Cái Câm

Cái Câm
(PLVN) - Ở cái xóm chợ Bãi này, ai cũng có một biệt hiệu để gọi kèm với cái tên. Cái biệt hiệu đó xuất phát từ hình dạng bề ngoài hoặc một thói quen nào đó, tựu trung lại, bất kỳ thứ gì thuộc về đặc điểm để nhận biết một người khác với một người khác. Cũng chẳng phải người ta muốn xách mé gì.

Cái xóm thành lập từ lấn chiếm đất ven sông, người cư ngụ là dân tứ xứ, đa phần đều mưu sinh bằng lao động chân tay. Họ chẳng học cao hay thâm thúy đến mức cạnh khóe gì ai qua cái biệt hiệu. Có khi chỉ là tiện miệng mà gọi, dần rồi thành quen. Cũng như cái tên xóm chợ Bãi vậy. Xóm lấn đất ven sông, người sinh sống ở đây tiện thể họp chợ, thì gọi là xóm chợ Bãi. Đơn giản thế thôi!

Mà những cái biệt hiệu, chẳng biết ai là người đầu tiên gọi ra nhưng chuẩn không chê vào đâu được. Ví như bà Cả bán dưa cà muối. Dưa cà bà Cả muối tuyệt ngon, làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Chỉ tội bà Cả có thói quen chép miệng, cứ nói vài câu lại “chẹp, chẹp” mấy phát. Vậy là thành bà Cả chép. Hoặc thằng Tửu bảo vệ chợ. Ngày trước, Tửu càn quấy khét tiếng một vùng, chuyên nhảy tàu trộm cướp. Một lần bị rượt đuổi, Tửu không may ngã xuống bánh tàu, mất đứt một bàn chân. Đi tù về, Tửu được phường xã cho làm bảo vệ chợ. Từ lúc Tửu lê lết cái bàn chân giả khắp chợ, bọn trộm cắp vặt cũng mất dạng hết, còn bà con chợ Bãi gọi Tửu là Tửu què.

Nhưng vẫn có những ngoại lệ. Ở xóm chợ Bãi, chỉ hai người không có biệt hiệu. Đầu tiên là ông Toán, trưởng xóm. Ông là người đại diện cho phường xã và rất có uy tín với dân chợ Bãi. Bởi những việc ông làm thường là sáng suốt. Ví dụ, ông là người nghĩ ra mưu để thằng Tửu què làm chân bảo vệ chợ. Khi họp với các vị chức sắc địa phương, ông Toán nói đó là “dĩ độc trị độc”. Cho thằng Tửu què chút trách nhiệm, để nó đỡ lêu lổng lại phá làng phá xóm. Tửu què gan cóc tía và liều mạng, thêm cái “mác” mới đi tù về. Có nó bảo vệ chợ, bọn càn quấy khác cũng phải chùn tay. Và ông Toán đã thành công với kế sách đó. Người chợ Bãi quý ông Toán, tôn trọng ông nên không ai dám đặt biệt hiệu cho ông.

Người thứ hai không có biệt hiệu, là cái Câm. Bà Cả chép nhặt được nó lúc còn đỏ hỏn. Khi đó, nó được quấn tã sơ sài trong một cái làn nhựa, đặt hú họa ven sông. Trời phù hộ nó gặp bà Cả chép. Bà cụ hiền từ không người thân thích đã coi nó như ân huệ thần linh gửi cho mình. Nuôi dưỡng đứa trẻ bị bỏ rơi, bà cụ tin là mình thêm một viên gạch xây bảo tháp dâng trước Phật đài. Chỉ buồn một nỗi, nó bị câm điếc bẩm sinh. “Câm” là tên của nó, “câm” cũng là khuyết tật của nó. Nên chẳng ai đặt được cho nó cái biệt hiệu nào nữa. Nhắc đến nó, người ta nói: cái Câm. Muốn gọi nó, người ta phải dùng ký hiệu. Vậy thôi.

