Tại buổi tọa đàm về minh bạch thu phí các dự án BOT giao thông do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 20/5, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên khẳng định không thể phủ nhận việc đưa nhiều tuyến cao tốc vào hoạt động đã mang lại hiệu quả kinh doanh cho DN vận tải và người dân khi đi trên những con đường tốc độ cao, an toàn, lượng lưu thông nhiều hơn.
Tuy nhiên, hiện nay đang có tình trạng “phí chồng phí”, DN vừa đóng phí trên đầu phương tiện lại vừa đóng phí BOT, trạm thu phí bủa vây khắp nơi nên DN phải đóng phí vận tải khá nhiều.
Ví dụ như QL5 (Hà Nội - Hải Phòng), xe 42 chỗ giường nằm xuất phát từ bến xe Nước Ngầm mà chi phí hết 24,5 triệu đồng/tháng, chưa kể phí vận tải xuất bến 700.000 đồng/chuyến. Phí như vậy là quá cao vì có chuyến khi xuất bến chỉ có 5-7 khách. Rồi quãng đường Hà Nội-Thái Bình hơn 100km mà có đến 4 trạm thu phí, ông Bùi Danh Liên nói.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, khi thực hiện phê duyệt các dự án BOT, Bộ GTVT đã thực hiện đúng quy định của Nhà nước, các trạm thu phí bảo đảm khoảng cách 70km và mức tăng phí đúng theo lộ trình.
Liên quan đến các dự án đang đề xuất tăng phí trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định Bộ GTVT sẽ rà soát lại các dự án BOT cũ và mới về việc tăng phí. Một số trạm đã đến hạn theo hợp đồng 3 năm sẽ được tăng phí nhưng Bộ chưa cho tăng, các trạm mới xem xét thời gian hoàn vốn và cố gắng kéo dài thời gian hoàn vốn để giảm mức phí.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng xem xét giảm tiếp phí cho xe container 20-40 feet để giữ các tuyến quốc lộ khỏi phải chịu xe quá tải.
“Trong tuần tới, Bộ GTVT và Bộ Tài chính sẽ cùng ngồi lại để rà soát lộ trình tăng phí và thời gian thu phí. Chúng tôi hứa với DN sẽ vào cuộc tích cực để giảm bớt áp lực tăng phí”, Thứ trưởng khẳng định.
Liên quan đến việc nhiều dự án BOT vừa làm xong chất lượng đã xuống cấp hoặc bị thanh tra, kiểm toán phát hiện sai phạm, ông Trường cho biết cũng có nhiều yếu tố liên quan như nắng nóng, xe quá tải, nhựa đường nhập chất lượng kém… cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
“Bộ GTVT khẳng định từ nay về sau các dự án giao thông sẽ không hằn lún vệt bánh xe nữa. Các nhà đầu tư phải bảo hành dự án từ 2-4 năm, nếu có hư hỏng chủ đầu tư phải tự bỏ tiền sửa chữa và không được tham gia đấu thầu các dự án tiếp theo”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu