Thông điệp “bỏ bùa” được giải mã ở đây dĩ nhiên không phải những hạt gạo trong trẻo, mà là sắc màu rực rỡ trên phục trang của người thiếu nữ. Thử tưởng tượng làn da trắng ngần tương phản với màu đỏ thắm, thêm lọn tóc đuôi gà đen nhánh phất phơ. Ai mà cầm lòng cho được. Tất nhiên, “bỏ bùa” cho nhà sư chỉ mang hàm ý ngầm. Với làn da như thế, cái yếm như thế, nếu không phải bậc chân tu thì không thể không ngơ ngẩn. Chỉ là chuyện đùa thôi nhưng chiếc yếm, thật vô tình (hay hữu ý) đã tình tứ đi vào thơ ca tự thuở nào.
Chiếc yếm, bản thân nó, quả thật đã như một sự lôi cuốn diệu kỳ. Nó là tấm bình phong sống động, chặt chẽ mà hờ hững, phủ lấp vòng một của người con gái. Mà tác phẩm diệu kỳ ấy, không chỉ là món quà tạo hoá ban tặng cho phái yếu, nó còn là phần trang sức không thể thiếu và không gì có thể thay thế.
Lại nhớ rằng trong mười điều đáng yêu của các cô gái làng quan họ, “dải yếm đeo bùa” là điều thứ năm. “Dải yếm đeo bùa” là thế nào? Xin hãy ngược dòng thời gian, tìm về dáng cách cổ xưa của yếm. Thuở ban đầu, yếm chỉ là miếng vải vuông, đặt chéo trên ngực. Góc trên nếu khoét hình tròn là yếm cổ xây, khoét hình chữ V là yếm cổ xẻ. Nếu chỗ xẻ được khoét sâu hẳn xuống, lại có cái tên hoa mỹ là yếm cánh nhạn. Hai đầu cổ yếm có hai dải nhỏ buộc ra sau gáy, đoạn dây thừa ấy theo nhịp di chuyển của người thiếu nữ, theo gió phất phơ bay. Dải yếm đeo bùa chính là đây! Khi có người thương, chị em đều trở nên trau chuốt. Họ kỳ công khâu chiếc túi vải nhỏ, xả hương thơm vào đó rồi thắt nó lên dải yếm. Thật kín đáo mà cũng thật ý nhị, họ thể hiện cho ai đó biết ai đó đã trở nên quan trọng hơn mức bình thường. Trước mùi hương ngất ngây hiển hiện mà lãng đãng như ở tận hư vô ấy, hỏi bậc quân tử nào có thể cầm lòng?
“Dải yếm đeo bùa” thì bùa ngoài là túi xạ hương, có thể còn có một vật khác. Đó là khẩu trầu. Người quan họ hát “khẩu trầu dải yếm” là muốn nhắc đến miếng trầu được giấu trong dải yếm đem ra mời trong đêm hát giao duyên. Hình dung khi chàng trai đến chơi, nếu đã “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, cô gái sẽ mời trầu mở đầu câu chuyện:
“Trầu em têm tối hôm qua,
Cất trong dải yếm mở ra mời chàng”.
Dân gian có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Nhưng với các nàng, đừng tưởng rằng trầu nào cũng như trầu nào. Bởi vì nàng có hẳn ba loại trầu: trầu túi (trầu đựng trong túi), trầu khăn (trầu gói trong khăn) và trầu dải yếm, chính là cái “bùa” chỉ dành để trao gửi người thương.
“Trầu này trầu túi, trầu khăn,
Cùng trầu dải yếm anh ăn trầu nào?”.
Nếu chàng trai chọn trầu dải yếm, cũng có nghĩa đã ấp ủ ước nguyện mong cùng nàng kết mối nhân duyên. Chàng ăn xong miếng trầu, nàng mới hỏi:
“Trầu em buộc dải yếm đào,
Hỏi người tri kỷ ăn vào có say?”.
Ôi cái miếng trầu cất nơi dải yếm, ngoài vị cay nồng của trầu trộn với cau, còn hòa quyện hương thơm thịt da trinh nữ. Ăn thứ “bùa” ấy, chắc còn phải say hơn uống 10 lít rượu làng Vân!
Ngoài dải yếm đeo bùa, phía thân dưới còn có phần đai yếm. Giống như có “tứ trụ” mới chống đỡ được “triều đình”, chiếc yếm phải cần bốn đầu dải yếm và đai yếm trói buộc mới tạm “hoàn thành nhiệm vụ”. Và cái động tác “trói buộc” mới đáng yêu làm sao, có chút gì hờ hững cũng chẳng ai nỡ trách. Người con gái xưa mặc yếm lộ ra phần lưng, yếm lại cắt hẹp nên thường để hở hai bên lườn. Cái cảnh tượng ấy khỏi cần phải tả cũng đủ hiểu đẹp và trữ tình đến mức nào.
“Đàn ông đóng khố đuôi lươn,
Đàn bà yếm thắm hở lườn mới xinh”.
Thử tưởng tượng hình ảnh người thiếu nữ kinh kỳ, trong bộ áo mớ ba mớ bảy, màu yếm thắm cứ rực lên trên nền trắng áo dài, hỏi tại sao cánh con trai chẳng thốt lên, có phần hơi sàm sỡ:
“Trời mưa lấy yếm mà che
Có anh đứng gác... còn e nỗi gì?”.
Ngày nay, xét trên cả phương diện thời trang lẫn sức khoẻ, chiếc yếm đã mất dần ưu thế. Nhưng nó vẫn thật đẹp, thật thơ mỗi khi được nhắc đến. Bằng chứng là vào một ngày thu se se nhạt nắng, vẫn có thể thấy bóng hình người thiếu nữ hiện đại, mang trên mình chiếc yếm cách tân đầy màu sắc, lướt đi giữa nhộn nhịp phố phường.