Cái Câm không nói được, không nghe được, không biết chữ và không tinh nhanh như người ta, nhưng cái Câm càng lớn càng xinh, đến tuổi thiếu nữ thì thoắt cái đã thành cô gái đẹp. Da con bé trắng hồng. Tóc con bé dài đen óng ả. Mắt con bé thăm thẳm và hay nhìn chăm chăm vào một điểm nào đấy, vừa đẹp vừa có gì hoang dại. Nhất là đôi môi con bé. Đôi môi ấy chưa bao giờ cất được nên lời nói. Có lẽ vì thế, ông trời bù đắp cho đôi môi ấy dáng hình hoàn hảo. Đỏ rực, chín mọng và chúm chím như nụ hồng hàm tiếu.

Hàng dưa cà muối của bà Cả chép từ đấy đông khách hơn. Rất nhiều cậu trai tranh mẹ, tranh chị phần đi mua dưa. Nhìn ngắm và ra ký hiệu, giao tiếp bằng mắt và tay, chẳng cậu nào nói được lời nào. Vì cái Câm đâu nói được gì. Con bé chỉ cười lúc trao hàng nhận tiền, nụ cười ngu ngơ, ánh nhìn ngu ngơ cũng đủ khiến nhiều cậu chàng loạng choạng.

Bà Cả chép thấy hàng mình đông khách, vừa mừng vừa lo. Bà cụ biết rõ cái Câm không tinh nhanh như người ta. Bà cụ biết rõ cái Câm càng lớn càng đẹp. Bà cụ cũng biết rõ tại sao hàng mình đông khách là đám con trai. Bà cụ không còn người thân thích, bà chỉ có mỗi cái Câm. Bà cụ cũng không mong muốn gì cao sang, chỉ mong muốn trong đám con trai đó, có một đứa thật lòng.

Bà Cả chép còn lo vì bà biết mình ngày càng già yếu. Bà sợ lúc bà về đất Phật, cái Câm chưa có nơi có chốn, bơ vơ như ngày bị bỏ rơi ở bến sông lúc còn đỏ hỏn. Nhiều nỗi lo như thế, bà cụ chỉ còn biết tỏ cùng ông trưởng xóm. Tất nhiên là ông Toán đồng ý. Việc ấy với ông dễ như trở bàn tay. Hồ sơ lý lịch của cha mẹ chúng ông còn biết nữa là. Vả lại, bà cụ đã lo nghĩ đến thế. Ông Toán bắt đầu để ý đến cái Câm nhiều hơn. Để ý cả cái đám hay tranh phần mẹ, phần chị đi mua dưa cà muối nữa.

Câm không tinh nhanh như người ta nên tình cảm của Câm cũng đơn thuần. Câm đủ nhận thức để hiểu tại sao hàng mình đông khách con trai. Nhưng Câm chỉ cười thôi. Vì cái người Câm muốn đến mua hàng mình nhất lại ít khi có trong số đó. Người ấy học giỏi và người chợ Bãi cũng tôn trọng người ấy như cha người ấy vậy. Con trai ông Toán là cậu trai duy nhất của xóm chợ Bãi đỗ đại học. Vì là con ông Toán nên cậu cũng sớm có tác phong đạo mạo như cha, chẳng ra oai ra dạng bao giờ.

Với cái Câm, có lẽ cậu cũng chưa có tình cảm gì đặc biệt. Giống cha, giống nhiều người trong xóm, cậu thương xót cái Câm thiệt thòi từ bé. Bằng ánh mắt, bằng cử chỉ, cậu khiến con bé hiểu được sự xót thương ấy. Để rồi khi cậu đi học đại học, lâu lâu mới về thăm nhà, cái Câm luôn mong lúc được nhìn thấy cậu. Nhìn thấy cậu, mắt con bé bớt đi vẻ ngu ngơ. Và khi cậu đến mua hàng, đôi môi con bé vẽ nụ cười rạng rỡ.

Nhận lời nhờ cậy từ bà cụ, ông Toán chưa kịp làm gì thì đã có người làm thay. Tửu què bảo vệ chợ, giờ bảo vệ luôn cả cái Câm. Nó tụ tập đám con trai ở xóm, ở cả những vùng xung quanh lại. Đứng trước bọn chúng ngoài cửa chợ, Tửu què chỉ nói một câu: “Cái Câm là của tao”. Tửu què liều mạng và gan cóc tía. Tửu què từng đi tù vì tội ăn cướp. Dù nó mất một bàn chân, đám du côn vẫn phải kiêng dè nó mà tránh xa chợ Bãi. Nữa là mấy đứa con trai mới lớn.

