Được gọi là “Trung Quốc đệ nhất giám ngục”, chuyên giam giữ các cán bộ cao cấp cấp tỉnh trở lên phạm tội, Tần Thành là nơi chứng kiến sự thăng trầm, chìm nổi của nhiều quan chức cấp cao; thậm chí, có cả Thứ trưởng Bộ CA Dương Kỳ Thanh –người được giao phụ trách xây dựng rồi lại trở thành tù nhân đầu tiên của Tần Thành.
Kết cấu độc đáo
Lúc đầu nhà tù Tần Thành (sau đây gọi tắt là Tần Thành) do Cục Bảo vệ chính trị (Bộ CA) quản lý, năm 1962 chuyển sang Cục Dự thẩm với tên gọi “Trại giam Bộ Công an Trung Quốc”; đến năm 1998, Cục Dự thẩm đổi tên thành Cục quản lý tại giam. Trong thời kỳ “Cách mạng Văn hóa”, do nội bộ Bộ CA đấu đá quyết liệt, Thủ tướng Chu Ân Lai quyết định giao Tần Thành cho Bộ Tư lệnh cảnh bị Bắc Kinh quản lý, mãi đến tháng 1/1973 mới giao lại cho Bộ CA.
Năm 1960, Tần Thành chỉ gồm 4 dãy nhà 3 tầng đánh số 201, 202, 203, 204 chia thành 4 khu giam giữ; các phòng giam nhỏ theo kiểu căn hộ, bố trí không giống nhau, nhưng có gian vệ sinh khép kín với bồn cầu tự hoại kiểu “đạp chân rút nước”. Buồng giam trọng phạm có vách tường chống vượt ngục hoặc tự sát. Trong mỗi phòng có một giường chân thấp, khi cần viết bản khai thì đưa thêm vào chiếc bàn gập kiểu học sinh, không đưa ghế để bảo đảm an toàn.
Tất cả các thiết bị trong phòng đều không có góc nhọn, không có dây thừng, đồ thủy tinh, vật nhọn, đồ dễ cháy. Khu tiện nghi kém nhất là 201, khu cao cấp nhất là 204. Trong CMVH, do số cán bộ “theo con đường tư bản” bị đưa vào đây nhốt quá đông nên phải xây thêm 6 dãy nhà giam nữa. Người ta chỉ biết đến bên trong nhà tù này qua lời kể hiếm hoi của những người từng bị giam ở đây.
Ảnh vệ tinh nhà tù Tần Thành |
Phạm nhân ở Tần Thành đều là cán bộ lãnh đạo cao cấp. Lúc đầu, tù nhân ít, chỉ đánh 2 số: Phan Hán Niên mang số 64, Viên Chu 65, Dương Phàm 66…nhưng Ủy viên T.Ư Nhiêu Thấu Thạch lại mang số 0105 không giống ai. Trong thời kỳ quân quản, số tù đổi thành 4 chữ số, 2 số đầu là năm vào trại, 2 số sau là thứ tự, ví dụ Thích Bản Ngu mang số 6821, Vương Lực 6822, Quan Phong 6823 và được sử dụng cho đến nay: Ngô Học Sán mang số 8929, Vương Bảo Bảo 9004…
Sau khi khánh thành, Tần Thành chuyên giam giữ các tù binh và quan chức Quốc Dân đảng và Mãn Châu quốc cùng các cán bộ cao cấp của đảng, chính quyền “phạm sai lầm nghiêm trọng”, như những người đứng đầu các “Tập đoàn phản cách mạng” Cao Cương, Nhiêu Thấu Thạch, Phan Hán Niên, Dương Phàm, Hồ Phong…
Thời kỳ CMVH, nhất là khi quân đội tiếp quản Tần Thành năm 1967, số “cư dân” ở đây trở nên đông đúc. Lúc đầu là các nhân vật, chính khách nổi tiếng như bà bà Vương Quang Mỹ (1967), Lục Định Nhất, Vương Lực, Quan Phong, Thích Bản Ngu, “Phật sống” Ban Thiền Erdeni nhập trại năm 1968…
Sau đó, các thành viên của “Tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh” gồm “Bè lũ 4 tên” Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Giang Thanh, Diêu Văn Nguyên cùng Ngô Pháp Hiến, Khưu Hội Tác, Giang Đằng Giao…đều bị đưa vào giam ở đây. Để giam giữ họ, đã phải huy động 300 cán bộ cảnh sát vũ trang từ 13 tỉnh thành để thành lập “Đại đội cán bộ CSVT”, trong đó có “Phân đội nữ cán bộ CSVT” gồm 22 người chuyên phụ trách giám quản, áp giải, đi cung tù nhân số hiệu “7604” khu 203 (tức Giang Thanh). Đây là lần đầu tiên và duy nhất Tần Thành có nữ cảnh ngục.
Sau khi Trung Quốc cải cách mở cửa, Tần Thành giam giữ các phần tử chống đối chính quyền như Ngụy Kinh Sinh, Bào Đồng…Sau đó, là các quan chức bị kết án tham nhũng như các cựu Ủy viên Bộ Chính trị Trần Hy Đồng, Thành Khắc Kiệt, Trần Lương Vũ…và mới đây nhất là Bạc Hy Lai cùng hàng chục quan chức cấp tỉnh, cấp bộ khác.
