73 trợ giúp viên pháp lý chưa qua đào tạo nghề luật sư
Báo cáo một số vấn đề lớn của Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) tại phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật cho biết: Nhiều ý kiến tán thành việc nâng cao tiêu chuẩn của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý để bảo đảm tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ của Nhà nước đối với người dân. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc nâng tiêu chuẩn của tất cả trợ giúp viên pháp lý tương đương tiêu chuẩn luật sư vì không phải công việc nào cũng đòi hỏi người có trình độ tương đương luật sư mới thực hiện được.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý trong Dự thảo Luật cơ bản luật hóa các quy định của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP. Việc chuẩn hóa, nâng cao tiêu chuẩn đội ngũ trợ giúp viên pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, tiến tới ngang bằng với chất lượng hoạt động luật sư.
Tính đến hết năm 2016, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, cơ bản đội ngũ trợ giúp viên pháp lý của 63/63 Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Dự thảo Luật; cả nước hiện còn 73 trợ giúp viên pháp lý chưa qua đào tạo nghề luật sư và không được miễn đào tạo nghề luật sư. Những người này phần lớn là lãnh đạo các Trung tâm Trợ giúp pháp lý, được điều động, bổ nhiệm từ các đơn vị khác thuộc Sở Tư pháp, có nhiều năm kinh nghiệm, đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và vẫn đang thực hiện trợ giúp pháp lý.
Để chuẩn hóa tiêu chuẩn đối với số trợ giúp viên pháp lý này, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật quy định những người này, trong thời gian 05 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực, phải hoàn thiện việc tham gia đào tạo nghề luật sư; nếu hết thời hạn 05 năm mà người đó không có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư thì sẽ chấm dứt tư cách trợ giúp viên pháp lý.
Cộng tác viên 1 năm không hoạt động sẽ bị “xóa” tên
Về cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Ủy ban Pháp luật cho biết, nhiều ý kiến đề nghị Dự thảo Luật tiếp tục quy định về cộng tác viên trợ giúp pháp lý như Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành để huy động rộng rãi những người có trình độ, hiểu biết pháp luật và có điều kiện tham gia vào công tác trợ giúp pháp lý; đồng thời tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được với trợ giúp pháp lý, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn thiếu trợ giúp viên pháp lý, luật sư, tư vấn viên pháp luật làm trợ giúp pháp lý. Ngược lại, một số ý kiến tán thành với Dự thảo Luật do Chính phủ trình, không tiếp tục quy định về cộng tác viên trợ giúp pháp lý như hiện nay để tập trung nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật xin báo cáo như sau: Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp năm 2006 và qua hơn 8 năm thực hiện Luật cho thấy, có 2 nhóm cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý: Nhóm thứ nhất bao gồm những người là luật sư, tư vấn viên pháp luật tham gia và có đóng góp tốt cho hoạt động trợ giúp pháp lý. Nhóm này đã được kế thừa và quy định trong Dự thảo Luật, tiếp tục tham gia trợ giúp pháp lý theo cơ chế ký hợp đồng hoặc đăng ký thực hiện trợ giúp pháp lý. Nhóm thứ hai gồm rất nhiều người khác mặc dù đăng ký tham gia làm cộng tác viên nhưng rất ít tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý và hiệu quả hoạt động mang lại không cao.
Vì vậy, để nâng cao chất hoạt động trợ giúp pháp lý gắn với nâng cao tiêu chuẩn, trình độ của những người thực hiện trợ giúp pháp lý, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật một điều quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện của nhóm thứ hai tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý theo hướng chặt chẽ, yêu cầu cao về chuyên môn, hiểu biết pháp luật và chủ yếu tại các vùng miền núi, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, là những vùng thiếu trợ giúp viên pháp lý, luật sư, tư vấn viên pháp luật làm trợ giúp pháp lý. Cộng tác viên chỉ thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua hình thức tư vấn pháp luật. Trường hợp cộng tác viên đăng ký nhưng không tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời gian 01 năm thì sẽ bị xem xét chấm dứt tư cách cộng tác viên.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị không quy định về nhóm cộng tác viên thứ hai này trong Dự thảo Luật. Người dân vẫn bảo đảm được hỗ trợ pháp lý thông qua các cơ chế khác, luật khác như đưa đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, luật sư đến thực hiện trợ giúp cho người dân hoặc người dân có thể tiếp cận với hoạt động tư vấn pháp luật tại địa phương theo Nghị định 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ.
Để bảo đảm việc thành lập Chi nhánh một cách thiết thực, đáp ứng nhu cầu thực tế, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý quy định cụ thể các điều kiện thành lập Chi nhánh là chỉ ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và ở đó chưa có tổ chức hành nghề luật sư hoặc trung tâm tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý.
Đồng thời, quy định cụ thể thẩm quyền và cơ chế phối hợp nhằm hạn chế việc thành lập tràn lan Chi nhánh, theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ nhu cầu và điều kiện thực tế địa phương, quyết định thành lập Chi nhánh của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và giao Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này.