Thực ra, từ ngày ra tù, Tửu què cũng an phận, bóc sức bảo vệ chợ Bãi. Tửu què chỉ có mỗi cái tật ham rượu, giống hệt bố nó lúc chưa chết vì bệnh gan. Bố nó uống thủng bình thủng lọ, đến mức đặt tên con là “tửu” thì đủ biết bố nó ham rượu thế nào. Cứ tan chợ là Tửu què ngồi uống tì tì. Rượu vào thì lời ra. Và Tửu què lại mang cái “lời ra” ấy đi hỏi vợ. Đêm, nó mò vào nhà bà Cả chép. Hơi men theo lời nó khiến bà cụ và cái Câm chẳng uống giọt rượu nào mà vẫn choáng váng. Tửu què nói liên thiên bát đảo. Nó nói nó bị què còn cái Câm bị câm. Vậy là môn đăng hộ đối. Bà Cả chép giận, cầm cả chổi quét nó ra. Tửu què nổi điên đập phá lung tung trước hàng bà cụ.

Tửu què say rượu quậy phá, cũng chưa làm gì quá đà. Nhưng bà Cả chép tuổi cao sức yếu. Cơn sợ hãi đã khiến bà cụ ngã quỵ. Bà Cả chép ốm liệt giường ít hôm. Đến lúc cuối cùng, bà cụ nhờ người mời ông trưởng xóm. Một tay cầm tay cái Câm, một tay cầm tay ông Toán, bà cụ cũng không còn sức để nói nhiều. Bà nhờ cậy ông trưởng xóm chăm nom cái Câm, bảo vệ cái Câm khỏi thằng Tửu què. Cái Câm không nghe được bà Cả chép nói, nhưng phút cuối, nhìn vào ánh mắt chan chứa yêu thương của bà cụ, nhìn cử chỉ của bà cụ, cái Câm hiểu là từ nay, nó được trao vào tay ông trưởng xóm.

***

Sau ngày bà Cả chép về chầu Phật tổ, cái Câm bơ vơ. Dù ông Toán thường xuyên quan tâm chăm sóc. Dù vài người xóm tốt bụng vẫn qua lại hỏi han. Có vẻ con bé bỗng trở nên sợ hãi. Nó co vào cái vỏ của mình, lặng im đến không một thanh âm. Người xóm thấy mắt nó đờ đẫn. Môi xinh nó cũng không còn e ấp hé nụ cười. Chỉ một người khiến nó bớt đi sợ hãi. Sau ngày bà Cả chép mất, cậu trai càng xót thương cái Câm hơn. Cậu thường về nhà hơn và lần nào về cũng sang an ủi cái Câm. Vẫn như xưa, bằng ánh mắt, bằng cử chỉ, cậu khiến cái Câm hiểu được sự xót thương dành cho con bé.

Sau trăm ngày bà Cả chép về đất Phật, ông trưởng xóm bỗng gọi Tửu què đến. Ông bắt nó thề độc phải đối xử tốt với cái Câm. Rồi ông gả con bé cho Tửu què. Sau hôm say rượu gây chuyện, Tửu què không dám ghé hàng dưa cà muối. Vài lần lén nhìn, Tửu thấy cái Câm ngồi cùng ông trưởng xóm, ánh mắt đầy sợ hãi. Tửu biết ông Toán giờ đỡ đầu cái Câm. Ai Tửu cũng dám dọa, chỉ trừ ông trưởng xóm. Nên Tửu tưởng rằng nó không bao gờ có cơ hội đến gần cái Câm nữa. Nghe ông Toán nói, Tửu què không tin vào tai mình. Dù bắt nó tháo cái bàn chân gỗ, nhảy lò cò cả đời, nó cũng chịu, nữa là thề độc. Câm đẹp như tiên và Câm sẽ là vợ nó. Nó không tốt với Câm thì tốt với ai.

