 công trồng lúa nước. Nhờ có thêm thu nhập ấy mà đời sống đồng bào Khmer trong vùng chuyển biến hẳn” – anh Bình Nguyên khẳng định.
Tại vùng đồng bào Khmer ấp 6 của xã Khánh Hòa (huyện U Minh), bà con vui mừng xuống màu vụ Tết. Nhiều năm nay, rau màu gần như trở thành cây trồng chuyên canh chủ lực của đồng bào Khmer ấp này. Bà con giờ đã biết nắm bắt nhu cầu thị trường nên chọn lựa những loại rau màu có giá theo thời vụ…
Chú Kim Tây - một trong những hộ tiên phong trong phong trào cải tạo vườn tạp trồng rau màu tại ấp 6 - tâm sự: “Thị trường đầu ra là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả sinh lợi từ rau màu. Mình trồng loại rau màu theo nhu cầu thị trường luôn bán với giá ổn chứ trồng theo lối cũ “thích gì trồng đó” thì rủi ro rất cao. Như vụ tết này, nhà tôi hổng trồng cải tùa xại như mọi năm mà thay bằng bắp cải, củ cải trắng”.
Ngoài chỉ dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho hộ trồng màu, thời gian gần đây xã đặc biệt quan tâm phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư Cà Mau để nắm được thông tin dự báo thị trường, lịch thời vụ. Qua đó đã khuyến cáo hộ trồng rau màu của xã xuống giống phù hợp, trồng được loại thị trường thiếu, đầu ra ổn định - ông Ngô Trường Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa cho biết.
Phần lớn tiểu thương cho hay, rau màu các loại hiện chưa tăng giá nhưng bước qua đầu tháng 1 dương lịch, hầu như loại nào cũng nhỉnh giá và kéo dài đến cận trước và sau Tết, bình quân giá tăng từ 10-30% tùy loại. Đó cũng là lí do nhà nông Cà Mau hồ hởi đón vụ màu Tết…