Đêm ám ảnh kinh hoàng
Đó là đêm kinh hoàng nhất trong cuộc đời gần mười năm làm vợ và làm mẹ của chị. Mỗi khi nhớ lại, chị vẫn không khỏi rùng mình. Chị kể đó là một đêm mùa đông, rét cắt da cắt thịt, trời tối đen như mực.
Đang lơ mơ ngủ cùng con trai trong giường, chẳng biết do linh tính của người phụ nữ hay ai xui khiến, chị thức giấc đúng lúc người chồng cầm trên tay cây dao sáng loáng tiến đến giường. Phải đến khi chồng chị buông lời gầm gừ trong cổ họng “tau chém chết mày” thì chị mới hoàn toàn sực tỉnh.
Dù chẳng hiểu lý do hành động của chồng, chị vẫn co giò tháo chạy khỏi ngồi nhà, lao vào bóng đêm để bảo toàn tính mạng. Phía sau lưng chị, người đàn ông vẫn không thôi buông lời dọa nạt và đuổi theo, con dao vẫn lăm lăm trên tay.
Kể từ hôm đó, chị khăn gói về nhà mẹ đẻ ở sau 10 năm gắn bó với chồng, để lại đứa con trai cho chồng và ông bà nội chăm sóc.
Ngôi nhà nhỏ nơi anh Đề, chị Cúc đã một thời hạnh phúc |
Kể lại mối nhân duyên của hai vợ chồng, khuôn mặt khắc khổ của người phụ nữ bỗng như giãn ra, ánh mắt bất chợt sáng lấp lánh. Hồi đó, anh Tôn Thất Đề (SN 1974, ngụ tổ 9, phường Hương An, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là một thợ may hiền lành, chăm chỉ. Còn chị - Bùi Thị Cúc (cùng SN 1974) - cũng chỉ là một cô nông dân nghèo, suốt ngày lam lũ, chân lấm tay bùn.
Phải duyên, hai người nên nghĩa vợ chồng bằng một đám cưới nho nhỏ nhưng ấm cúng. Hơn một năm sau ngày cưới, đứa con trai chào đời khiến gia đình nhỏ càng thêm ấm nồng hạnh phúc.
Rồi bóng đen cuộc đời bỗng ập xuống gia đình của đôi vợ chồng trẻ. Khi đứa con trai chưa đầy hai tuổi, anh Đề bỗng nhiên phát bệnh tâm thần. Dù chữa chạy khắp nơi nhưng bệnh vẫn không khỏi hẳn.
Cho đến một đêm, khi phát bệnh anh vác dao đuổi chém. Chị kinh hồn bạt vía, bỏ nhà ra đi từ đó.
Người đàn ông tâm thần nuôi cha mẹ già, con dại
Khi chúng tôi đến nhà anh Đề, mẹ anh đang mò mẫm đi lên từ bến sông, nách cắp rổ rau vừa rửa. “Biết là nước sông bẩn lắm, nhưng mệ rửa qua rồi lên nhà rửa sơ lại bằng nước máy. Tiết kiệm được chút nước nào hay chút đó. Bây giờ cái gì cũng tiền. Mà tiền thì khó kiếm lắm”, bà cụ phân trần.
Trong ngôi nhà nhỏ rách tả tơi, nền nhà bằng đất loang lổ, ông cụ mù lòa ngồi bó gối nơi mép giường, bên cạnh là đứa con trai với vẻ mặt ngô nghê của người mắc bệnh tâm thần.
Cụ ông năm nay 80 tuổi, bị chứng mù lòa đã mấy năm. Cụ bà cũng đã 75 tuổi, già yếu, bệnh tật. Anh Đề mắc chứng tâm thần. Còn con trai anh Đề mới 11 tuổi. Cả nhà từ già đến trẻ đều sống nhờ vào xấp vé số trên tay của anh Đề.
“Bán vé số lời chẳng bao nhiêu, nhưng vì tay run, đếm vé một thành hai, hai thành bốn nên suốt ngày bị mất vé, mất tiền. Đến số vốn ít ỏi để bán vé số cũng đứt nên mấy bữa nay em ở nhà, chưa đi bán lại. Đi thì lo lỗ vốn, mà không đi thì chẳng biết làm gì ra tiền”, giọng anh Đề thiểu não.