Người xóm không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Như thế là ông Toán làm trái di nguyện của bà Cả chép. Lý do vì đâu? Rồi có người xóm tinh ranh, chợt nghĩ ra nguyên cớ. Ông Toán biết tình cảm của cái Câm với con trai mình. Còn cậu sinh viên, cũng chưa chắc là không có tình cảm đáp lại con bé. Vậy nên ông Toán gả phắt cái Câm cho Tửu què, cắt đứt mối duyên từ trứng nước. Ông trưởng xóm vẫn túc trí đa mưu. Người xóm tặc lưỡi với nhau, ông Toán làm thế có điều không phải. Nhưng để cậu sinh viên đến với con bé câm điếc, người làm cha cũng khó mà chấp nhận.

Đám cưới Tửu què và cái Câm giản đơn chóng vánh. Người xóm bàn tán chút ít rồi thôi. Hàng xóm tối lửa tắt đèn, người chợ Bãi cũng dễ dàng chấp nhận hai con người cùng tật nguyền thành một cặp đôi. Lấy Tửu què, cái Câm không khổ. Tửu thương yêu cô vợ đẹp thật lòng. Nhưng người xóm không bao giờ còn nhìn thấy nụ cười mê hồn của con bé nữa. Cái Câm lặng lẽ như cái bóng bên thằng chồng lê lết một chân.

Cặp vợ chồng mới có hạnh phúc hay không, không ai biết. Nhưng vợ phải làm bổn phận người vợ. Còn chồng, tất nhiên hăng hái thực hiện nghĩa vụ của chồng. Bởi vì người xóm thấy cái bụng của Câm đã lùm lùm. Tửu què là người vui sướng nhất. Dành dụm tiền, Tửu đưa vợ lên thành phố khám thai kỳ. Trở về, nó hởn hở khoe cái giấy siêu âm đã rõ nét hình hài đứa trẻ. Người xóm chia vui với vợ chồng nó. Có người chọc rằng Tửu “tẩm ngầm mà đấm chết voi”, dám “ăn cơm trước kẻng”. Tửu què ngơ ngơ chưa hiểu. Thì đây, từ trăm ngày bà Cả chép đến giờ đã nửa năm. Thai kỳ 28 tuần là bảy tháng. Chả ăn cơm trước kẻng còn gì. Tửu què luôn lâng lâng vì sắp được làm cha. Mà có lẽ Tửu què ít học, cũng chẳng biết 7 tháng nhân 4 tuần bằng 28. Nhưng giờ đã có người chỉ cho Tửu thấy. Người ấy không biết vừa gây ra họa.

Đêm, lần đầu tiên từ ngày lấy được cái Câm, Tửu què bỏ vợ ở nhà một mình. Tửu què ngồi ở cổng chợ, nốc tì tì. Nó đã thề độc sẽ đối xử tốt với cái Câm. Nửa năm qua, nó đã làm đúng lời thề. Nhưng giờ nó đã biết có thằng ăn ốc ngon lành rồi bắt nó đi đổ vỏ. Tửu què nốc rượu thấy nghẹn ứ. Không nuốt trôi được. Nó ngồi ngẫm nghĩ lại mọi thứ về cái Câm. Những cậu trai hay đến mua dưa cà, Tửu què dọa một câu là chạy bạt vía. Chỉ một người không chạy. Và người ấy cũng lâu lắm rồi không về thăm nhà. Tửu què đã biết thằng nào là thằng ăn ốc. Thằng du côn trong Tửu què trỗi dậy.

Lại đêm, Tửu què biết chắc con trai ông trưởng xóm vừa từ trường đại học về nhà. Xóm chợ Bãi đang yên ả sắp vào giấc ngủ bỗng rùng rùng như trong cơn động đất. Tóc cái Câm đen dài óng ả, bị quấn ba vòng vào cánh tay vâm váp của Tửu què. Nó lôi xềnh xệch con bé trên đường xóm đến thẳng cửa nhà ông Toán. Khuôn mặt đẹp của cái Câm, thân hình căng mọng cái bụng lùm lùm của cái Câm, lấm lem bùn đất chợ hòa cùng nước mắt.

