Mục tiêu dự án để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, thu phí sử dụng đường bộ phục vụ phát triển hạ tầng giao thông, mang lại các lợi ích kinh tế-xã hội trong việc xóa bỏ ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí, tiết kiệm chi phí của người và hàng hóa tham gia giao thông, minh bạch hóa nguồn thu phí; kiểm soát tải trọng xe, xóa bỏ xe quá tải quá khổ; giúp cơ quan Nhà nước quản lý được các loại xe lưu thông, giám sát tốc độ...
Ông Vũ Quang Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tasco cho biết, với hơn 100 trạm thu phí đã và sẽ xây dựng trên toàn quốc, việc áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe sẽ mang lại những lợi ích kinh tế-xã hội vô cùng to lớn.
Theo đó, Giai đoạn 1, Tasco sẽ xây dựng toàn bộ các trạm thu phí BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14) trong thời gian 1015-2016. Giai đoạn 2 xây dựng các trạm thu phí trên cao tốc và các quốc lộ khác trên toàn quốc từ 2017-2018.
Ông Lâm cho biết thêm: “Nhà đầu tư dự án thu phí tự động không dừng thực hiện việc thiết kế mẫu trạm thu phí trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, ban hành để đảm bảo việc chuẩn hóa kết nối vào hệ thống thu phí không dừng (ETC),”
Bên cạnh đó, nhà đầu tư dự án thu phí tự động tổ chức vận hành thu phí cho toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc. Doanh thu từ các trạm phí sau khi trích 5 chi phí dịch vụ thu phí sẽ được chuyển trả trong ngày vào tài khoản của các nhà đầu tư BOT. Bộ Giao thông Vận tải có quyền giám sát, kiểm tra việc thu phí của nhà đầu tư.
Trước đó, Tasco đã đề xuất và được Bộ Giao thông Vận tải cho triển khai thí điểm hệ thống thu phí tự động không dừng.
Ngày 13/3 vừa qua, Tasco đã tổ chức thành công việc chạy thử nghiệm hệ thống thu phí không dừng và kiểm soát tải trọng xe tại trạm Km604+700 (Quảng Bình) và sẵn sàng cho việc triển khai áp dụng thực tế./