Năm 2016 là năm thứ tư cả nước có Ngày Pháp luật. Từ chỗ còn rất mới lạ, chưa quen thì đến nay sau 4 năm, Ngày Pháp luật đã trở nên gần gũi, thân thuộc với nhiều tầng lớp nhân dân. Không chỉ còn đóng khung trong những hội thảo tọa đàm, pháp luật đã thẩm thấu vào đời sống qua những chuyến trợ giúp pháp lý về cơ sở, qua những “tiết học pháp luật” hay “quán cà phê pháp luật” , qua những phiên chợ vùng cao hay sinh hoạt Câu lạc bộ thanh niên, phụ nữ với pháp luật… Học tập pháp luật đã trở thành thói quen, hay nói như Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long: “Ngày Pháp luật đã trở thành ngày hội để toàn dân tôn vinh Hiến pháp, pháp luật”.
Điểm nhấn của Ngày Pháp luật năm 2016 là Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III, một hội thi được tổ chức từ cấp cơ sở với nhiều cảm xúc về những con người trước nay vẫn được coi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Hơn 110 ngàn tổ hòa giải, với gần 670 ngàn hòa giải viên, năm 2016 đã tiếp nhận trên 170 ngàn vụ việc, trong đó hòa giải thành công đạt gần 79% là con số vô cùng ấn tượng đủ để cho thấy đội ngũ hòa giải viên đã đóng góp rất lớn cho sự bình yên của mỗi thôn làng, tổ dân phố. Làm hòa giải đã trở thành “cái nghiệp“ của nhiều hòa giải viên khi niềm vui trong cuộc sống của họ là mỗi khi nhìn thấy những rạn vỡ trong mỗi gia đình được hàn gắn, những mâu thuẫn xóm giềng được gỡ bỏ.
Trong nhiều nỗ lực hướng về cơ sở với việc thực hiện tốt thông điệp của Thủ tướng Chính phủ “xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển và phục vụ người dân, doanh nghiệp” thì năm 2016 cũng là năm để lại nhiều dấu ấn trong công tác thi hành án dân sự. Lần đầu tiên hệ thống thi hành án dân sự đã đạt vượt 4 chỉ tiêu quan trọng Quốc hội giao, trong đó nhiều vụ án liên quan đến tín dụng ngân hàng, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, góp phần khơi thông dòng chảy tín dụng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Cán bộ tư pháp - hộ tịch phường 5 (TP Bạc Liêu) hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính |
Một trong những giải pháp theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng được ưu tiên trong năm 2017 là tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, vì trong điều kiện hiện nay, biên chế không tăng, điều kiện cơ sở vật chất cũng không có nhiều thay đổi nên ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân; đồng thời tiếp tục tập trung thi hành các việc cho ngân sách nhà nước, tập trung các vụ việc án tham nhũng, án kinh tế lớn và thực hiện tốt chủ trương hướng về cơ sở.
Một năm qua đi, có lẽ điều mà người dân ghi nhận, hài lòng nhất là những việc thiết thực ngành Tư pháp đã làm cho họ trong đời sống. Một Luật Hộ tịch mới với nhiều quy định thông thoáng, đơn giản về thủ tục, rút ngắn về thời gian, đặc biệt là việc phân định mới về thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho cơ sở đã giúp người dân bớt số lần đi lại, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian.
Đặc biệt, sau khi triển khai thí điểm giai đoạn 1 phân hệ phần mềm đăng ký khai sinh tại 4 tỉnh, thành phố, ngành đã tiếp tục triển khai thí điểm giai đoạn 2, mở rộng địa bàn áp dụng phần mềm tại 7 tỉnh, đồng thời, triển khai thí điểm phần mềm đăng ký hộ tịch (phiên bản đầy đủ) tại thành phố Hồ Chí Minh, An Giang và Sóc Trăng.
Đến nay, Hệ thống đã thực hiện đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân cho hơn 276 ngàn trường hợp đã được người dân đánh giá cao với nhiều tiện ích do việc ứng dụng công nghệ thông tin mang lại.
Cùng với hộ tịch, nhiều lĩnh vực khác liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày của dân cũng được ngành Tư pháp không ngừng đổi mới. Đến nay, cơ bản các tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phương thức cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) qua dịch vụ bưu chính, thực hiện phương thức đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến.
Nhờ đó, tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu LLTP tại các Sở Tư pháp đã cơ bản được giải quyết. Việc thực hiện các phương thức cấp Phiếu trên đã giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đi lại của người dân. Đặc biệt là đối với người nước ngoài yêu cầu cấp Phiếu LLTP để xin cấp phép lao động hay đầu tư vốn vào Việt Nam mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Cán bộ thi hành án và cán bộ Trại giam A2 thuộc Tổng cục VIII Bộ Công an phối hợp thu tiền phạm nhân trong trại |
Cũng từ đầu năm 2016, tin vui cho nhiều người dân là Quốc hội chính thức cho triển khai chế định Thừa phát lại trên quy mô toàn quốc. Nếu như trước đây các công việc diễn ra hàng ngày trong đời sống như giao tiền, lập hiện trạng vi phạm xây dựng, hay họp gia đình, công ty... người dân không biết nhờ ai thì nay Thừa phát lại giúp họ lập vi bằng làm chứng cứ nếu có xảy ra tranh chấp. Thừa phát lại cũng giúp cơ quan nhà nước giảm tải công việc trong thực hiện tống đạt văn bản, xác minh điều kiện thi hành án.
Đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, nhiều văn bản ngành Tư pháp chủ trì xây dựng hay thẩm định đều có sự nghiên cứu rất thấu đáo để đưa ra các chính sách phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Điều này thể hiện qua một số luật đã được Quốc hội thông qua như Luật Tiếp cận thông tin, Luật Đấu giá tài sản; cho ý kiến đối với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, với nhiều quy định bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân; tạo môi trường minh bạch, thuận lợi trong đấu giá tài sản, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Việc thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh được thực hiện khẩn trương, bảo đảm tiến độ để các bộ, ngành trình Chính phủ... Trong năm một câu chuyện được dư luận quan tâm là việc Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật “tuýt còi” vụ đổi bằng lái xe còn thời hạn. Với phân tích rất hợp tình, hợp lý, Bộ Giao thông Vận tải sau đó đã tiếp thu và khi ban hành Thông tư đã bỏ quy định nói trên.
Một năm nhìn lại, với những “phác họa” như trên, có thể “bức tranh” về ngành Tư pháp còn chưa thực sự toàn vẹn nhưng với ý nghĩa là năm đầu của nhiệm kỳ Chính phủ mới, một năm kinh tế còn nhiều khó khăn thì đây là những chấm phá chứa đựng trong đó nhiều sự nỗ lực, cố gắng. Sự đánh giá của người dân, xã hội với những việc ngành Tư pháp đã làm chắc chắn sẽ là một trong những động lực quan trọng để ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới theo tinh thần “vì dân phục vụ”.