Vé số bữa ế bữa đắt, nên lời lỗ thất thường. Cả gia đình gồm bốn người hiện tại sống nhờ chủ yếu vào số tiền 240 ngàn đồng tiền trợ cấp người khuyết tật của anh Đề và 180 ngàn đồng tiền trợ cấp người già trên 80 tuổi của ông cụ, nên cả nhà bữa đói bữa no là chuyện thường. Trong khi đó, con trai anh Đề đi học phải đóng nhiều thứ tiền nên nhà đã khó càng khó thêm.
Một lần thoát chết, 10 năm vẫn sợ
Nhắc đến vợ, anh Đề thật thà nói: “Vợ em bỏ đi là do em cầm dao rượt, đuổi. Nhưng vì lúc đó bệnh phát nặng em mới làm vậy, chứ không cố ý. Sau lần đó, ngày nào em cũng uống thuốc của Bệnh viện tâm thần, nên bệnh không phát nặng, mà chỉ thường xuyên bị đau đầu”. Rồi anh nói thêm: “Vợ em bán rau ngoài đường gần đây, để em ra kêu vào. Cô ấy vẫn còn thương em lắm và hứa sẽ quay về”.
Người đàn ông cọc cạch đạp xe đi, một chút thì quay về. Sau lưng anh, người phụ nữ cũng lầm lũi đạp xe về cùng. Mặc dù đã bỏ đi, nhưng trong lòng người phụ nữ ấy vẫn canh cánh lo cho chồng con. Chị vẫn một dạ với chồng mà không hề quay lưng đi tìm niềm vui mới, xây dựng tổ ấm mới dù tuổi xuân hãy còn dài.
Thương chồng, thương con, mỗi sáng sau khi tan buổi chợ, chị đều quay về nhà chăm sóc, cơm nước cho chồng con, đến trưa lại tất tả quay về nhà mẹ đẻ. Cũng may nhà chồng và nhà mẹ đẻ chỉ cách nhau chưa đến chục km, nên chị cũng tiện qua lại chăm sóc chồng con.
Nguồn sống của cả gia đình anh Đề nay trông chờ vào xấp vé số trên tay anh |
Chị bảo vẫn còn thương chồng thương con rất nhiều. Vẫn muốn quay về để được chăm sóc chồng con. Biết đâu, dưới bàn tay chăm sóc của người phụ nữ, sức khỏe của chồng lại tốt hơn. Dù nghĩ vậy, nhưng chị vẫn lần lữa mãi chưa dám quay về.
“Sợ lắm, lỡ nửa đêm đang ngủ, anh ấy lại lên cơn điên rồi vác dao chém thì biết làm sao. Lần trước may mắn chạy thoát, chứ lần sau biết có may mắn như thế không?”. Chị đăm chiêu thở dài, tay vân vê chiếc nón. Vì nghèo nên nhà cũng chẳng có phòng ốc, cửa nẻo gì, “nếu có cửa đàng hoàng, tối đi ngủ chốt cửa phòng lại chắc đỡ sợ hơn”, chị cười, nhưng nụ cười héo hắt.
Trong khi người chồng thắc mắc bởi vợ đã nhiều lần hứa quay về cùng chồng con sum họp nhưng chưa thấy, thì chị lại thở dài, ánh mắt buồn đến não nuột. Ngày trở về của chị vẫn còn xa lắm, khi cái đêm kinh hoàng ngày trước vẫn còn mãi đeo bám lấy chị.
“Hầu như ngày mô em cũng ghé về nhà, giúp được gì thì giúp. Ngặt nỗi, em cũng khổ quá, đến nỗi chiếc xe đạp cũ cũng không có mà đi, phải mượn mẹ đẻ. Sức khỏe yếu, buôn bán lặt vặt, mỗi ngày chỉ kiếm được mươi nghìn nên cũng không chăm chút cho chồng con được nhiều”, chị nói, mắt rơm rớm nước.
Vãn chuyện, người phụ nữ lại tất tả đạp xe ra chợ nơi đầu làng. Đó chỉ là nhóm chợ tự phát chỉ dăm ba người bán. Gánh hàng của chị cũng chỉ là hai cái mẹt đựng ít rau, hành, chanh tỏi. Khách cũng rời ngôi nhà nhỏ theo chân chị, trong lòng dâng lên lắm nỗi niềm.