Tửu què chẳng chỉ đích danh, hơi men cứ thế rít qua kẽ răng những lời độc địa. Nó bảo thằng nào ăn ốc thì mau ra nhận, kẻo nó đá phọt ra cái giống lạc loài. Người xóm tụ tập xem chẳng ai dám can ngăn. Họ đều biết chuyện cái Câm làm vợ nửa năm lại có bầu bảy tháng. Mắt Tửu què vằn tia máu đỏ. Trụ vững trên cái chân lành, nó tung những cú đá bằng bàn chân gỗ vào bụng cái Câm. Con bé tắc nghẹn, rũ mềm như sợi bún. Nhiều người xóm kêu lên thất thanh. Nhưng họ sợ hãi không dám can thiệp. Vì tay Tửu què giờ đã lăm lăm con dao bầu nhọn hoắt.

Rồi phía trong cửa nhà ông trưởng xóm có tiếng giằng co. Tiếng ông Toán gào lên: “Con đừng ra. Cái đó đâu phải của con”. Rồi tiếng cậu sinh viên át cả những tiếng ồn ào phía bên ngoài: “Cha là đồ hèn”. Cửa nhà ông Toán bung mở, cậu trai lao ra. Tửu què nhếch mép, thằng ăn ốc đây rồi. Cái Câm chợt như bừng tỉnh. Con bé không giữ mái tóc nữa mà ôm lấy chân Tửu què. Con bé nhìn cậu sinh viên, nhìn Tửu què, chỉ vào cái bụng rồi chỉ cậu sinh viên, lắc đầu lia lịa. Nhưng con thú trong Tửu què đã đứt xích. Con thú đạp cái Câm ra. Con thú cùng con dao bầu lao vào cậu sinh viên. Người xóm lặng phắc nhìn. Máu của cậu sinh viên. Máu giữa hai đùi cái Câm. Sự dũng cảm của một người đã đánh thức sự dũng cảm của nhiều người khác. Có điều, họ bừng tỉnh muộn mất rồi.

Cái Câm không nói được, không nghe được và không tinh nhanh như người ta. Bây giờ, cái Câm còn chìm vào bóng tối riêng mình mà không ai hiểu được, không ai bước chân vào được. Tóc con bé xơ xác. Mắt đờ đẫn vô hồn. Và môi xinh ngày nào nứt nẻ, luôn rớm máu. Giờ cái Câm toàn sống ngoài nghĩa trang xóm chợ Bãi. Quanh quẩn lúc thì bên mộ bà Cả chép, lúc thì ở mộ cậu sinh viên. Người xóm dù có đưa con bé về nhà, chỉ một thoáng, đã lại thấy lang thang ra nghĩa địa. Thảng hoặc lắm, cái Câm mới về chợ. Ấy là lúc con bé có vẻ hơi tỉnh táo. Con bé đi khắp các quán hàng, gặp ai cũng níu tay, ra hiệu rối rít. Vòng tay ôm vào bụng đong đưa, ai cũng hiểu con bé đang đi tìm đứa con chưa bao giờ được chào đời. Khi đó, người xóm không ai kìm được nước mắt.

Xóm chợ Bãi vẫn vậy. Ai cũng phải có biệt hiệu gọi kèm với cái tên. Chỉ hai người không có, là cái Câm và ông Toán. Trước thế và giờ vẫn thế. Ông Toán không được làm trưởng xóm nữa. Người chợ Bãi cũng không ai tôn trọng ông Toán nữa. Nhưng không cần đặt biệt hiệu nào cho ông Toán cả. Nhắc đến ông Toán, người xóm chỉ nói: thằng khốn nạn. Ai cũng hiểu tại sao!

