Nguyên nhân tăng cùng ngày: do Bộ Thông tin và Truyền thông!
Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Tổng Giám đốc Công ty MobiFone cho hay, từ ngày 9/8, MobiFone đã có văn bản đề xuất tăng cước 3G bắt đầu từ 1/9/2013. Ông Hồ Đức Thắng - Phó Giám đốc Công ty VinaPhone cũng cho biết từ cuối tháng 8 đã có văn bản điều chỉnh giá cước và xin được tăng giá cước từ 15/9. Còn theo ông Nguyễn Việt Dũng - Trưởng phòng Kinh doanh (Tập đoàn Viettel) thì Tập đoàn này cũng đã xin điều chỉnh giá cước từ ngày 1/10.
Tuy nhiên, đến ngày 4/10 DN mới nhận được văn bản của Cục Viễn thông chấp thuận điều chỉnh giá cước. “Cũng như các nhà mạng khác, theo chu kỳ tính cước, nếu áp dụng giá cước trong nửa đầu tháng thì giá cước sẽ được tính tròn tháng vào ngày mùng 1, còn nửa cuối tháng (ngày 16) thì cước sẽ chỉ tính nửa tháng. Để đảm bảo quyền lợi của khách hàng thì chúng tôi chọn ngày 16/10 bắt đầu tăng giá, như thế người dùng sẽ chỉ bị tính nửa chu kỳ cước của tháng đó” - ông Hồ Đức Thắng lý giải.
Như vậy, theo DN, việc tăng giá cùng lúc là “ngẫu nhiên”, do Bộ Thông tin và Truyền thông chấp nhận cho tăng giá cùng một thời điểm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, sau khi các DN xin điều chỉnh cước, trong quá trình thẩm định, Cục Viễn thông đã yêu cầu DN phải bổ sung, giải trình thêm về phương án tăng giá (hạn cuối là 13/9).
Trên cơ sở giải trình của các DN, nhìn được bức tranh chung cũng như sự cân đối của cả thị trường Việt Nam, Cục Viễn thông mới ban hành văn bản chấp thuận cho các DN điều chỉnh giá cước. “Cục không ấn định thời điểm tăng giá, nhưng có thể do văn bản chấp thuận của Cục được ký cùng một ngày 4/10 nên dẫn tới sự trùng thời điểm tăng giá của 3 DN viễn thông” – ông Trung nhận định.
Thị trường bức xúc: do nhà mạng hay Cục Viễn thông?
Nhìn về thị trường viễn thông hiện tại, một kiểu kinh doanh đã thành thói quen đối với nhiều khách hàng là các DN đua nhau tung các chiêu khuyến mãi và sử dụng kỹ năng kinh doanh để giữ chân khách hàng.
Chính vì thế, một lúc cùng tăng giá, cùng ở một mức giá - động thái khó hiểu này của các nhà mạng khiến khách hàng không khỏi băn khoăn phải chăng DN từ cạnh tranh lẫn nhau đang chuyển sang đồng hành, bắt tay nhau chia “miếng bánh” thị phần.
Ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định, việc các nhà mạng tăng giá cước 3G là do thực hiện theo Thông tư 16 năm 2012 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, yêu cầu DN phải báo cáo giá thành và phải bán dịch vụ trên mức giá thành.
Ông Trung nhấn mạnh: “Đối với DN chiếm thị phần khống chế thì không được phép cung cấp dịch vụ dưới giá thành. Trong khi đó, các DN nhỏ như Hanoi Telecom có thể cung cấp dịch vụ thấp hơn giá thành theo quy định cụ thể”. Như vậy có thể thấy, nếu 3 mạng di động cứ duy trì mức giá hiện nay, tức là bán dưới giá thành, cũng là đang vi phạm Luật Viễn thông.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thành – chuyên gia viễn thông – cho rằng, theo Nghị định 116/2005/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Cạnh tranh, những DN, nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường không được phép tăng giá quá 5%/lần hoặc nhiều lần với tổng mức tăng quá 5% trong 60 ngày liên tiếp khi không có biến động bất thường làm tăng giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ.
Luật Cạnh tranh đưa ra các quy định nhằm tránh việc các DN thống lĩnh thị trường lũng đoạn. Tuy nhiên, ở trong trường hợp 3 mạng tăng cước 3G vừa rồi, khó có thể nói các mạng lợi dụng vị trí thống lĩnh để lũng đoạn thị trường, bởi giá cước 3G đã được Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét phê duyệt.
“Như vậy, có thể xem ở đây là việc cơ quan quản lý nhà nước điều tiết thị trường giống như hiện nay cơ quan quản lý nhà nước vẫn điều chỉnh giá xăng dầu vậy” – ông Thành nói. Thế nhưng, từ một thị trường cạnh tranh giờ chuyển sang thị trường điều hành, việc điều chỉnh cước 3G không gây bức xúc mới là chuyện lạ.
Chưa có tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ 3G
“Hiện nay, tiêu chuẩn chất lượng về di động nói chung chủ yếu nằm ở chất lượng thoại. Còn chất lượng của dịch vụ Internet thì có quy định riêng, chủ yếu áp dụng cho mạng cố định ADSL. Về phần cam kết của DN với data thì đang kiểm tra theo cam kết của DN về chất lượng trong quá trình được cấp phép. Ví dụ DN cam kết có bao nhiêu trạm BTS thì chúng tôi sẽ kiểm tra số lượng BTS như vậy. Chúng tôi đang hoàn thiện tiêu chuẩn cho dịch vụ data trên di động, khi đấy chúng tôi sẽ đánh giá theo chất lượng do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.
Đến thời điểm này, hàng năm chúng tôi vẫn kiểm tra chất lượng dịch vụ của DN, nhưng kiểm tra sâu về data hiện nay thì chủ yếu theo cam kết của DN chứ chưa có tiêu chuẩn cụ thể. Trong thời gian sớm nhất, từ giờ đến cuối năm, khi có tiêu chuẩn sẽ khẩn trương tiến hành đo kiểm chất lượng dịch vụ data. Sắp tới khi kiểm tra DN về chất lượng thì sẽ công bố công khai toàn bộ kết quả về chất lượng dịch vụ viễn thông nói chung, trong đó có chỉ tiêu mà DN cam kết đồng thời với đợt điều chỉnh giá cước lần này”.Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung