Cảnh sát phòng chống ma túy của Mỹ đã phải thành lập một lực lượng chuyên trách để theo dõi các đường dây ma túy từ châu Á và những băng nhóm như của Johnny Eng, được gọi là Lực lượng 41.
Richard La Magna (cựu Phó giám đốc EA - Lực lượng chống ma túy Hoa Kỳ) kể lại: “Khi tôi mới thành lập Lực lượng 41, hầu như không ai muốn tham gia cả, bởi đây là một “đấu trường” hết sức khắc nghiệt và nguy hiểm”. Lực lượng 41 là một sự pha trộn lẫn lộn giữa các cá nhân đặc trưng, có khả năng xử lý các tình huống cực nhanh nhạy, bởi những tên tội phạm mà họ đối đầu không phải loại “muỗi nhép” buôn bán ma túy lẻ tẻ, mà là những kẻ “tay to” trong giới ma túy.
Giữa những năm 80 của thế kỷ trước, mỗi kilogram ma túy nguyên chất có nguồn gốc châu Á có thể được mua tại Hong Kong với giá 20.000- 30.000 USD, nếu đưa trót lọt đến New York thì có thể bán với giá 80.000- 90.000 USD mỗi kilogam.
Các đầu nậu thứ cấp bắt đầu pha trộn các phụ gia khác vào, nâng giá bán để rồi khi ra đến thị trường, mỗi kilogram ma túy nguyên chất có thể “đội giá” lên tới cả triệu USD. Cứ thế, hàng triệu hàng triệu đô-la đã đổ vào túi của những tay trùm như Johnny Eng.
Phú quý tất sinh lễ nghi, kể từ khi giàu có, Johnny bắt đầu học đòi làm trưởng giả, lúc nào cũng khoác áo choàng, mua sắm những món đồ xa xỉ... bắt chước theo đúng hình tượng mà các bộ phim của Hollywood về xã hội đen Trung Quốc. Mới chỉ 26- 27 tuổi khi đó, với vị thế là một ông trùm thì Johnny đương nhiên phải tạo cho mình vẻ hào nhoáng, hắn mua biệt thự ở Pennsylvania, xây sân bóng rổ, bể bơi trong nhà...
Johnny đưa đám đàn em trong Phi Long bang tới hang ổ của hắn tại Pennsylvania để tập bắn trúng máy. Trong thời kỳ mà hầu hết người dân đều quen dùng súng săn thì Johnny và đám đàn em đã trang bị cho mình súng máy. Đó là mới là bản sắc của Johnny “súng máy”.
Pete Mitesser (Bộ phận sân bay- Lực lượng chống ma túy) kể lại: “Vào năm 1985 chúng tôi nhận được thông tin từ Hong Kong về ba bưu kiện đang trên đường tới New York, chúng ban đầu được chuyển đến quận Queens (ngoại ô New York). Sau khi xác định được địa chỉ người nhận là một người phụ nữ Trung Quốc, với sự giúp sức của bên bưu chính, cơ quan chống ma túy đã kiểm soát toàn bộ quá trình giao hàng. Mỗi bưu kiện chứa khoảng 15 kg heroin, được giấu trong thú nhồi bông và các hộp gia vị, chúng được chuyển đến ba địa điểm khác nhau, các đặc vụ đã theo sát và đồng thời bố trí lực lượng theo dõi cả ba điểm giao nhận hàng kể trên.
“Thanh tra Bưu chính đã phối hợp, giúp chúng tôi cài một dây nối phía trong các bưu kiện. Nếu bưu kiện đó được mở ra thì dây nối bên trong sẽ đứt, lập tức tín hiệu sẽ được gửi ra cho lực lượng đang mật phục bên ngoài, và đó cũng là lúc mọi người ập vào”, ông Pete Mitesser kể lại.
Ngay khi các đặc vụ phá cửa xông vào, mọi người có mặt tại các điểm giao nhận đó đã bị bắt giữ, chỉ 3 bưu kiện đó đã có giá khoảng 60 triệu USD ngoài thị trường lúc bấy giờ. Lực lượng 41 cũng hiểu rằng số ma túy đó “chẳng thấm vào đâu” so với tiềm lực của Johnny. Tiếp đó, hai nguồn tin đã giúp cơ quan chống ma túy lần ra được “tổng kho” ma túy đang chuẩn bị được chuyển đến cho Phi Long bang.
Ở Boston, họ bí mật theo dõi một vụ vận chuyển hàng tới, theo “mật báo”, ma túy được giấu trong các máy tách mầm đậu, số ma túy đó được chuyển cho băng nhóm của Johnny. Trong vụ đột kích đó, DEA thu giữ khoảng 83kg ma túy, và khoảng 28 triệu USD tiền mặt. Sự kiện đó quả thực là “ác mộng” đối với băng Phi Long. Lực lượng 41 đã kiểm soát được cuộc chiến và lúc này Johnny đã cảm nhận được “sức nóng”, hắn đã biến mất không tăm hơi.
Vào tháng 1/1989, kẻ đứng đầu Phi Long bang đã bắt máy bay và chuồn khỏi nước Mỹ. Không hiểu vì lý do gì mà thời điểm đó tên của Johnny đã có trên lệnh truy nã, vậy mà hắn ta vẫn có thể lên máy bay và chuồn về Hong Kong mà vẫn sử dụng giấy tờ với tên thật của mình. Hóa ra, chính nhờ cái tên thật của Johnny mà hắn đã qua mặt được hải quan, theo khai sinh thì tên của hắn là Johnny ‘Ng’, tuy nhiên, cơ quan chống ma túy khi đưa ra lệnh truy nã thì lại viết tên hắn theo cách phiên âm tại Mỹ, khi đó tên của hắn được viết thành Johnny “Eng”. Đó chính là cách mà Johnny đã lách qua khe cửa quá hẹp để có thể trốn thoát thành công.
Johnny nghĩ rằng một khi trở về Hong Kong thì sẽ được an toàn, bởi ở đó là một nơi thịnh vượng và là “bản địa” đối với hắn, đó còn được ví là “miền Tây hoang dã” đối với giới tội phạm, bởi cho đến tận Thế chiến thứ 2, thuốc phiện vẫn được coi là hợp pháp tại miền đất này. Nhưng khi Johnny trở lại Hong Kong thì thế thời đã khác, lúc đó nhiều quốc gia coi việc chống ma túy là mục tiêu hàng đầu và đã lên kế hoạch phối hợp, những kẻ như Johnny và Phi Long bang của hắn được “ưu ái” trong cuộc chiến này.
(Đón đọc kỳ cuối: Sự biến mất bí ẩn của trùm Johnny Eng)