Đi bụi vì bất đắc dĩ
Cậu bé mặc chiếc quần đùi màu đen với chiếc áo phông cũ rộng thùng thình, chân đi dép xỏ ngón, từ trên xuống dưới phủ đầy bụi đường, mái tóc đen cáu bẩn. Cậu bé hết ngồi, rồi lại nằm vạ vật ở đó để xin tiền từ người đi đường. Cậu không bao giờ nói hoặc nhìn bất kỳ ai, trông có vẻ buồn ngủ và mơ màng giống như lạm dụng chất gây nghiện.
Cậu bé 14 tuổi này sống trong khu ổ chuột khét tiếng ở Bangkok và thích lang thang trên phố hơn về nhà. “Tôi từng đề nghị đưa thằng bé về nhà nhưng nó không chịu. Tôi thấy nó thật tội nghiệp”, người đàn ông sửa giày trên vỉa hè cho biết.
Theo Trung tâm Tìm kiếm người mất tích thuộc Mirror Foundation, tổ chức phi lợi nhuận của Thái Lan chuyên tìm kiếm trẻ em mất tích cho biết, giống như cậu bé 14 tuổi này, rất nhiều thiếu niên ở Bangkok thích bỏ nhà đi lang thang.
Những đứa trẻ này chủ yếu sinh ra từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và cha mẹ có vấn đề khiến họ phải bỏ đi. Cụ thể, nguyên nhân chính là những đứa trẻ bị bố mẹ bỏ bê, bị lạm dụng và bạo lực gia đình. Ngoài ra, vấn đề ở trường học cũng có thể là tác nhân”, ông Lakkhana Sirikan, nhà nghiên cứu thuộc tổ chức này, cho hay.
Trước thực trạng này, ông Sombat Boonngamanong, nhà hoạt động xã hội thuộc tổ chức Mirror Foundation cho rằng, gia đình ảnh hưởng rất lớn tới nhứng đứa trẻ. “Hiện nay, tình trạng mối quan hệ trong gia đình nhiều thế hệ ở Bangkok không còn gắn bó. Nhiều bố mẹ bỏ rơi con cái vì đối mặt với quá nhiều áp lực”, ông Sombat cho hay.
Theo số liệu của Mirror Foundation, năm ngoái, Thái Lan có 244 đứa trẻ mất tích và nhiều trường hợp khác chưa được báo cáo, trong đó có 85% là bỏ nhà đi bụi. Tuy nhiên, hầu hết số trẻ em này đã được tìm thấy và đưa về nhà hoặc vào trại trẻ mồ côi.
“Sống ở đường phố rất khổ cực, nhưng với nhiều đứa trẻ, nó tốt hơn ở nhà”, anh Piyabut Phailamun, người từng là trẻ lang thang, cho hay. Anh Piyabut Phailamun giờ đây đã 25 tuổi, với giọng nói nhỏ nhẹ anh nói bản thân đã bỏ nhà đi từ năm 7 tuổi và sống lang bạt suốt 15 năm.
Những tác rối trong gia đình đã buộc Piyabut Phailamun quyết định bỏ căn nhà gỗ trong khu ổ chuột của Bangkok. Bố của Piyabut là tài xế xe buýt và có hai vợ, còn mẹ không chăm sóc cậu mà đẩy cho bà ngoại. “Mẹ bắt tôi phải chăm sóc bà và không cho tôi ra ngoài. Mỗi khi lẻn đi chơi cùng những đứa trẻ khác, tôi lại bị đánh”, Piyabut nhớ lại.
Một đêm, sau khi lẻn ra ngoài chơi, Piyabut quyết định không về nhà nữa vì sợ mẹ đánh. Một cậu bé lớn tuổi hơn đưa cậu tới Sanam Luang, bãi cỏ rộng lớn cạnh Grand Palace (Cung điện Hoàng gia Thái Lan), nơi có nhiều người vô gia cư, bao gồm trẻ em.
Bãi cỏ Sanam Luang dù cách nhà của Piyabut không xa, nhưng nơi đó là thế giới xa lạ với anh khi đó. “Tôi rất thích chơi ở bãi cỏ Sanam Luang, nó rất thú vị. Tôi đã có rất nhiều bạn bè và quan trọng là ở đây tôi cảm thấy thoái mái, vui vẻ”, Piyabut nói.
Thái Lan có 244 đứa trẻ mất tích, 85% là bỏ nhà đi bụi |
Thời điểm bỏ nhà đi, Piyabut cảm thấy mình chẳng thiếu thốn gì. Người bán hàng cho cậu thức ăn, còn số tiền xin được cậu dùng để chơi điện tử. “Khi là trẻ con, bạn rất dễ xin tiền bởi nhiều người thấy bạn đáng thương. Cảnh sát cũng không để ý tới bạn”, Piyabut chia sẻ.
Cậu thường tắm ở sông Chao Phraya gần đó và ngủ trên bãi cỏ hoặc vỉa hè. Nếu dư dả tiền, cậu thuê đệm và gối ngủ qua đêm từ một nhà kinh doanh trong khu vực. Khi trời mưa, Piyabut thường trú dưới gầm cầu hoặc mái hiên nhà.