Truyện ngắn của Trần Việt Quỳnh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Tin cùng chuyên mục

Triển lãm “Chạm một nét hoa” lan tỏa ý nghĩa sử dụng vật liệu tái chế trong hội họa. (Ảnh: VOV1)

Nghệ thuật tái chế - Hơi thở mới từ những điều cũ

(PLVN) - Khi lối sống xanh lên ngôi cũng là lúc nghệ thuật tái chế ngày càng hiện diện rõ nét trong đời sống văn hóa. Từ những tác phẩm đơn lẻ, nghệ thuật tái chế đã dần trở thành một xu hướng có sức lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ tôn vinh vẻ đẹp sáng tạo mà còn “thổi hồn” vào những vật liệu cũ bị lãng quên, mang đến cho chúng một hơi thở mới đầy ý nghĩa.

Đọc thêm

Sự khác biệt không xóa nhòa

Ảnh minh họa. (Nguồn: FB)
(PLVN) - Cái cách cô nhắm nghiền đôi mắt lại để lắng nghe những lời áp đặt của gã khiến mọi người xung quanh những tưởng cô phải là người làm nên những lỗi lầm gì quá đáng lắm mới khiến người đàn ông đối diện giận dữ đến mức vậy.

Khi khí chất đẹp đẽ nhất của hoa được cảm nhận

Khi khí chất đẹp đẽ nhất của hoa được cảm nhận

(PLVN) - Nhất Hoa Nhất Khí, nơi nghệ thuật cắm hoa không chỉ là sự sắp đặt những cành hoa mà còn là câu chuyện về sự sống, về triết lý nhân sinh, sự hài hòa của thiên nhiên, con người. Khi có sự thấu cảm, tác phẩm sẽ khiến người xem thấy được khí chất đẹp đẽ nhất của hoa.

Người chồng 'mù'

Ảnh minh họa. (Nguồn: FB)
(PLVN) - Bạn đã từng ở trong hoàn cảnh, hoặc biết ai đó, âm thầm lên kế hoạch chia tay chồng của mình? Hay một người chồng bỗng một ngày nhận được đơn ly hôn từ vợ và hoàn toàn bất ngờ về điều đó? Bạn có từng chất chứa bao nhiêu là nỗi niềm, bạn cần vô cùng một người để chia sẻ, mà lại chẳng thể nói gì với người đang đắp chăn nằm bên cạnh?

Hoa thơm đầy ngõ

Tranh minh họa. (Nguồn: Văn Học)
(PLVN) - Sáng sớm, ông Phê chào cả nhà, nói đi một lát, về sẽ có quà cho Bi. Đã quá trưa, không thấy ông nội về, thằng Bi phụng phịu với mẹ: “Ông đi đâu mà lâu thế không biết”. Người bố quát con “Mặc ông, ăn nhanh lên mẹ mày còn dọn”.

Nhớ mùa hoa gạo

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
(PLVN) - Mỗi khi quay lại thăm trường cũ tôi lại bồi hồi đứng trước gốc gạo đỏ chói giữa trưa hè. Bao giờ cũng vậy, dù đi xa cách mấy tôi luôn cố gắng quay về vào ngày hoa gạo nở đỏ rực cả một khoảng sân trường chỉ để đắm chìm trong cái sắc đỏ ấy mà hồi tưởng, mà nhớ thương.

Dòng gió bụi

Tranh minh họa. (Nguồn: Văn Học)
(PLVN) -  Đang ngồi tiếp chuyện hai vị khách thì Tỏ đi qua, hất hàm hỏi ông Quà: “Lão thấy ví tôi không? Đưa đây?”.

Viết cho tình yêu

Ảnh minh họa. (Nguồn: H.Ái)
(PLVN) - “Em mãi là hai mươi tuổi/Ta mãi là mùa xanh xưa”... Có lẽ, đó là ước nguyện của chúng ta được nhà thơ Quang Dũng nói hộ bằng hai câu thơ ấy.

Bức tranh

Bức tranh
(PLVN) - Quả là một rừng mây tuyệt mỹ! Ngân thốt lên vui sướng khi vừa đặt đồ nghề xuống. Ngân đã từng nghe nhiều đến nơi này, nhưng mọi lời miêu tả không bằng một vài giây đắm mình trong cảnh sắc tuyệt diệu này. Cô hít hà thật sâu rồi rộn ràng vẽ, như thể đang sợ vẻ đẹp trước mắt sẽ tan biến. Ngân yêu tranh màu nước và những bức vẽ của cô bao giờ cũng đầy hào hứng, rực rỡ, dù tâm trạng cô đang bấn loạn, thậm chí khi tinh thần khủng hoảng.