Tần Thành không cho phạm nhân có cơ hội gặp mặt nhau cho dù cùng thụ án ở đây, ngoài phòng giam thì nơi phơi nắng, hóng gió cũng được cách biệt hoàn toàn. Ông Diêm Minh Phục, nguyên Trưởng ban Mặt trận trung ương, người từng bị giam trong Tần Thành hồi CMVH mô tả lại: Từ phòng giam bước ra khu ngoài trời, đó là khu đất hình chữ “U” vây kín bởi bức tường cao ngất, một phía là cửa vào buồng giam, dưới chân là đất, trên là bầu trời, tù nhân chả khác nào ếch ngồi dưới đáy giếng. Lính gác cũng chỉ biết đến phạm nhân qua các mã số chứ không biết tên. Ngô Pháp Hiến, một thành viên “Tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu” từng bị giam ở đây viết trong hồi ký: “Ở đây giống như sống trong một thế giới chỉ có mình tôi và người lính gác”.
Hàng rào bên trong nhà tù Tần Thành |
Là nơi giam giữ các quan chức cao cấp phạm tội nên tù nhân ở Tần Thành được hưởng chế độ đãi ngộ khác hẳn tù nhân ở các nhà tù khác.
Từ 1960 cho đến trước khi thực thi quân quản năm 1967, các phạm nhân cả 4 khu đều được hưởng chế độ đãi ngộ khá cao, đặc biệt khu 204. Mỗi phòng giam ở khu 204 rộng 20m2, nền trải thảm, đặt giường nệm. Tiêu chuẩn ăn uống ngang cấp Bộ trưởng, nguồn thực phẩm hàng ngày nhân viên trại ra nhận từ “Ban cung ứng số 34” ở Đông Hoa Môn về. Bữa sáng có sữa bò; cơm trưa và tối có 2 món xào, 1 canh, sau bữa cơm được lót dạ 1 quả táo được chở đến bằng xe lạnh.
Các phạm nhân khu này còn được phát đồ xuống dạng viên, mỗi hộp 12 viên, mỗi viên pha được 1 cốc, hương bị trà, cà phê và không hương; ngày nào cũng như thế. Ngay trong thời kỳ “3 năm khó khăn”, chế độ đãi ngộ này vẫn được duy trì. Phụ trách ăn uống cho khu 204 là đầu bếp hạng B quốc gia Lưu Gia Hùng được điều từ Khách sạn Bắc Kinh tới.
Các món ăn ông làm có cả vi cá, hải sâm. 15 phạm nhân ở khu 204 được đưa cơm tới tận phòng, mỗi người được nhận 1 cặp lồng 4 tầng, đựng cơm, 2 món xào và canh. Mùa Đông, cặp lồng được đặt trong vỏ bông để giữ cho nóng. Mỗi khu giam giữ sử dụng một loại cặp lồng màu sắc khác nhau. Trong trại có Phòng y tế với biên chế bác sĩ và y hộ lý.
Trong thời kỳ quân quản từ 1967, tất cả mọi đãi ngộ bị bãi bỏ, tù nhân bị coi là “kẻ thù của nhân dân”, “cặn bã”, “xét lại”…thường xuyên bị đánh đập, ngược đãi. Những phạm nhân cũ như Phan Hán Niên đang được hưởng chế độ đãi ngộ cao cấp ở khu 204, nay phải ăn bánh bao không nhân, bắp cải, không được ăn thịt. Mãi đến năm 1972, do một số phạm nhân gửi thư kêu cứu, ông Mao Trạch Đông cho lập tổ công tác vào chỉnh đốn Tần Thành, tình hình mới dần được cải thiện.
Hiện nay, chế độ sinh hoạt của các tù nhân cao cấp ở Tần Thành hơn hẳn những nơi khác. Phòng giam rộng rãi, có trang bị bàn viết, nhà vệ sinh có hố xí bệt và máy giặt. Một bộ phận phạm nhân được cấp báo chí, được xem 1 số chương trình truyền hình từ 7 đến 9 giờ. Những tù nhân đặc biệt do sức khỏe yếu được hưởng chế dộ ăn ngày 4 bữa do nhà nước chu cấp.
Theo thống kê, từ 2004 đến 2014 có hơn 100 cán bộ cấp tỉnh, bộ bị xét xử; trừ 8 người bị tử hình (11%), số còn lại đều bị đưa vào đây giam giữ, thụ hình như Bí thư Thượng Hải Trần Lương Vũ, Thứ trưởng Bộ CA Lý Kỷ Chu, Cục trưởng Thống kê quốc gia Khưu Hiểu Hoa, Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân… Gần đây, Tần Thành còn là nơi giam giữ các tội phạm đặc biệt như: phạm tội gây nguy hại an ninh quốc gia, tội phạm nước ngoài, gián điệp quốc tế, tội phạm nắm giữ cơ mật quốc gia…
* * *
Tháng 8/2000, một nhà tù lớn là Yên Thành bắt đầu được khởi công xây dựng tại thị trấn Yên Giao, thành phố Tam Hà tỉnh Hà Bắc, sẽ được dùng giam giữ các trọng phạm là cán bộ cấp trung ương, cấp tỉnh, bộ cùng phạm nhân nước ngoài và những thường phạm “có giá trị nghiên cứu”. Khi trại Yên Thành hoàn thành toàn bộ, Tần Thành sẽ rút khỏi vũ đài lịch sử, chỉ còn là nơi tạm giữ các nghi can để phục vụ điều tra…/.