Cậu bới rác tìm đồ ăn và giúp nhà sư đi khất thực để đổi lấy thức ăn thừa. “Tôi không hề thấy nhớ nhà, vì nơi đó chẳng có ký ức nào vui vẻ, hạnh phúc cả. Bỏ nhà đi lang thang, tôi làm bất cứ điều gì mình thích mà không sợ kìm kẹp, không sợ ai đánh đập hay bóc lột”, Piyabut chia sẻ.
Hãy quay về khi còn có thể
Tuy nhiên, không phải lúc nào cuộc sống lang thang cũng vui vẻ. Rất nhiều những đứa trẻ vô gia cư đã bị người xấu dụ dỗ bán ma túy đá hay còn được gọi là yaba (thuốc điên). Nhiều thanh niên khác bắt đầu học thói trộm cắp, móc túi và hàng loạt phạm tội khác. Chỉ thế thôi cũng đủ thấy lạm dụng và bóc lột tình dục là mối đe dọa thường thấy đối với trẻ em đường phố.
“Tôi thấy có người đàn ông ăn mặc bảnh bao mua thứ gì đó cho 3 cậu bé rồi đưa họ đi. Từ đó tôi không gặp lại họ nữa”, Piyabut nhớ lại. Và giống nhiều trẻ em lang thang khác, Piyabut không đi học nên không biết đọc và viết...
“Bỏ nhà đi càng lâu, tương lai của những đứa trẻ càng tăm tối. Những đứa trẻ không được dạy dỗ, dần dần trở nên bạo lực, hung hăng. Thậm chí, nhiều người bị nghiện rượu hoặc ma túy. Có bé gái thì tham gia vào hoạt động mua bán mại dâm”, ông Sombat (51 tuổi), người từng bỏ học giờ điều hành nhiều dự án nhân đạo trong 30 năm qua nhận định.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đi vào con đường sai trái dù sống lang thang trên phố hàng thập kỷ. Ông Ae không biết tên thật và ngày sinh của mình. Người đàn ông này đã khoảng 40 tuổi với chòm râu lưa thưa và một chân khập khiễng vì bệnh gout đã bị bỏ rơi khi còn là đứa trẻ và được nhà sư trong chùa chăm sóc. “Bố mẹ không cần tôi”, ông nói.
Dù ở trong chùa nhưng khi tầm 7-8 tuổi, ông Ae khi đó bị đám trẻ khác bắt nạt tới mức phải bỏ đi. “Tôi đã rất sợ khi chỉ có một mình. Tôi phải bới thùng rác tìm thức ăn và nhờ người lạ giúp đỡ”, Ae kẻ lại. Cuối cùng, Ae đi đến Sanam Luang, nơi ông đi ăn xin và bán báo dù không biết chữ. Ông thích hòa mình trong các bữa tiệc ngoài trời ở đây với nhạc sống, buổi chiếu phim và đồ ăn miễn phí.
Khi trở thành trẻ lang thang, Ae từng bị lừa lên chiếc thuyền đánh cá, nơi ông bị bắt làm việc như nô lệ trên biển nhiều tháng mà không được trả công. “Công việc đó rất cực khổ. Nếu bạn phản kháng, họ sẽ đẩy bạn xuống biển mà chẳng ai hay”, Ae chia sẻ.
Ông đã tìm cách trốn khỏi đó và giờ đang sống tại một phòng trọ nhỏ, đồng thời trở thành nhân viên xã hội của tổ chức Mirror Foudation chuyên giúp người vô gia cư. Giáng sinh vừa qua, ông mặc đồ ông già Noel đi khắp phố để phát quà cho người lang thang. “Ae là ngoại lệ. Nhiều người vô gia cư không làm được như vậy. Ông ấy may mắn khi không bị sa ngã”, Sombat nói.
Không riêng Ae, Piyabut cũng đang đi đúng đường. 3 năm trước, cậu từng bị lao nhưng không được điều trị vì không có tiền. Thậm chí cậu cũng không có chứng minh công dân để được nhận chăm sóc sức khỏe theo chương trình y tế của chính phủ. “Tôi từng nghĩ mình sẽ chết. Tôi đã muốn về nhà. Nhưng tôi không biết địa chỉ chính xác hoặc biết nó ở khu vực nào. Tất cả những gì tôi nhớ là ngôi nhà gỗ nằm cạnh đường ray xe lửa”, Piyabut cho biết.
Được một bác sĩ tốt bụng điều trị miễn phí, Piyabut dần khỏi bệnh và bắt đầu tìm gia đình của mình. Sau nhiều tuần tìm kiếm với sự giúp đỡ của nhân viên tổ chức Mirror Foundation, anh cuối cùng cũng xác định được vị trí của nó. “Lúc đầu tôi không nhận ra bố bởi ông ấy đã quá già rồi. Ông ấy cũng không nhận ra tôi nữa. Ông nghĩ tôi đã chết rồi. Cả hai đều bật khóc”, Piyabut kể lại.
Chàng trai 25 tuổi hiện sống ở nhà và thường tự hỏi mọi chuyện sẽ thế nào nếu không bỏ nhà đi. “Tôi có lẽ đã đi học và có cuộc sống tốt hơn”, cậu nói. Ông Ae đồng tình với điều đó. “Tôi nói với những đứa trẻ lang thang rằng hãy trở về nhà nếu có thể. Đừng sống trên đường phố bởi người xấu sẽ lạm dụng và lừa các cháu”, ông nói.