Đợi chờ ngày hoa nở

Ảnh minh họa. (Nguồn: TL)
(PLVN) - Chẳng biết tự bao giờ, nhân loại lấy sự tồn tại và phát triển của thực vật, mà cụ thể là những bông hoa, chiếc lá để làm “cột mốc xanh” cho những niềm hy vọng, cho những sự hứa hẹn về tương lai.

Người dưng đất lạ

Người dưng đất lạ
(PLVN) - Xứ nào có người thương đều là quê hương, xứ sở, Phú nhớ mang máng từng nghe một câu tương tự như thế trong một bộ phim nào đó đã xem. Nên chi mỗi lần có ai thắc mắc can cớ chi bỏ xứ ra đây, anh thường nói rành rẽ, tại có người tui thương. Thiên hạ thắc mắc tiếp, anh này lạ lùng, “thuyền theo lái, gái theo chồng” mắc mớ chi anh không đem người anh thương vô xứ trong ở với mẹ già. Phú lại cười hiền, biết trả lời mấy cũng dễ chi vừa lòng thiên hạ. Thôi, cười cho xong chuyện.

Triển lãm ảnh "Văn Bàn nghĩa tình"

Triển lãm ảnh "Văn Bàn nghĩa tình"
(PLVN) - Triển lãm ảnh với chủ đề "Văn Bàn nghĩa tình" được tổ chức tại xã Tân An, huyện Văn Bàn -  nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử và tình đoàn kết của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.

'Gửi một người mẹ Việt Nam' - bài thơ được nhà thơ Mỹ đọc tại 'Ngày Thơ Việt Nam năm 2025'

'Gửi một người mẹ Việt Nam' - bài thơ được nhà thơ Mỹ đọc tại 'Ngày Thơ Việt Nam năm 2025'
(PLVN) - Ngày 12/2/2025 (tức 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ) tại TP Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình sẽ diễn ra “Ngày Thơ Việt Nam năm 2025” với chủ đề “Tổ quốc bay lên”. Ngày Thơ năm nay có nhiều điều đặc biệt như lần đầu tiên không tổ chức ở Hà Nội và có sự tham gia trình diễn thơ của nhà thơ cựu chiến binh Mỹ Bruce Weigl. Ông sẽ đọc tác phẩm “Gửi một người mẹ Việt Nam” tại Ngày Thơ như một cách để kết nối văn hóa và hàn gắn quá khứ bằng ngôn ngữ của thi ca.

Xuân

Tranh minh họa. (Nguồn: Văn Học)
(PLVN) - Sớm nào cũng vậy, đã thành lệ, ông Biên dậy sớm, pha một ấm trà thơm. Sau hồi độc trà, ông lặng lẽ ôm khung tranh, chổi, cọ và những vật dụng cần thiết ra bờ hồ vẽ tranh. Lúc này, người dân thành phố cũng đã đi tập thể dục, phố xá khởi động một ngày mới đầy tấp nập.

'Ngược dòng cuộc đời'

Bộ phim Upstream đang thu hút nhiều sự chú ý. (Ảnh: Mtime)
(PLVN) - Những ngày đầu năm, phim “Upstream - Ngược dòng cuộc đời” gây “sốt” rần rần trên mạng xã hội. Chí Lũy mất việc ở tuổi 45, oái oăm thay lại đến từ danh sách cắt giảm và hệ thống hóa tối ưu nhân sự do đội lập trình của anh thiết kế trước đó.

Khai mạc triển lãm “Nhạn và Hải âu Kiên Giang” của Anh hùng lao động Trần Lam

Ông Lê Trung Hồ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Lam.
(PLVN) - Ngày 5/2, Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang phối hợp Sở Văn hóa và thể thao tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm và ra mắt sách “Nhạn và Hải âu Kiên Giang” của nghệ sĩ nhiếp ảnh, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Trần Lam - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.